Đầu tư
Đầu tư cảng tàu khách siêu sang tại Phú Quốc
Anh Minh - 28/10/2014 08:31
Dự án xây dựng cảng hành khách quốc tế tại thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang) với khả năng đón các tàu biển hành khách siêu sang có thể được đầu tư theo phương án kết hợp giữa hình thức BT và BOT.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Động thổ xây dựng Dự án Novotel Phú Quốc
Lập Đặc khu Phú Quốc, Đặc khu trưởng có thẩm quyền gì?
Vinpearl Resort Phú Quốc sẽ khai trương vào ngày 1/11
Kiên Giang có thêm 2 thành phố và 2 huyện mới
Vietnam Airlines mở đường bay Phú Quốc đi Singapore, Campuchia

Xã hội hóa đầu tư cảng hành khách Phú Quốc

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc (thành viên của Tập đoàn Vingroup) vừa chính thức đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và UBND tỉnh Kiên Giang cho phép làm nhà đầu tư Dự án xây dựng cảng biển hành khách quốc tế Phú Quốc tại thị trấn Dương Đông.

   
 

Hiện chỉ có tàu quốc tế của Hãng Hapag - Lloyd đưa khách tới Phú Quốc. Ảnh: ttxvn

 

Cụ thể, nhà đầu tư này đề nghị được triển khai xây dựng công trình cảng hành khách có tổng mức đầu tư lên tới 1.275 tỷ đồng, quy mô hiện đại nhất Việt Nam theo phương án kết hợp giữa hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong đó, khoảng 70% tổng kinh phí đầu tư cảng biển này được hoàn trả lại cho nhà đầu tư bằng hình thức BT.

Cụ thể, công ty con của Vingroup đề nghị được khai thác 85 ha đất sân bay cũ tại thị trấn Dương Đông để đầu tư khu đô thị mới, thực hiện Dự án tổ hợp du lịch cao cấp trên diện tích khoảng 560 ha tại Bãi Vòng và các dự án có sử dụng đất khác (nếu cần thiết). Khoảng 30% tổng kinh phí đầu tư còn lại sẽ được nhà đầu tư hồi vốn qua việc khai thác cảng biển (hình thức BOT).

Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc cũng đề nghị được giao triển khai đồng thời cả dự án cảng biển và các dự án khác nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động về tài chính, giảm chi phí bồi hoàn cho Nhà nước.

“Cơ chế này đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai đối với nhiều dự án cơ sở hạ tầng được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trong thời gian gần đây”, bà Võ Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc cho biết tại văn bản gửi Bộ GTVT vào đầu tuần trước.

Như vậy, nếu đề xuất này được chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên, một công ty du lịch xin bỏ tiền đầu tư cảng hành khách theo hình thức xã hội hóa.

Vingroup có nhiều cơ hội được chọn làm nhà đầu tư Dự án, bởi tại cuộc họp bàn phương án xây dựng cảng tàu khách mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang và Bộ GTVT đã thống nhất mời tập đoàn này triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho rằng, với tổng mức đầu tư lớn như vậy mà trông chờ vào nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp hàng năm thì rất khó. Mặt khác, nguồn thu từ hoạt động tàu khách không nhiều, nên chỉ kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT cũng không hiệu quả.

Chọn vị trí Dương Đông

Sau khi nghiên cứu các yếu tố về thủy văn, các tiêu chí thuận lợi về xây dựng, khai thác du lịch, giao thông kết nối, khả năng thu hút vốn của các nhà đầu tư…, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và Bộ GTVT đã thống nhất chọn vị trí xây dựng cảng đón tàu khách du lịch quốc tế tại thị trấn Dương Đông.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn cảng biển (Portcoast) cho biết, theo quy hoạch, cảng hành khách quốc tế Phú Quốc có thể tiếp nhận tàu chở  5.000 - 6.000 hành khách, kết hợp khai thác container hàng sạch.

Vị trí xây dựng cảng hành khách này nằm dọc theo Đại lộ Võ Văn Kiệt từ trong khu đô thị chạy ra biển theo hương Tây, nên cũng thuận tiện kết nối giao thông, đồng thời tạo nên một điểm nhấn cho đô thị Dương Đông trong tương lai.

Cầu tàu được thiết kế dài 400 m, trong đó cầu chính dài 240 m, rộng 19 m, cho phép tàu cập bến cả hai bên và một cầu dẫn dài 1.020 m được xây dựng từ bờ ra cầu tàu để đưa hành khách vào đảo.

Theo đánh giá của Portcoats, với điều kiện thủy văn, sóng, gió tại Phú Quốc, nếu chỉ xây dựng cầu tàu, thì tàu du lịch chỉ cập bến được khoảng 58% thời gian trong năm. Do vậy, nhà tư vấn này đề xuất phương án xây dựng đê chắn sóng ở phía trước, đảm bảo tàu cập bến quanh năm mà không ngại sóng, gió. Theo đó, sẽ tiến hành xây dựng đê chắn sóng theo hình chữ L với chiều dài 800 m, bề rộng đỉnh đê là 6,6 m...

Đơn vị tư vấn cũng đề xuất phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Tại buổi làm việc này, lãnh đạo và các sở, ban, ngành của tỉnh Kiên Giang đều thống nhất rằng, trong giai đoạn I (hoàn thành trước năm 2020) cần đầu tư đê chắn sóng để phát huy hiệu quả đầu tư. Giai đoạn II chỉ đầu tư thêm các hạng mục phụ trợ. Theo đó, tổng mức đầu tư giai đoạn I khoảng 1.089 tỷ đồng, riêng đê chắn sóng trên 537 tỷ đồng.

Theo Portcoast, Phú Quốc là một hòn đảo lớn với các điều kiện thiên nhiên tuyệt đẹp, lại nằm ngay trên tuyến du lịch đang hoạt động của 19 hãng tàu biển theo hải trình Singapore - Thái Lan - Việt Nam - các nước Đông Bắc Á, với 34 tàu cung cấp 113 tour du lịch quanh vùng.

Tuy nhiên, đối với các tàu trọng tải lớn, đến nay, chỉ có Hãng Hapag - Lloyd phối hợp với Saigontourist là đang tiến hành thử nghiệm đưa tàu

Europa 2 (tàu 5 sao, trọng tải 42.830 GRT, sức chở 516 hành khách và 370 thủy thủ đoàn) vào Phú Quốc như là một điểm tham quan trong tour du lịch của hãng này. Do Phú Quốc chưa có cảng cứng để tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế, nên tàu Europa phải neo đậu ngoài khơi rồi chuyển tải khách vào bờ, gây bất tiện và khó đảm bảo an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, thời gian tàu vào bến để du khách lên bờ chỉ 8 - 24 giờ, nên hạn chế rất nhiều khả năng thu hút các hãng tàu mở điểm tham quan tại Phú Quốc.

“Chính vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng sớm một bến cảng cứng tiếp nhận tàu khách quốc tế tại Phú Quốc để có thể tiếp nhận hành khách trực tiếp, kết nối với bờ là rất cần thiết”, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác