Dự án - quy hoạch
Đầu tư hạ tầng giao thông TP.HCM: Nhu cầu lớn, nhưng chưa thể làm nhanh
Ngọc Tuấn - 16/03/2021 16:43
Được xác định là một trong 3 đột phá phát triển, song đầu tư hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều vướng mắc, từ khâu chuẩn bị đầu tư đến quá trình triển khai thực hiện.
Vốn, giải phóng mặt bằng và thủ tục vẫn là những vướng mắc kéo chậm tiến độ đầu tư hàng loạt dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM

Nhu cầu đầu tư rất lớn

Lời giải bài toán ùn tắc giao thông của TP.HCM khiến nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông tại đô thị lớn nhất Việt Nam luôn là vấn đề “nóng” trong nhiều năm qua và cả giai đoạn tới đây.

Ngoài các dự án chuyển tiếp, đang thực hiện, nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông TP.HCM thời điểm hiện tại là rất lớn. Đó là các nhóm dự án khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái; khép kín Vành đai 2, xây dựng Vành đai 3 và các đường cao tốc liên vùng (trước mắt là tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài); mở rộng các cửa ngõ Thành phố; nhóm dự án liên kết trục Bắc - Nam; nhóm dự án kết nối phía Đông, khu đô thị sáng tạo; hệ thống hạ tầng giao thông nội thị; các dự án đường sắt đô thị...

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, TP.HCM cần thực hiện các nhóm giải pháp nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại các “điểm nóng”. Chẳng hạn, cần gấp rút đầu tư khép kín tuyến Vành đai 2 với 2 đoạn còn lại. Đó là đoạn từ cầu Phú Hữu đến ngã tư Bình Thái (xa lộ Hà Nội) - đường Phạm Văn Đồng - cầu Gò Dưa và đoạn phía Tây từ khu vực Tân Tạo đến đường Nguyễn Văn Linh.

Để cải thiện cục diện giao thông căn bản, TP.HCM cũng phải đầu tư nhóm dự án mở rộng các cửa ngõ, tăng kết nối liên vùng như Quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu tới cầu Vĩnh Bình), Quốc lộ 50 (đi tỉnh Long An), Quốc lộ 1A (đi tỉnh Tiền Giang), Quốc lộ 22 (đi tỉnh Tây Ninh), cầu Cát Lái (đi huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai); nhóm dự án giải quyết trục Bắc - Nam với các dự án mở rộng đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Lương…

Uớc tính, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn tới có thể tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng bố trí của ngân sách TP.HCM rất hạn chế. Mấy năm gần đây, ngân sách phân bổ cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông ở cả 3 nhóm dự án (chuẩn bị đầu tư, chuyển tiếp và khởi công mới) chỉ là 4.000 - 7.000 tỷ đồng/năm.

Thách thức cũ vẫn chưa có lời giải

Vốn, giải phóng mặt bằng và thủ tục vẫn là những vướng mắc kéo chậm tiến độ đầu tư hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, mà chính quyền TP.HCM cần nhanh chóng, quyết liệt tháo gỡ.

Trong cuộc họp mới đây về kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đã đề xuất đầu tư 15 dự án trọng điểm, cấp bách.

Đó là công trình kết nối đồng bộ tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành; đoạn 4 - Vành đai 2: từ Quốc lộ 1A đến Nguyễn Văn Linh; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu); hoàn chỉnh trục đường Bắc - Nam (đoạn từ Nguyễn Văn Linh - cầu Bà Chiêm); hoàn thiện đoạn tuyến vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy; tuyến vành đai phía Đông từ nút giao Mỹ Thủy đến nút giao Nguyễn Duy Trinh - Vành đai 2; cầu Thủ Thiêm 4; cầu Cần Giờ; đường trên cao Tuyến số 1: từ nút giao Cộng Hòa đến đường Ngô Tất Tố; đường trên cao Tuyến số 5: đoạn Nút giao trạm 2 - An Sương; cụm cảng trung chuyển - ICD (phường Long Bình, TP. Thủ Đức); bến xe Miền Tây mới; xây dựng bến xe hàng; cầu Bình Quới; cầu Bình Quới - Rạch Chiếc.

Tuy nhiên, theo Sở Giao thông - Vận tải, nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM không thể thực hiện đúng tiến trình đầu tư do gặp nhiều vướng mắc về vốn, mặt bằng và thủ tục chuẩn bị đầu tư. Đây là những vướng mắc không mới, thậm chí trở thành “kinh niên”, song giải pháp của chính quyền TP.HCM vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Để đẩy nhanh tiến trình thực hiện các dự án, Sở Giao thông - Vận tải đề xuất UBND TP.HCM giao vốn để thực hiện công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án trên trong năm 2021 và 6 chương trình đầu tư công theo đề xuất trước đó.

Theo đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải, các dự án trọng điểm, cấp bách trên đang gặp khó khăn lớn về bồi thường giải phóng mặt bằng, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện. Một khó khăn nữa là không ít dự án phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2000, làm chậm tiến trình thực hiện đầu tư. Trước những vướng mắc đó, Sở Giao thông - Vận tải kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông. Theo đó, UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện quyết liệt bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thi công, hoàn thành công trình, đảm bảo tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án.

Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần hướng dẫn các chủ đầu tư điều chỉnh chủ trương đầu tư, thời gian thực hiện các dự án giao thông, dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư.

Tin liên quan
Tin khác