Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, song theo kế hoạch, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kéo dài từ ngày 6 tới ngày 10/7/2015, CitiBank sẽ đệ trình Ý định thư về việc mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Nếu kế hoạch này thành được hiện thực thì đó sẽ là một bước phát triển mới của CitiBank tại Việt Nam, sau hơn 20 năm chỉ hoạt động như một chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, cũng là lời khẳng định cho mối quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ đối với Việt Nam như một địa điểm đầu tư đầy tiềm năng.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo kế hoạch, một loạt thỏa thuận hợp tác cũng sẽ được ký kết, như hợp tác về hàng không dân dụng, hợp tác về dầu khí giữa PetroVietnam và Murphy Oil, hay giữa Vietjet Air và General Electric... Boeing sẽ bàn giao máy bay Boeing 787-9 Deream cho Vietnam Airlines. Giấy phép xây dựng Trường đại học Fulbright tại Việt Nam dự kiến sẽ được trao. Và một cuộc tọa đàm với sự có mặt của khoảng 200 doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ được Phòng Thương mại Hoa Kỳ và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tổ chức.
Trong khi đó, ngay trước chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hơn 100 nhà đầu tư quốc tế đã đến dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại Hoa Kỳ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì ngày 1/7 tại New York. Tại đây, thông điệp về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư và thu hút nhà đầu tư nước ngoài cùng mong muốn tìm nhà đầu tư chiến lược từ nhiều doanh nghiệp lớn như SCIC, Vinatex, BIDV, Vinacomin… đã tạo nên một ấn tượng đẹp cho các nhà đầu tư Mỹ.
Tất cả những động thái này được cho là tín hiệu cho thấy một cánh cửa tương lai tốt đẹp hơn trong hợp tác đầu tư Việt - Mỹ đang được mở ra. Kỳ vọng về việc Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam đã thêm một lần nữa được bà Virgina B. Foote, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định, nhất là khi Việt Nam và Mỹ đang tích cực thúc đẩy quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư từ Mỹ, cũng như từ các quốc gia thành viên TPP”, bà Virgina B. Foote nói.
Tuy nhiên, câu hỏi lại một lần nữa được đặt ra, liệu Mỹ có thực sự trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam?
Điều này trên thực tế đã được khẳng định từ nhiều năm nay, ngay từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ từ 20 năm trước và khi cùng ký vào Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, dù vẫn là nhà đầu tư “hàng đầu”, Mỹ vẫn chưa thể là nhà đầu tư “số 1” tại Việt Nam. Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam được cả hai phía đánh giá là chưa xứng với tiềm năng.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 20/6/2015, Mỹ có 748 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 11 tỷ USD. Tuy vẫn đứng thứ 7 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam và không hề sai khi Mỹ luôn là nhà đầu tư hàng đầu, song nếu so với con số 39 tỷ USD của Hàn Quốc, 37 tỷ USD của Nhật Bản, hay 33 tỷ USD của Singapore, 28 tỷ USD của Đài Loan, thì 11 tỷ USD vẫn là con số khiêm tốn.
Ở một khía cạnh khác, nếu so vốn đầu tư của Mỹ vào các quốc gia ASEAN, dù Việt Nam nhiều năm liền được cho là địa điểm đầu tư tiềm năng thứ hai trong khu vực, thì khoảng cách vẫn còn khá xa.
Không chỉ đầu tư trực tiếp, mà cả đầu tư gián tiếp, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cũng chưa xứng với tiềm năng và khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam, cho dù hiện vẫn đang có khoảng 995 nhà đầu tư Mỹ có mặt trên thị trường vốn Việt Nam, chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong các nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch.
Bàn về lý do vì sao đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam chưa được như kỳ vọng, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI đã nhiều lần nhắc tới những rào cản đến từ sự thiếu minh bạch trong cơ chế, chính sách của Việt Nam, cũng như thiếu nhân lực chất lượng cao. “Nhà đầu tư Mỹ không muốn phải lòng vòng xin - cho, mà muốn các chính sách pháp luật rõ ràng, minh bạch và có tính tiên liệu cao”, ông Mại lý giải.
Liên quan đến vấn đề này, bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cũng đã nhiều lần bày tỏ, không chỉ các thành viên Amcham, mà các nhà đầu tư nước ngoài nói chung còn quan ngại với sự chậm trễ kéo dài và không chắc chắn của các dự án trọng điểm, các chính sách và quy định, bao gồm cả việc thực hiện các thông tư và nghị định, các dự án hạ tầng cơ sở quan trọng, việc cải cách thủ tục hành chính...
“Ngành công nghiệp ô tô đang thiếu lộ trình rõ ràng và chi tiết cho quyết định chiến lược về Quy hoạch Phát triển tổng thể ngành công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Điều này đã làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư và mang lại rủi ro khi nhà sản xuất cân nhắc kế hoạch lựa chọn khu vực thay thế trong ASEAN”, bà Sherry Boger nêu ví dụ.
Trong khi đó, bà Virgina B. Foote nhắc đến những rào cản liên quan đến cơ sở hạ tầng thiếu hoàn thiện, chất lượng nguồn nhân lực còn kém và quá trình tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước còn chậm chạp...
Nếu khắc phục được các điểm yếu này, Mỹ có thể sớm trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam.