Từ thực tiễn cây cam bị tàn lụi tại chính những thủ phủ trồng cam có tiếng của tỉnh Nghệ An như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, hay gần đây là Yên Thành, Thanh Chương… và bài học xương máu từ những chủ vườn trước thất bại, ông Lê Công Chất, Giám đốc Hợp tác xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An Chất đúc kết ra rằng, để thành công không thể áp dụng theo hình thức “ăn xổi”.
Sản phẩm cam Cao Phong của Hợp tác xã 3T Farm nhận được nhiều yêu thích của khách hàng. |
Ngược lại, theo ông Chất phải chấp nhận đầu tư, phải bồi bổ, cải tạo đất, môi sinh, phải xây dựng theo chuỗi tuần hoàn khép kín, có như vậy mới mong cho ra thị trường sản phẩm chất lượng.
Quan điểm canh tác của Giám đốc Hợp tác xã Nghi Văn là không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng nhiều đến môi trường xung quanh. Nếu phải dùng thì chỉ dùng những dòng sản phẩm cao cấp, có thương hiệu, đã được kiểm chứng với liều lượng trong ngưỡng cho phép.
Tính ra chi phí đầu tư cho trang trại của ông Chất tốn trên dưới 250 triệu đồng/ha nhưng tiền nào của đó, cam của trang trại bán với giá bình quân khoảng 40.000 đồng/kg, có lúc lên trên 60.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn mua nhiều. Những năm rồi gia đình ông thu ổn định 60 - 70 tấn cam/năm, doanh thu gần 2,4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi chừng 2/3.
Nói về thành công bước đầu, ông Chất nói rằng, xét đến khía cạnh kinh doanh, sản xuất nông nghiệp đơn thuần tại khu vực phía Bắc chỉ có trồng cam mới làm giàu được.
Mới nghe thì đơn giản nhưng khi tiến hành thực hiện mới thấy hết khó khăn, vất vả, phải kiên trì áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ kéo dài nhiều năm.
Theo lời ông Chất, trồng cam đòi hỏi rất nhiều công đoạn, không am hiểu là "xôi hỏng bỏng không". Thời gian đầu có thể phun, ủ để kích thích mầm, nụ, kết hợp ngăn chặn sâu bệnh xâm nhập trong những tháng đầu.
Khi cây cam ra hoa đậu quả, xuyên suốt 6 tháng tính từ thời điểm bọc quả ông quán triệt công nhân không được can thiệp bằng bất kỳ loại thuốc nào.
Trước sau, Giám đốc Hợp tác xã Nghi Văn đều quả quyết sẽ kiên định với hướng đi đang chọn lựa, do đó sẽ không tiếc thời gian, tiền bạc để theo đuổi dài lâu con đường sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái.
Một mô hình cam hữu cơ thành công khác là Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (Hợp tác xã 3T Farm. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh cây ăn quả có múi là cam, quýt, theo hướng hữu cơ ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Cam của Hợp tác xã 3T Farm đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm).
Hợp tác xã 3T Farm do chị Vũ Thị Lệ Thủy thành lập cách đây 6 năm (tháng 8/2018) với 7 thành viên. Đến nay, 3T Farm có 15 thành viên. Năm 2023, Hợp tác xã 3T Farm là 1 trong 35 trường hợp đoạt giải tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo do Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Lý giải về cái tên 3T, chị Thủy cho biết, 3T tức là 3 tốt gồm: Tốt đất, tốt giống và tốt từ tâm, cũng giống như kinh nghiệm ông cha ta để lại là nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.
Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm, chị Vũ Thị Lệ Thủy cho biết, hiện tại, Hợp tác xã có 21 ha diện tích đất canh tác cam. 100% diện tích của chúng tôi đã được công nhận theo tiêu chuẩn VietGap (Sản phẩm được gắn nhãn mác nông nghiệp sạch).
Sản lượng cam hằng năm của Hợp tác xã khoảng 350 tấn. Thị trường của 3T Farm là các cửa hàng thực phẩm sạch từ TP.Đà Nẵng trở ra Bắc. Cam tươi của Hợp tác xã đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2020.
Cam Cao Phong có điểm khác biệt do khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây ăn quả có múi, nhất là cây cam. Thời tiết ở đây thường thấp hơn các vùng khác từ 2 đến 4 độ C. Điều đó làm chất lượng quả cam khác biệt hơn so với các vùng khác, hương thơm hơn và vị đậm hơn.”
Huyện Cao Phong xác định cây ăn quả có múi là một trong những loại nông sản chủ lực của địa phương. Hiện, huyện Cao Phong trồng khoảng 10 loại cam, quýt các loại, như: quýt Hà Giang, quýt Ôn Châu, cam CS1, cam Marss, cam lòng vàng, cam V2, cam lùn, cam xã Đoài… trong đó cam lòng vàng, cam canh, cam V2 được ưa chuộng hơn cả, tiêu thụ trên thị trường nhiều nhất.
Sản phẩm cam tươi của Hợp tác xã 3T Farm sau khi thu hoạch được đưa về xưởng, phân loại bằng dây chuyền sơ chế, bao gồm: sục rửa ozone, làm sạch và sấy khô trước khi đóng gói. 100% sản phẩm tiêu thụ ra thị trường đều có truy xuất nguồn gốc, các thông tin đầy đủ.
Mục tiêu của Hợp tác xã là sản xuất cam sạch, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Diện tích gia đình trồng cam hơn 1 ha, gần 1000 cây cam. 1 ha cam thu được từ 18 đến 20 tấn cam.
Hợp tác xã 3T Farm bao tiêu sản phẩm cho các hộ thành viên trong Hợp tác xã để đảm bảo ổn định giá đầu ra. Hợp tác xã cũng hỗ trợ nguồn vốn về phân bón. Vì vậy, bà con chúng tôi giảm bớt khâu đầu tư.
Ngoài cam tươi, Hợp tác xã 3T Farm còn có các sản phẩm chế biến từ cam, như: mứt cam, bột cam nguyên chất, trà hoa cúc, trà hoa đu đủ đực, trà hoa đậu biếc…
Hợp tác xã 3T Fram tiên phong áp dụng nhật ký điện tử vào sản xuất và được các thành viên trong Hợp tác xã đồng tình ủng hộ. Các thành viên trong Hợp tác xã 3T Farm thực hiện phương châm của 3T Farm “Vườn cam 3 tốt: tốt giống, tốt đất và tốt từ tâm”.
Nhờ tham gia Hợp tác xã 3T Fram, các thành viên Hợp tác xã đều có thu nhập ổn định, kinh tế gia đình ngày càng đi lên. Không những cải thiện kinh tế cho bản thân gia đình mình, các thành viên Hợp tác xã 3T Fram còn hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho các lao động ở địa phương.
Một số thành viên của Hợp tác xã 3T Farm khi được hỏi cho biết, gia đình họ tham gia vào Hợp tác xã 3T Fram ngay từ khi hợp tác xã bắt đầu thành lập.
Các hộ tham gia được Hợp tác xã cử đi tập huấn, được các kỹ sư nông nghiệp huyện xuống tham quan vườn và trao đổi với mình những kinh nghiệm trồng cam. Từ khi trồng cam, tham gia Hợp tác xã, đã giải quyết cho gia đình họ rất nhiều vấn đề về kinh tế.
Kinh tế gia đình tốt hơn nên gia đình đã tuyển lao động là người địa phương thu hoạch cùng các hộ gia đình, để bà con không phải đi làm ăn xa.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, hiện nay, ngoài mạng xã hội, Hợp tác xã 3T Farm còn phối hợp với Bưu điện huyện Cao Phong đưa cam và sản phẩm chế biến từ cam lên sàn thương mại điện tử Postmart.
Hiện nay, sản phẩm cam của Hợp tác xã 3T Fram đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, như: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa và TP.HCM.