Sức khỏe doanh nghiệp
Đầu tư và Thương mại TNG ước tính lãi 315 tỷ đồng trong năm 2024
Duy Bắc - 02/01/2025 12:02
Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG - sàn HNX) ước tính doanh thu 7.736 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 315 tỷ đồng trong năm 2024 và vượt 2% kế hoạch năm.

Kết thúc năm 2024, Đầu tư và Thương mại TNG ước tính doanh thu đạt 7.736 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ước tính đạt tới 315 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện trong năm 2023 và đã hoàn thành 102% so với kế hoạch lãi 310 tỷ đồng trong năm 2024.

Đầu tư và Thương mại TNG ước tính doanh thu giai đoạn 2020 - 2024. (Đơn vị: Tỷ VNĐ)

Ngoài ra, nếu xét về cơ cấu doanh thu, 97% tổng doanh thu đến từ việc xuất khẩu và chỉ còn lại 3% đến từ thị trường nội địa. Trong đó, các thị trường lớn như Mỹ chiếm 49,85% tổng doanh thu; thị trường Pháp chiếm 12,94% tổng doanh thu; thị trường Tây Ban Nha chiếm 6,67% tổng doanh thu; thị trường Canada chiếm 5,98% tổng doanh thu; thị trường Nga chiếm 5,04% tổng doanh thu; thị trường Đức chiếm 4,25% tổng doanh thu và các thị trường khác.

Về tình hình đơn hàng, tính tới thời điểm cuối năm 2024, Đầu tư và Thương mại TNG cho biết đơn hàng đã xác nhận tới tháng 6/2025 và Công ty tiếp tục đàm phán để chốt kế hoạch sản xuất cho năm 2025.

Riêng đối với tình hình đơn hàng, để có thể gặt hái được kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024 và tiếp tục ký sẵn đơn hàng tới tháng 6/2025, Đầu tư và Thương mại TNG cho biết đã chủ động tìm đến những khách hàng lớn tại các thị trường ở Mỹ, Pháp, Đức … và từ đó thiết lập mối quan hệ hợp tác với các nhà bán lẻ thời trang hàng đầu như Decathlon, Columbia, The Children’s Place, Sportmaster và chủ động tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường và tiêu chuẩn hiệp định thương mại và đang tiến gần đến phương thức kinh doanh bán ODM, củng cố sự phát triển ổn định bền vững lâu dài.

Đầu tư và Thương mại TNG được thành lập từ năm 1979, tiền thân là Xí nghiệp May Bắc thái và hoạt động trong lĩnh vực may công nghiệp xuất khẩu, sản xuất hàng nội địa thương hiệu TNG.

Hiện tại, TNG đang tiên phong ứng dụng công nghệ 3D vào thiết kế, may mẫu và duyệt mẫu, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí nhân công và vật tư cho khách hàng và để dần chuyển sang chào bán sản phẩm theo hình thức ODM. TNG thành lập Trung tâm phát triển mẫu và đã được khách hàng Decathlon chọn làm đối tác chiến lược và trở thành trung tâm phát triển mẫu đầu tiên của khách hàng Decathlon.

Về triển vọng ngành dệt may, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục chính sách thuế quan cứng rắn đối với các sản phẩm dệt may của Trung Quốc, điều này hỗ trợ các nhà cung cấp khác như Việt Nam tại thị trường Mỹ và cùng với bất ổn gần đây ở Bangladesh, một đối thủ cạnh tranh tiềm năng, các công ty may mặc Việt Nam nhiều khả năng sẽ trở thành bên hưởng lợi.

Tương tự như vậy, Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) đánh giá ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ bất ổn tại Bangladesh khi các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc ở Việt Nam có thể đón nhận những đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh và về dài hạn, các doanh nghiệp FDI chắc chắn sẽ suy nghĩ đến việc tìm một quốc gia thay thế Bangladesh trong chuỗi cung ứng ngành dệt may bởi tình trạng bất ổn và những rủi ro gián đoạn tiềm ẩn.

“Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều lợi thế như nguồn nhân công giá rẻ, có tay nghề cao, các chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp FDI, cơ sở hạ tầng cũng đang ngày càng hoàn thiện”, Agriseco Research nhận định.

Tin liên quan
Tin khác