Trong khi đó, Nhật Bản có thể giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án này, thông qua viện trợ phát triển chính thức (ODA).
JICA đã tích cực hỗ trợ cải thiện mạng lưới giao thông tại Việt Nam, trong đó có đường Vành đai 3, Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh |
Phát triển kết cấu hạ tầng được xem là nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế. Ở nhiều nước đang phát triển, kết cấu hạ tầng thiếu thốn và yếu kém đã dẫn đến đình trệ dòng chảy của các nguồn lực, khó hấp thụ vốn đầu tư, gây tắc nghẽn và ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.
Trong những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam thiếu các hạ tầng kinh tế quan trọng như nhà máy phát điện, đường quốc lộ chất lượng cao, cảng biển nước sâu… Hệ thống kết cấu hạ tầng kém lúc bấy giờ là trở ngại lớn cho việc thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Kể từ đó, Chính phủ Việt Nam đã liên tục đặt ưu tiên cao cho việc khôi phục và phát triển hạ tầng.
Phù hợp với chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam về phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm được nêu trong các Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội từ năm 1996 đến năm 2030, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng với các nhà tài trợ khác đã hỗ trợ tích cực cho Việt Nam phát triển hạ tầng trong một số lĩnh vực.
Cho đến nay, tổng chiều dài khoảng 3.000 km đường bộ ở Việt Nam đã được cải tạo hoặc xây dựng với sự hỗ trợ của JICA. Việc cải tạo Quốc lộ 1 do JICA, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ đã củng cố hành lang giao thông quan trọng nhất của đất nước.
JICA đã hỗ trợ mạnh mẽ để cải thiện mạng lưới giao thông ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, với việc nâng cấp các quốc lộ 10, 5, và 18, song song với việc nâng cấp cảng Hải Phòng. Với sự hỗ trợ của JICA, Việt Nam đã tiến hành xây dựng nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn như Quốc lộ 3 mới, đường vành đai 3 Hà Nội và các cảng nước sâu như cảng Cái Lân, cảng Lạch Huyện, cũng như Sân bay Quốc tế Nội Bài.
Đảm bảo kết nối
Cùng với nguồn vốn ODA, nguồn vốn từ Chính phủ Việt Nam đầu tư mở rộng Đại lộ Thăng Long và nguồn vốn đầu tư BOT cho dự án đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã tăng cường đáng kể hạ tầng logistics cho xuất nhập khẩu.
Các khoản đầu tư nêu trên đã thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt nhà máy dọc các hành lang giao thông chính như Quốc lộ 5 và TP. Hải Phòng, cũng như tại các tỉnh lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Các doanh nghiệp nước ngoài này đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Tại các khu kinh tế trọng điểm ở miền Trung và miền Nam, vốn ODA của Nhật Bản cũng được cung cấp để xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hầm Hải Vân, cải tạo cảng Tiên Sa, xây dựng cảng Cái Mép - Thị Vải, nhà ga Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, cùng nhiều dự án khác.
Từ quan điểm quốc gia và khu vực, phát triển hạ tầng giao thông đã tăng cường kết nối giữa các địa phương và giúp tăng cường kết nối ASEAN và chuỗi cung ứng hàng hóa, đồng thời tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi.
Quy hoạch tổng thể rất quan trọng và là định hướng dài hạn cụ thể của Chính phủ Việt Nam. Đó cũng là kim chỉ nam cho các nhà tài trợ và nhà đầu tư trong việc ưu tiên từng dự án hạ tầng riêng lẻ, đồng thời đảm bảo tính kết nối tổng thể cũng như hiệu quả tổng hợp giữa các dự án.
Các kế hoạch tổng thể tại Việt Nam do JICA hỗ trợ trong những năm qua dựa trên khảo sát nhu cầu đầy đủ, phương pháp luận khoa học trong quá trình lập kế hoạch và dự báo nhu cầu, nên được Chính phủ Việt Nam cùng các nhà tài trợ khác đánh giá cao.
Cùng với việc hỗ trợ hạ tầng giao thông, sự hỗ trợ của JICA đối với lĩnh vực năng lượng còn được thể hiện qua việc mở rộng các nhà máy thủy điện Đa Nhim, Hàm Thuận - Đa Mi và Đại Ninh, xây dựng các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Phú Mỹ 1 và Ô Môn…
Các nhà máy này đã đóng góp gần 10% sản lượng điện cho cả nước. Hỗ trợ ODA cho kết cấu hạ tầng không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn, mà còn tạo ra hàng ngàn việc làm và thúc đẩy các ngành sản xuất vật chất trong giai đoạn xây dựng. Thông qua việc xây dựng các dự án ODA về kết cấu hạ tầng, các nhà thầu và tư vấn Việt Nam có cơ hội quý báu để học hỏi công nghệ tiên tiến từ các doanh nghiệp xây dựng và tư vấn Nhật Bản, từ đó có thể thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn với kỹ năng và năng lực được phát triển của mình.
Thu hút vốn đầu tư tư nhân
Trong những năm gần đây, phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam đã có sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân, như các dự án hợp tác công - tư trong một số công trình xây dựng đường bộ hoặc đường cao tốc và phát triển nhà máy điện. Sự tham gia này đã tác động tích cực đến việc giảm gánh nặng tài chính cho Chính phủ, rút ngắn quá trình ra quyết định, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc xây dựng.
Bên cạnh những cơ hội kinh doanh lớn trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, thì khu vực tư nhân cũng đang chịu rủi ro khi đầu tư một lượng vốn lớn, dẫn đến khả năng thời gian thu hồi vốn có thể kéo dài hàng thập kỷ. Để khuyến khích đầu tư tư nhân nhiều hơn vào lĩnh vực này, cần xem xét chia sẻ rủi ro bởi khu vực công, chẳng hạn như các biện pháp đảm bảo doanh thu cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, đầu tư công cũng có thể là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của khu vực tư nhân. Đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xanh, là vô cùng quan trọng. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội phải luôn gắn với bảo vệ môi trường và lợi ích của người dân.
Các dự án xây dựng đường sắt đô thị do JICA thực hiện đều đã qua khảo sát và đánh giá, cho thấy tác dụng tích cực trong việc giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông khi số lượng phương tiện cá nhân giảm do người dân chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng.
Thế giới đang rất coi trọng việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc và các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị. Các doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và thường cân nhắc xem hoạt động kinh doanh của họ có thể đảm bảo các yếu tố đó hay không. Về khía cạnh này, chúng tôi nhận thức rất rõ rằng, sự hợp tác của chúng tôi tại Việt Nam sẽ phù hợp với cam kết mới của Việt Nam là trở thành quốc gia trung hòa các-bon vào năm 2050.
Việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo lợi ích của người dân địa phương sẽ ngày càng được coi trọng trong tương lai. Một trong những dự án tiêu biểu trong phát triển năng lượng tái tạo với sự tham gia của JICA là dự án điện gió trên đất liền ở tỉnh Quảng Trị, nhằm thúc đẩy cung cấp năng lượng sạch theo hướng trung hòa các-bon. Chúng tôi cũng đang thực hiện một dự án nhà máy điện mặt trời nhằm góp phần chuyển đổi năng lượng sang năng lượng xanh hơn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu chỉ phát triển kết cấu hạ tầng không thôi thì chưa đủ. Việc đào tạo nguồn nhân lực quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng phù hợp và quản lý đội ngũ nhân viên tại doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Cán bộ quản lý là lực lượng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Cùng với hợp tác xây dựng hạ tầng cứng, JICA còn chú trọng hợp tác kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Nhật Bản thường xuyên duy trì các chuyến thăm ngoại giao, do đó quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử. Mối quan hệ tin cậy dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau cũng được thúc đẩy bởi sự đoàn kết giữa nhân dân hai nước. Đó là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hai nước phát triển hơn nữa.
JICA sẽ nỗ lực hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và tài chính, cũng như thúc đẩy hơn nữa sự kết nối giữa nhân dân hai nước thông qua chuyển giao công nghệ dưới hình thức cử chuyên gia và đào tạo, khuyến khích hợp tác cùng có lợi giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong việc đưa công nghệ tiên tiến của Nhật Bản vào Việt Nam thông qua các chương trình hỗ trợ khu vực tư nhân, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.