Doanh nhân
Đầu tư chỉ vì tiền, dễ bị bắt nạt và luồn lách
Anh Hoa - 24/08/2013 08:24
Trên hoạt động đầu tư, không thể tránh khỏi lúc vui, lúc buồn, lúc thuận, lúc bế tắc, song ông luôn chủ động tạo ra những nhân tố thuận lợi để thực hiện ước mơ bằng niềm tin và ý chí.

1.

Mái tóc bạc trắng, lịch lãm, sang trọng, nhưng rất cởi mở, đó là cảm nhận của bất kỳ ai khi tiếp xúc với ông – một Việt kiều Đức. Ông bắt đầu về nước đầu tư trước thời kỳ đổi mới (năm 1985) và thành danh trong lĩnh vực kinh doanh, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.

Giờ đây, tên tuổi ông lại được nhiều người biết đến thông qua các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

Doanh nhân Tiêu Như Phương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Maico Đà Lạt

Xuất thân là dân xây dựng – kiến trúc, nên ý tưởng phải xây dựng được một khu nghỉ dưỡng (resort) đến với ông vào khoảng năm 2004, khi ông cảm thấy đã yên tâm trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu, chứ không phải như đồn đoán rằng ông đã thất bại trong lĩnh vực này.

Thử nghiệm resort đầu tiên của ông được tiến hành vào năm 2006 là Palm Garden Resort (Hội An – Quảng Nam) mang sắc thái biển, do ông hợp tác cùng hai người bạn trong nước, với số vốn không được tiết lộ.

Sau thành công bước đầu, ông tiếp tục đầu tư 23 triệu USD thử nghiệm với Resort Dalat Edensee trên hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng) được thiết kế tựa theo phong cách của vùng non nước hữu tình Rheingau bên Đức, nơi gia đình ông đang sinh sống.

Hơn nữa, đó còn là một vùng chuyên sản xuất rượu vang, với cảnh quan núi non tuyệt đẹp cùng dòng sông Rhein thơ mộng soi bóng những lâu đài cổ hai bên bờ.

Theo ông, những yếu tố này hòa trộn với nhau, sẽ tạo nên một Dalat Edensee hoang sơ, yên tĩnh, phù hợp với những ai muốn tìm nơi chốn để cân bằng đầu óc cùng cơ thể, hay để suy nghĩ cho tương lai đường đời cùng những chiến lược kinh doanh táo bạo.

Thích mạo hiểm và không ngại thử thách là cá tính của ông, song việc bỡ ngỡ bắt tay vào đầu tư Palm Garden Resort với ông lại là một may mắn.

“Nếu không bắt đầu xây dựng tại Hội An, có thể, tôi sẽ có ít niềm tin hơn khi quyết định tiếp tục xây dựng thêm chỗ khác”, ông chia sẻ.

Với chất giọng hóm hỉnh, ông kể, ở Hội An, cơ chế chặt chẽ, nhưng dễ chịu. Có hai nhân vật mà ông cực kỳ ấn tượng. Đó là ông Nguyễn Sự (Bí thư Thành ủy Hội An) khó tính, nhưng chính trực và ông Nguyễn Xuân Phúc (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) bận rộn, nhưng sẵn sàng.

Với ông Nguyễn Sự, thì luôn tranh cãi rất gắt gao và thích nghe đối thoại trực tiếp để tìm ra điểm chung giữa bảo tồn và xây dựng mới, giữa quyền lợi nhà đầu tư và quyền lợi địa phương.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Phúc thì luôn sát cánh cùng ông trong suốt thời gian xây dựng và ngay cả khi resort đã đi vào hoạt động.

“Này anh bạn Việt kiều, cần giúp chi nữa hè? Là câu ông Phúc thường vui vẻ hỏi tôi”, ông Phương kể và kỳ vọng, nếu Khu nghỉ dưỡng Edensee ở Đà Lạt nhận được những hỗ trợ chân thành như thế trong quá trình hoạt động, thì ông có đủ niềm tin, nghị lực tiếp tục góp sức xây dựng thêm một số công trình đẹp trên dải đất hình chữ S này.

2.

Tiềm lực vốn của kiều bào cũng được thể hiện rõ qua những con số thống kê của các cơ quan chức năng mỗi năm lên tới hàng chục tỷ USD. Đó là nguyên nhân khiến nhiều người cho rằng, nguồn lực đầu tư của kiều bào là một mỏ vàng cần khai thác.

Ông vui vì điều ấy, song chất giọng đầm ấm ấy lại trùng xuống, bởi không phải người Việt Nam nào ở nước ngoài cũng sở hữu những nguồn vốn lớn và họ có được là do sự tích lũy khó khăn, cực nhọc trong một thời gian dài. Đặc biệt, khi kinh tế thế giới gặp khó khăn, thì chính những người Việt Nam đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài cũng trực tiếp gặp khó khăn, tiền tiết kiệm sẽ ít đi.

Đó là chưa kể tâm lý gánh nặng kinh tế, xã hội đang đè nặng trên vai của các doanh nghiệp tư nhân, không phân biệt doanh nhân trong nước hay doanh nhân kiều bào đang hoạt động tại Việt Nam.

Trong khi đó, tình trạng cục bộ địa phương và cơ chế “một cửa” mà mọi người vẫn thường nói đùa: “Một cửa, nhưng khóa bằng nhiều ổ khóa và phải mở bằng nhiều chìa khóa”.

Chẳng hạn, Nhà nước đã đưa ra những chủ trương, chính sách rất tốt nhằm thu hút đầu tư của kiều bào, song thực tế, kiều bào không được tiếp xúc với cấp Trung ương, mà phải làm việc trực tiếp với các ban, ngành ở địa phương nơi họ đầu tư.

“Chính những rào cản với những cơ chế không thông thoáng, chưa tạo điều kiện ở địa phương, dù nhỏ, nhưng rất phiền nhiễu, khiến nhiều kiều bào nản lòng. Tuy nhiên, nếu có tâm, có hoài bão cống hiến và có tiền, thì những rào cản khi đầu tư sẽ là một phần khó khăn nhỏ”, ông nói.

Trở lại vấn đề muốn đội ngũ kiều bào là “mỏ vàng”, ông cho rằng, Nhà nước cần phân biệt thành phần, đối tượng và có chính sách ưu đãi thích hợp để tiếp tục duy trì thế win - win cho dòng chảy vốn.

Thứ nhất, đối với thành phần doanh nghiệp kiều bào có vốn lớn, cần giải tỏa vướng mắc ở các địa phương, Luật Đất đai, phí, nguồn lao động…

Thứ hai, đối với thành phần Việt kiều (lao động, tiểu thương, tri thức), cần tiếp tục các chính sách rộng cửa đón nhận những người con Việt Nam, không phân chia ranh giới.

Luật và chính sách phải thông thoáng hơn nữa, trong đó, có chính sách 2 quốc tịch, chính sách cư trú, các thủ tục đăng ký, chuyển nhượng dành cho kiều bào…

3.

Không tiết lộ về kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, nhưng theo ông, các lĩnh vực đầu tư tiềm năng ở Việt Nam rất nhiều. Ông nhẩm tính: “Chỉ riêng về du lịch, cũng hãnh diện vì nhiều anh chị Việt kiều, những năm gần đây, đã chọn và đầu tư thành công. Họ đã giành được thị phần nhất định, chứ không phải nhường hẳn cho những tập đoàn nước ngoài”.

Đối với ông, việc đầu tư vào du lịch không có bí quyết lớn, mà đơn giản chỉ là thích lĩnh vực nào, thì nuôi dưỡng hoài bão thật nhiều cho lĩnh vực ấy và luôn chuẩn bị cho mình tư thế vào cuộc.

Ông giải thích thêm, hoài bão trong trường hợp này là góp phần làm giàu, làm đẹp đất nước. Khi hoài bão đã chín muồi, tư duy và phương án sẽ nảy sinh, sẵn sàng chớp cơ hội. Không vì hoài bão, mà chỉ vì lợi nhuận trước mắt, thì sẽ khó thành công, nhất là khi gặp rào cản. Không vì hoài bão, mà chỉ vì tiền, ta dễ bị bắt nạt, dễ đi đến luồn lách.

“Muốn đầu tư vào đâu, thì cần gần gũi, giúp đỡ cộng đồng, đào tạo con người, để luôn có hậu thuẫn mạnh, đồng thời chăm lo rèn luyện bản thân, gia đình, con cái để đưa sự nghiệp tiếp tục phát triển”, ông chia sẻ kinh nghiệm với tư cách là một người đã về nước làm ăn gần 30 năm qua.

Giờ ông đã 63 tuổi, cái tuổi đủ ông tính đến chuyện nghỉ hưu và nhường lại ngôi vị cho con, cháu. Tuy nhiên, ông vẫn đi đi về về giữa Việt Nam và Đức, do còn phải lo cả công việc làm ăn tại châu Âu.

Ông bảo, thực tế, thế hệ thứ hai đã nhập cuộc cách đây 8 năm và chúng thổi vào Công ty một luồng sinh khí mới, một văn hoá kinh doanh mới, đột phá hơn, hữu hiệu hơn. Điều đó làm ông yên tâm về bước đường sự nghiệp trước mắt và khơi lại trong ông những hoài bão, cảm hứng mà ông đã ấp ủ từ lâu.

Và đó cũng là khoảng thời gian các con của ông nỗ lực phát triển kinh doanh, còn ông thì dùng tiền tích lũy để thực hiện những ước mơ. Đó là sẽ xây dựng những công trình đẹp ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, để phục vụ khách du lịch.

Các con của ông sinh ra ở Đức, nói tiếng Đức, thấm nhuần văn hóa Đức. Nhưng ông lại vô cùng an tâm khi thấy con trai mình có những tiến bộ rõ rệt trong mặt ngôn ngữ.

“Nếu như 8 năm trước, khi lần đầu về làm việc ở Việt Nam, nó luôn né tránh tiếp xúc vì sợ hiểu sai, nói sai và cũng có thể vì tự cao, tự đại. Nhưng ngày hôm nay, trên chính mảnh đất quê hương, nó có thể đứng một mình để thuyết phục, động viên cả mấy trăm công nhân với những lời nói bằng tiếng mẹ đẻ, ngắn gọn và súc tích”, ông nói một cách tự hào.

Tin liên quan
Tin khác