. |
Thế và lực của Thanh Hóa trên con đường hội nhập
Với diện tích tự nhiên 11.120km, dân số trên 3,7 triệu người Thanh Hóa là tỉnh rộng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 về dân số. Thanh Hóa là địa bàn trọng yếu của quốc gia, là cửa ngõ vào Nam gia Bắc và cũng là điểm dừng chân của cảng hàng hải quốc tế. Chính những yếu tố về địa lý tự nhiên đã giúp Thanh Hóa giao lưu với các nền văn hóa khu vực và quốc tế. Cùng với những lợi thế về mặt tự nhiên, sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa quyết tâm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để phát triển kinh tế nhanh, toàn diện và bền vững.
Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Thanh Hóa có những bước chuyển mình mạnh mẽ cả về chất và lượng. Kinh tế của tỉnh có bước phát triển nhanh, GRDP của tỉnh tăng trưởng liên tục qua các thời kỳ.
Đặc biệt năm 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 17,15% cao hơn cùng kỳ năm 2018 1,9% và là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư, đã xây dựng được các mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị như: các dự án chăn nuôi bò sữa của Vinamilk, Nhà máy chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis, các dự án chăn nuôi lợn quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao… Từ đó giá trị sản xuất sản xuất của nông nghiệp Thanh Hóa tăng bình quân 2,8%/năm trong giai đoạn 2016 – 2018.
Trong xây dựng nông thôn mới, Thanh Hóa là điểm sáng của cả nước với nhiều mô hình hay, cách làm mới hiệu quả, thiết thực, tạo nên nhiều “miền quê đáng sống”, toàn tỉnh có 6 huyện, 350 xã và 799 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu kế hoạch năm 2019 và vượt mục tiêu đến năm 2020 Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh XVIII, cao hơn bình quân chung của cả nước.
Sản xuất công nghiệp năm 2019 tiếp tục tăng trưởng mạnh, giá trị sản xuất ước đạt 126.072 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2018. Điển hình là Khu kinh tế Nghi Sơn, với diện tích 106.000 ha, 6 khu công nghiệp đã được quy hoạch và lợi thế đặc biệt của cảng nước sâu, Khu kinh tế Nghi Sơn là khu vực phát triển công nghiệp tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, chủ lực là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp cơ bản. Nhà máy lọc hóa dầu đi vào hoạt động đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về xăng dầu của các tỉnh miền Bắc, thỏa mãn nhu cầu nội địa, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Nhiều dự án hạ tầng thương mại, công nghiệp được đầu tư đã đi vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển khá, nhiều lĩnh vực khởi sắc, đặc biệt là du lịch, xuất khẩu hàng hóa.
Thanh Hoá xác định phát triển “tứ giác kinh tế” là Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Nghi Sơn và Lam Sơn là nhiệm vụ quan trọng, nhằm biến 4 vùng kinh tế có nhiều tiềm năng, thế mạnh trở thành các đô thị vệ tinh, tạo động lực cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Kinh tế phát triển đã góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2019 ước đạt 27.155,2 tỷ đồng, bằng 102% dự toán và tăng 17,1% so với năm 2018.
Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã phát triển đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối các vùng, các khu kinh tế động lực, các trục phát triển và giữa các phương thức vận tải; nâng cao năng lực vận tải đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Đặc biệt Cảng hàng không Thọ Xuân- cầu nối giao thông hiện đại đang khai thác hiệu quả các đường bay trong nước và có tốc độ tăng trưởng đột phá. Năm 2013 lượng khách qua cảng đạt gần 90 ngàn lượt khách thì đến năm 2018 tăng lên 989.409 lượt hành khách và năm 2019 số lượng hành khách đã đạt 1 triệu, vượt xa so với quy hoạch năm 2020. Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cũng được hoàn thành như: Tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa, đường từ Quốc lộ 47 đến đường Hồ Chí Minh. Đây là các dự án quan trọng tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hóa còn nổi tiếng là nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều danh thắng, di tích lịch sử đặc trưng. Đây chính là điều kiện để tỉnh phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử…, từng bước khẳng định vị thế của du lịch xứ Thanh trong khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.
Với hệ thống di sản văn hóa lịch sử đồ sộ, các công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu có giá trị như : Di sản văn hóa thành nhà Hồ, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Đền bà Triệu, di tích khảo cổ quốc gia lăng miếu Triệu Tường... Cùng với đó Thanh Hóa có đường bờ biển dài 102 km, được thiên nhiên ưu ái nhiều bãi biển đẹp đang là địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư và du khách như: Sầm Sơn; Hải Tiến, Hải Hòa, Tiên Trang, bãi Đông- Nghi Sơn, đảo Hòn Mê...
Bãi biển Sầm Sơn – nơi có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ đã trở thành điểm thăm quan nghỉ dưỡng lý tưởng của hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước. Nhất là quần thể du lịch nghỉ dưởng FLC và sân golf đẳng cấp- là nơi tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế và là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho cuộc sống tiện nghi và hạnh phúc.
Cùng với đó là các khu bảo tồn thiên nhiên Pu Luông, Pù Nhi- Xuân Liên cùng các điểm du lịch nổi tiếng khác như Suối cá thần Cẩm Lương, thác Ma Hao, Thác voi, Thác Mây... và hệ thống hang động đẹp Thanh Hóa trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư và đem đến cho du khách những trải nghiệm mới.
Thanh Hóa có thế mạnh về giáo dục đào tạo, học sinh của Thanh Hóa luôn giành được các giải cao ở các kỳ thi Olympic quốc tế và đỗ thủ khoa tại các trường Đại học danh tiếng của Việt Nam. Tỉnh có hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề rộng khắp đã và đang đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực và cả nước. Đặc biệt với số dân đông đứng thứ 3 cả nước, hiện Thanh Hóa có trên 2,16 triệu người lao động. Điều đó cho thấy Thanh Hóa đang trong thời kỳ dân số vàng với chi phí cạnh tranh. Đây chính là lợi thế đặc biệt của Thanh Hóa. Nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng, đã tạo ra đội ngũ lao động chuyên nghiệp có thể đồng hành cùng các nhà đầu tư đi đến thành công.
Ngoài ra, Thanh Hóa còn có mạng lưới cơ sở y tế hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng, không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của 3,7 triệu dân trong Tỉnh mà cho cả khu vực. Các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể thao, thông tin truyền thông, giải quyết việc làm, an sinh xã hội cũng từng bước được nâng cao.
Chính sách ưu đãi, môi trường thông thoáng
Thanh Hóa là một trong ba tỉnh của Việt Nam chủ động hợp tác với tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2040.
Đến với Thanh Hóa các nhà đầu tư được hỗ trợ một cách toàn diện. Cùng với chính sách chung của Chính phủ, Thanh Hóa còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi khác trong giải phóng mặt bằng, thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, đào tạo lao động, xây nhà ở công nhân...Đối với các dự án quy mô lớn và có tác động lan tỏa Thanh Hóa sẽ phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư trình Trung ương áp dụng các chính sách đặc thù, đặc biệt là các điều kiện cần và đủ để triển khai dự án. Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư lớn quốc tế và các tập đoàn trong nước đã đến đầu tư và gắn bó lâu dài với Thanh Hóa. Năm 2019 toàn tỉnh huy động vốn đầu tư ước đạt 125. 000 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến tháng 11 - 2019, toàn Tỉnh đã thu hút được 194 dự án đầu tư trực tiếp với số vốn đăng ký tăng cao, trong đó vốn đăng ký của các dự án đầu tư trực tiếp trong nước đạt 20.528 tỷ đồng tăng 18,85% và các dự án FDI tăng đạt 320,2 triệu USD, gấp 7,6 lần so với năm 2018 Đây chính là minh chứng rõ nét nhất về môi trường đầu tư hấp dẫn của Thanh Hóa.
Những thế và lực mới đang tạo đà để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng tốc, bứt phá, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra nhằm phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, ngày càng thịnh vượng, văn minh.