Chiều dài đường cất hạ cánh hiện hữu của sân bay Côn Đảo đủ để tiếp nhận và khai thác hiệu quả hầu hết các loại tàu bay code C |
Đồng thuận đầu tư PPP
Đã có sự thay đổi quan trọng trong phương án đầu tư mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo nếu chiểu theo Công văn số 13930/BGTVT-KHĐT vừa được Bộ GTVT ban hành vào giữa tuần này.
Theo đó, trên cơ sở nhu cầu phát triển và đề xuất của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ GTVT thống nhất việc triển khai đầu tư mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo theo phương thức PPP với phạm vi đầu tư bao gồm toàn bộ các công trình của Cảng (các công trình khu bay, các công trình bảo đảm hoạt động bay, các công trình thiết yếu khu hàng không dân dụng, các công trình dịch vụ hàng không).
Với phương án khai thác các loại tàu bay cỡ lớn, thân rộng để tiếp cận các thị trường châu Âu, châu Mỹ như đề nghị của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ GTVT cho rằng, cần rà soát, nghiên cứu điều chỉnh kích thước đường cất hạ cánh.
Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu, tổ chức lập Quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để rà soát, điều chỉnh cho phù hợp. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ xây dựng Đề án Xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Côn Đảo để báo cáo Thủ tướng cho phép triển khai thực hiện.
“Bộ GTVT sẽ triển khai các thủ tục để dừng chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không Côn Đảo trị giá 1.680 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 theo quy định của Luật Đầu tư công”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Trong văn bản gửi lãnh đạo Chính phủ trước đó, Bộ GTVT cho biết, chiều dài đường cất hạ cánh hiện hữu (1.830 m) của Cảng hàng không Côn Đảo đủ để tiếp nhận và khai thác hiệu quả hầu hết các loại tàu bay code C do các hãng hàng không Việt Nam khai thác (như A320neo/ceo, B737-7/8, E190/E195, ngoại trừ dòng tàu bay A321 phải giảm tải trọng thương mại).
Để tăng năng lực khai thác tại Cảng hàng không Côn Đảo, chỉ cần đầu tư mở rộng, nâng cao sức chịu tải của đường cất hạ cánh, đường lăn và các công trình bảo đảm an toàn để sớm đưa vào khai thác các loại tàu bay tầm trung. Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, phương án đầu tư, khai thác nêu trên bảo đảm phát huy hiệu quả khai thác, cũng như hiệu quả đầu tư hạ tầng với kinh phí hợp lý, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường biển.
Cùng với đó, Bộ GTVT đề xuất phương án Bộ GTVT tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không Côn Đảo sử dụng nguồn vốn đầu tư công, để khắc phục tình trạng xuống cấp của kết cấu, nâng cao sức chịu tải, sớm đưa vào khai thác tàu bay code C, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam sẽ đầu tư các công trình bảo đảm hoạt động bay bằng vốn tự có của doanh nghiệp; UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu huy động nguồn vốn xã hội đầu tư các công trình còn lại (các công trình thiết yếu khu hàng không dân dụng, các công trình dịch vụ hàng không) theo phương thức PPP.
Đầu tư lớn, tổng thể
Trái với quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước về GTVT, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn muốn nâng cấp tổng thể Cảng hàng không Côn Đảo thể đạt công năng khai thác lớn hơn, thậm chỉ trở thành một cảng hàng không quốc tế.
Tại Công văn số 18960/UBND-VP gửi Bộ GTVT ngày 20/12/2024, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị nghiên cứu phương án quy hoạch, đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo đảm bảo đủ tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế theo phương thức PPP; thực hiện đầu tư tổng thể toàn bộ dự án, bao gồm các công trình khu bay, các công trình bảo đảm hoạt động bay, các công trình thiết yếu khu hàng không dân dụng, các công trình dịch vụ hàng không, để có thể tiếp nhận được các loại máy bay cỡ lớn, thân rộng như A320, A321, Airbus A350, Boeing 787.
“Cảng hàng không Côn Đảo sau khi nâng cấp có thể đón các chuyến bay quốc tế từ Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc…) và một số nước châu Âu, châu Mỹ là những dòng khách cao cấp, đồng thời là nơi tiếp nhận các dòng máy bay quân sự phục vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo. Đây sẽ là nền tảng để phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của Côn Đảo trong tương lai”, ông Lê Ngọc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.
Được biết, hiện đã có 1 tập đoàn tư nhân lớn trong nước cam kết đồng hành, phối hợp với sở, ban, ngành của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh báo cáo cơ quan có thẩm quyền bảo đảm phù hợp với quy hoạch và tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật.
Trước đó, tại Tờ trình số 169-TTr/TU ngày 15/10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Bộ Chính trị xem xét, cho chủ trương thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách để phát triển huyện Côn Đảo. Điểm nhấn quan trọng tại tờ trình này là việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược thực hiện Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo theo phương thức PPP, trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư và chỉ định nhà đầu tư chiến lược để thực hiện dự án.
Theo quy định hiện hành, Bộ trưởng Bộ GTVT là người quyết định cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Luật PPP. “Vì vậy, chúng tôi mong Bộ GTVT sớm hoàn chỉnh, trình phê duyệt phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo theo PPP và sớm có ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển huyện Côn Đảo để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có cơ sở triển khai, thực hiện”, Công văn số 18960/UBND-VP nêu rõ.