Đầu tư Phát triển bền vững
Đầu tư phát triển bền vững: Vốn ngoại không rẻ
Trần Mạnh - 27/11/2024 09:18
Hàng tỷ USD vốn tài trợ phát triển bền vững đang tìm đường vào Việt Nam trong khi doanh nghiệp trong nước cũng đang khát vốn để chuyển đổi xanh, đáp ứng nhu cầu thị trường. Dù vậy, việc tiếp cận nguồn vốn ngoại này là không dễ và không hề rẻ.

Thông tin từ các diễn đàn về phát triển bền vững gần đây cho thấy, tổng tài sản mà các quỹ tài chính bền vững toàn cầu quản lý hiện vào khoảng 3.500 tỷ USD và đang tìm địa chỉ rót vốn. Nhiều định chế tài chính lớn cũng dành sẵn nguồn ngân sách hàng trăm tỷ USD tài trợ cho phát triển bền vững, song đến nay vẫn chưa giải ngân được nhiều.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư phát triển bền vững toàn cầu khá dồi dào, Việt Nam được kỳ vọng là điểm sáng thu hút dòng vốn này nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế cao, môi trường chính trị ổn định, tiềm năng phát triển năng lượng xanh lớn, tốc độ đô thị hoá cao, các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực chuyển đổi xanh…

Thực tế cho thấy, triển vọng thu hút vốn ngoại là có thực. Thời gian qua, các ngân hàng Việt Nam cũng đã huy động hàng tỷ USD vốn tài trợ bền vững từ các định chế tài chính nước ngoài để tài trợ cho doanh nghiệp trong nước.

Song không như kỳ vọng của doanh nghiệp, lãi suất cho vay với “vốn xanh” không hề rẻ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đang phải vay với lãi suất không khác so với lãi vay thương mại bình thường.

Khi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện là 4,5-4,75%/năm, cộng thêm biến động tỷ giá, thì lãi suất cho vay của các định chế tài chính quốc tế với ngân hàng, doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ cao hơn mức trên. Do vậy, huy động vốn quốc tế là giải pháp hữu hiệu để giải quyết khó khăn về dòng tiền trong bối cảnh nguồn vốn trong nước eo hẹp, chứ không phải là kênh cung cấp nguồn vốn rẻ bởi những lý do sau:

Trước hết, chính các ngân hàng cũng khó tiếp cận vốn tài trợ từ nước ngoài với giá rẻ. Ngay cả khi loại bỏ sự biến động của tỷ giá (mức biến động tỷ giá có thể lên tới 5% trong năm nay), thì do phải đảm bảo cho vay có lãi, nên ngân hàng sẽ không thể cung cấp tín dụng với giá rẻ.

Sau nữa, chi phí cho “tín dụng xanh” đắt hơn nhiều so với cho vay thông thường do khâu thẩm định phức tạp hơn, do phải thuê thêm nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Tiếp đến, sau khi cho vay, ngân hàng phải có quy trình theo dõi, đảm bảo nguồn vốn xanh được sử dụng hiệu quả. Do nhiều lĩnh vực phát triển bền vững là lĩnh vực mới, nên các ngân hàng phải theo dõi khoản vay sát sao hơn các khoản vay khác.

Ngoài tiếp cận vốn qua ngân hàng, con đường phát hành trái phiếu quốc tế để huy động vốn của doanh nghiệp Việt Nam cũng không dễ, số doanh nghiệp phát hành thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trước đó, một số doanh nghiệp khác cũng phát hành trái phiếu quốc tế thành công, song không phải là trái phiếu bền vững và lãi suất khá cao (7-8%/năm, chưa tính chi phí tỷ giá tăng hàng năm).

Như vậy, đầu tư xanh hiện là lựa chọn không dễ với cả doanh nghiệp và ngân hàng, khi giá vốn không hề rẻ, nguồn vốn hạn chế.

“Trước đây, chúng ta đều nghĩ huy động được nguồn vốn ưu đãi từ tổ chức quốc tế và sẽ cho vay với lãi suất tốt hơn, nhưng không có chuyện đó, thậm chí còn đắt hơn”, bà Nguyễn Thùy Dương, chuyên gia tư vấn của EY Việt Nam từng cảnh báo. Vốn đắt buộc doanh nghiệp và cả ngân hàng đứng trước lựa chọn khó khăn: phải hy sinh lợi ích trước mắt vì lợi ích dài hạn. 

Thúc đẩy đầu tư bền vững ở Việt Nam đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả nhà băng và doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước và các công ty quản lý quỹ. Trong đó, quan trọng nhất là Chính phủ cần sớm ban hành danh mục, tiêu chí dự án xanh. Ngoài ra, cần có thêm cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển các quỹ đầu tư bền vững, từ đó tạo cú hích thu hút dòng vốn xanh chảy vào lĩnh vực này ngay trong giai đoạn đầu.

Tin liên quan
Tin khác