Bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới. |
Nhiều quan điểm cho rằng, phải hạn chế đầu tư công để “nhường sân” cho khu vực tư nhân như nhiều quốc gia trên thế giới đang làm. Quan điểm của bà thế nào?
Đúng là có không ít người nghi ngờ về việc, liệu có cần thiết phải duy trì lượng đầu tư công lớn trong thời gian dài hay không, vì đầu tư công về bản chất dù nguồn vốn đi vay hay lấy từ ngân sách nhà nước cũng đều là từ tiền thuế. Vì thế, đầu tư từ tiền thuế của dân nên giảm đi, để khu vực tư nhân tham gia, giảm vai trò đầu tư của Nhà nước để “nhường sân” cho khu vực tư nhân.
Quan điểm này không sai, nhưng chỉ đúng với những nền kinh tế đã phát triển, khu vực tư nhân rất lớn mạnh, có đủ tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, uy tín để huy động vốn, vì đầu tư vào các công trình, dự án công đòi hỏi nguồn vốn vô cùng lớn, thời gian hoàn vốn lâu. Với các nền kinh tế nhỏ, mới ở bước đầu của quá trình tiến lên để trở thành nước công nghiệp phát triển, chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, nên Nhà nước vẫn phải là nhà đầu tư chủ đạo để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt.
Nghĩa là đầu tư công vẫn phải tiếp tục trong thời gian tới, thưa bà?
Nghiên cứu về đầu tư công của Ngân hàng Thế giới trên toàn cầu cho thấy, vốn đầu tư công chia theo bình quân người dân, hay tỷ trọng vốn đầu tư công/GDP của Việt Nam hiện tại ở mức rất thấp so với các nước trên thế giới cũng như nhiều nước trong khu vực, mặc dù qua gần 4 thập kỷ mở cửa, đổi mới nền kinh tế, nguồn lực đầu tư công được tăng lên liên tục, cả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn vay ưu đãi lẫn vay thương mại.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện tại vừa yếu, vừa thiếu, lại không đồng bộ, nên nhu cầu đầu tư còn rất lớn và phải mất rất nhiều thời gian tăng tốc đầu tư công thì kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội mới đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Nhưng thưa bà, gia tăng đầu tư công sẽ tác động ngay tới nợ công, nợ Chính phủ?
Hậu Covid-19, nợ công và nợ chính phủ trên thế giới tăng rất mạnh, cả ở nền kinh tế phát triển lẫn đang phát triển. Trong xu hướng nợ công và nợ chính phủ trên thế giới tăng mạnh, thì Việt Nam lại khá an toàn. Năm 2022, nợ công của Việt Nam chỉ tương đương 38% GDP, năm nay ước vào khoảng 39-40% GDP, còn thấp xa so với ngưỡng cảnh báo là 55% GDP.
Tương tự, nợ Chính phủ năm 2022 chỉ tương đương 34,7% GDP, còn năm nay ước chừng 36-37% GDP, còn xa so với ngưỡng tối đa là 45% GDP. Hay nợ nước ngoài năm 2022 là 36,8% GDP, còn năm nay cũng chỉ vào khoảng 37-38% GDP, trong khi ngưỡng cảnh báo là 45% GDP.
Như vậy, dù có tăng tốc đầu tư trong những năm tới, thì an ninh tài chính quốc gia vẫn rất bảo đảm, an toàn, vấn đề là đầu tư vào đâu, lĩnh vực nào và hiệu quả của đồng vốn đầu tư. Nếu Việt Nam không tăng tốc đầu tư công thì mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình sẽ khó đạt được.
Theo một số chuyên gia kinh tế, hiệu quả đầu tư công của Việt Nam khá thấp, cụ thể là Hệ số ICOR cao. Thưa bà, nếu gia tăng đầu tư công thì hiệu quả lại càng thấp?
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm để tăng thêm một đồng GDP. ICOR thấp, chứng tỏ đầu tư hiệu quả cao và ngược lại.
Song, ICOR là chỉ số để đo hiệu quả đầu tư chung cả nền kinh tế, còn với đầu tư công thì ICOR chỉ là một trong nhiều phương pháp để đánh giá hiệu quả đầu tư công, vì hiệu quả đầu tư công không chỉ đo bằng tiền, mà còn là sự tác động của dự án, công trình tới xã hội, là sự lan tỏa của dự án đầu tư công để thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Chưa kể, rất nhiều dự án đầu tư công không thể đo được bằng tiền, như đầu tư vào các dự án thích nghi với biến đổi khí hậu, “sống chung với lũ”, chống ngập, xử lý nước thải, chất thải..., thì không thể đem giá trị kinh tế ra để đo được.
Việt Nam là một trong 10 khu vực chịu tác động tiêu cực nhất bởi sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nên dù muốn hay không cũng phải đầu tư không ngừng vào lĩnh vực này với số tiền rất lớn, nên ICOR đầu tư công cao hơn khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài những nước khác cũng không có gì là khó hiểu.
So với GDP, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Việt Nam khá thấp và hầu như không tăng kể từ năm 2011, chỉ loanh quanh 33-34% GDP. ICOR nằm trong khoảng 5,5-6, ngoại trừ năm 2020 và năm 2021, ICOR lên đến 14,27 và 15,57 là do chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19, nhưng năm 2022 đã giảm xuống chỉ còn 5,13, nên có lẽ cũng không quá lo ngại về hiệu quả đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng.
Vậy kinh nghiệm trong đầu tư công trên thế giới thế nào, thưa bà?
Chúng tôi đã nghiên cứu quá trình đầu tư công của 13 nền kinh tế trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, trong đó có những nền kinh tế đã trở thành rồng như Hàn Quốc, Đài Loan... Khi nền kinh tế của họ giống như ta bây giờ thì họ duy trì đầu vốn tư công tối thiểu là 7% GDP trong một thời gian rất dài và phải mất 20-30 năm mới tạo ra bộ mặt mới, diện mạo mới của nền kinh tế.
Có thể khẳng định, việc gia tăng đầu tư công trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, nếu không tạo ra sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế thì cũng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đây là bài học bổ ích để Việt Nam học hỏi.