Từ con ốc vít, cái sạc pin đến sản xuất lớn
Mỗi năm, Samsung cần tới 400 triệu chiếc sạc pin điện thoại di động. Giả sử Việt Nam làm được điều này và lãi 0,5 USD/chiếc, thì mỗi năm sẽ thu về 200 triệu USD. Tính toán là thế, nhưng vấn đề có thu về được 200 triệu USD hay không thì không đơn giản. Bởi mạng lưới các công ty cung cấp linh phụ kiện của Samsung đã hình thành hàng chục năm nay, trong đó rất nhiều công ty gốc Hàn Quốc, cái gì dễ ăn sao có thể dễ đến tay doanh nghiệp Việt Nam?
Để làm ra các sản phẩm đạt đẳng cấp cao, Bkav đã phải đầu tư nhà máy cơ khí chủ động chế tạo khuôn mẫu cho các sản phẩm của mình |
Trung Quốc được mệnh danh là “đại công xưởng của thế giới”, với hàng chục ngàn doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung cấp linh phụ kiện ở mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc có thể cung cấp những viên pin, chiếc sạc, con ốc vít với giá chỉ bằng 50% giá của các quốc gia khác, thì đó cũng chưa hẳn là sức mạnh cốt lõi của họ.
Điều giúp làm nên thương hiệu của một quốc gia lại là những cái tên lớn như Lenovo (mua lại mảng PC của IBM và mảng mobile của Motorola thông qua Google), hay một Huawei đánh bại mọi nhà cung cấp thiết bị mạng của Mỹ và châu Âu, hay Xiaomi, Haier, Midea, TCL, ZTE…
Suy cho cùng, sản xuất con ốc vít hay chiếc sạc pin điện thoại, gia công lắp ráp… không thể tạo ra những thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu.
Nếu bằng lòng với thân phận làm con ốc vít...
Hiện Việt Nam có vai vế trong hai ngành may mặc và da giày trên toàn cầu, nhưng chỉ ở vai trò gia công. Từ hàng thể thao Nike, Adidas cho đến sản phẩm túi xách cao cấp vài ngàn USD/chiếc hiệu Hermès đều xuất xứ từ Việt Nam.
Thế nhưng, nên biết rằng, mỗi chiếc áo gia công, doanh nghiệp Việt chỉ thu về được 1 USD tiền lãi và mỗi đôi giày gia công thu về 2 USD lãi, trong khi phía chủ hàng của nước ngoài bán ra mỗi chiếc áo và đôi giày cả trăm đến vài nghìn USD, lãi hàng trăm USD/đôi giày. Thân phận gia công được ví là “làm cho kẻ khác ăn”, song rất dễ gặp rủi ro mỗi khi thị trường khủng hoảng, khoản lãi bạc cắc gom lại không đủ trả lương cho đội ngũ công nhân thất nghiệp ngồi chờ việc.
Mỗi chiếc sạc pin cung cấp cho Samsung chỉ lãi được 0,5 USD, trong khi mỗi chiếc điện thoại Galaxy Note 4, Samsung bán ra trên thị trường khoảng 18 triệu đồng, nhưng giá thành sản xuất chỉ chiếm 30%, họ thu về mức lãi gấp hàng trăm lần. Chính vì thế, những nhà sản xuất như Samsung hay Apple sẵn sàng đưa đi gia công tất cả các loại linh phụ kiện, song các linh kiện cốt lõi và công tác nghiên cứu phát triển (R&D), thiết kế, thì họ nắm giữ. Nhờ đó, lợi nhuận thu về gấp mấy chục lần mức lãi từ việc sản xuất những chiếc sạc pin hay con ốc vít.
Một vấn đề đáng bàn hơn trong việc chấp nhận đầu tư làm gia công, thầu phụ là sẽ rất dễ “nếm trái đắng” phá sản, triệt tiêu. Bởi lẽ, trong nhiều trường hợp, để có được hợp đồng với các “đại gia”, nhà thầu phụ phải tập trung, dốc toàn nguồn lực cho dự án, để rồi khi đối tác rút ra, họ bị đẩy đến bờ vực phá sản.
Câu chuyện của GT Advanced Technologies Inc, một đối tác của Apple, là một ví dụ điển hình. Cách đây hơn 1 năm, Apple chọn Công ty GT Advanced cung ứng màn hình chất liệu sapphire. Nhưng kết cục là mối lương duyên giữa Apple và GT Advanced đã gặp rắc rối. Apple đã chấm dứt hợp tác, chọn nhà cung cấp khác, khiến GT Advanced Technologies không còn cách nào khác là xin phá sản hôm 6/11/2014, với khoản nợ lên đến hơn 1 tỷ USD.
Nếu Việt Nam cứ tự bằng lòng với thân phận làm con ốc vít, chiếc sạc pin hay gia công, thì vẫn có lãi đấy, nhưng ít ỏi và đặc biệt khó bù nổi cho rủi ro vì thâm lạm nhiều nhân lực. Như vậy, chẳng bao giờ hy vọng sẽ có được một thương hiệu smartphone đẳng cấp toàn cầu như Samsung hay Apple. Bao công sức của người công nhân Việt bỏ ra sẽ tiếp tục bị chìm lấp dưới cái dấu thương hiệu của Nike, Adidas, Hermès… in lên trên sản phẩm xuất xứ Việt Nam.
Nokia thời thịnh vượng và Samsung ngày nay có doanh số chiếm đến 10% tổng sản phẩm nội địa. Chỉ cần một tập đoàn nắm công nghệ lõi hùng mạnh có thể kích thích được về cả công nghệ và kinh tế, đồng thời có thể thúc đẩy thương hiệu của một quốc gia.
Dám làm và dám đặt mục tiêu cao hơn
Trong khi câu chuyện Việt Nam có làm được con ốc vít hay không, có cần phải làm ốc vít hay không vẫn còn là tranh cãi chưa ngã ngũ, thì có doanh nghiệp trong nước đã lặng lẽ đầu tư cho công nghệ lõi với một thái độ quyết liệt, không bàn cãi.
Nếu có cơ hội tận mắt chứng kiến các thiết bị, linh kiện, cũng như được xem demo giải pháp Nhà thông minh của Bkav SmartHome tại Phú Mỹ Hưng, Ecopark hay Lâu đài Chateau..., hẳn bất cứ ai cũng không khỏi bất ngờ rằng, một doanh nghiệp Việt hoàn toàn dùng chất xám và nguồn nhân lực Việt, lại có thể tạo ra một giải pháp quản lý nhà thông minh toàn diện đến thế và các thiết bị, linh kiện được chế tác tinh xảo, sắc nét đến thế.
Phía Bkav cho biết, họ bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu, đầu tư giải pháp và sản xuất thiết bị SmartHome từ cách đây hơn 10 năm. Hơn 3.000 ngày với đội ngũ kỹ sư ban đầu chỉ vài người và nay đã lên đến hàng trăm người cứ miệt mài, làm đi làm lại cho đến mức hoàn hảo, thử đi test lại cho đến mức hoàn thiện mới tung ra thị trường. Không ít antifans của Bkav phê phán rằng, Bkav cứ hay “nổ” hay “chém” rằng, sản phẩm của họ là tốt nhất thế giới. Nhưng khi được chia sẻ sâu hơn mới hiểu được ngọn ngành vì sao Bkav lại dùng cách nói được cho rằng quá tự tin như vậy.
Đơn giản là, các nhà khoa học Việt và doanh nghiệp Việt lâu nay thường đưa ra mức phấn đấu là làm sao bằng hoặc một chín một mười về chất lượng với hàng của Mỹ, Nhật, châu Âu. Cách nghĩ này vốn dĩ đã mang một tâm lý tự ti và không tự tin, vì thế sẽ khó mà bằng được với hàng nước ngoài.
Trên thực tế, nếu hàng hóa Việt Nam có chất lượng ngang với hãng Mỹ hay Nhật đi nữa, thì cộng với xuất xứ “made in Vietnam” cũng đã gặp bất lợi về cạnh tranh, đó là chưa kể đến yếu tố giá cả. Những người làm SmartHome của Bkav chia sẻ rằng, trong bất cứ sản phẩm gì, khi họ bắt tay làm cũng đã ngầm cộng yếu tố thương hiệu quốc gia Việt Nam (không được đánh giá cao như thương hiệu các quốc gia phát triển). Chính vì thế, để bù đắp cho khoảng thua sút, Bkav phải đưa ra mức phấn đấu về chất lượng phải cao hơn so với sản phẩm nước ngoài, từ đó kích thích tạo ra các sản phẩm có tính năng tốt và thiết kế tinh xảo.
Câu chuyện đang được đề cập ở đây là suy nghĩ tự vượt qua tâm lý tự ti và dám làm. Như bài diễn văn khi ông Obama đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ đầu luôn có câu điệp khúc “Yes, we can”. Nhưng mạnh mẽ hơn, có doanh nghiệp đã lấy tinh thần ấy tạo ra slogan “Sure, we can”. Chắc chắn, chúng ta có thể nếu đã xác định không có con đường nào khác để đi là nắm giữ công nghệ lõi với sự đầu tư và sáng tạo miệt mài và kiên trì. Một doanh nghiệp, một quốc gia, muốn giàu mạnh, chỉ có một con đường là sáng tạo không ngừng để nắm giữ công nghệ lõi.
Huệ Thu