Thời sự
Để chính quyền đô thị TP.HCM phát huy hiệu quả
Ngô Nguyên - 05/09/2022 10:47
Việc triển khai mô hình chính quyền đô thị được kỳ vọng tạo ra nhiều động lực và cơ hội phát triển cho TP.HCM; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền.
Quá tải công việc là một trong những lý do khiến nhiều cán bộ, công chức, viên chức tại TP.HCM xin nghỉ việc thời gian gần đây   Ảnh: Lê Toàn

Mô hình này là để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đô thị đặc biệt và lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, thực tế hơn 1 năm thực hiện cho thấy, còn khá nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh để mô hình này phát huy hiệu quả.

Khi 1.343 người dân ngóng chờ…... 1 công chức

“Trong quá trình 1 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại 249 phường, Thành phố ghi nhận việc bố trí số lượng công chức làm việc tại phường theo quy định hiện nay là chưa phù hợp với khối lượng công việc và quy mô dân số, đặc điểm của từng địa phương tại Thành phố”, là nội dung đáng chú ý trong văn bản “kêu khó” mới đây của UBND TP.HCM gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan tới những khó khăn, vướng mắc sau 1 năm thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội.

Theo UBND TP.HCM, Thành phố có 90/249 phường có dân số từ 30.000 người trở lên. Trong đó, 54 phường có dân số từ 30.000 người đến dưới 50.000 người; 21 phường có dân số từ 50.000 người đến dưới 75.000 người; 12 phường có dân số từ 75.000 người đến dưới 100.000 người và đặc biệt có 3 phường có dân số trên 100.000 người. Mật độ dân số của TP.HCM bình quân là 14.000 người/km2, tại các quận khu vực trung tâm lên tới 37.000 người/km2.

Theo kỳ vọng khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM, với việc không tổ chức HĐND tại 16 quận và 249 phường, tức là chính quyền ở 16 quận và TP. Thủ Đức sẽ là chính quyền một cấp, UBND quận và phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, chủ tịch UBND tự quyết định và tự chịu trách nhiệm, dự kiến, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, TP.HCM sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng, tương ứng với 665 đại biểu HĐND quận và 6.159 đại biểu HĐND phường; đồng thời tinh giản 588 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường.

 Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng số lượng công chức làm việc tại phường từ bình quân 15 người/phường, thành 17 người đối với các phường có 30.000 dân trở xuống; đối với phường có từ 30.000 dân trở lên, ngoài số lượng quy định, cứ tăng 15.000 dân được thêm 1 công chức.

Nếu tính bình quân, thì dân số mỗi phường tại TP.HCM là hơn 28.000 người, gấp gần 1,9 lần theo quy định (15.000 dân) tại Điều 8, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Bởi mật độ dân số quá cao, nên hiện tại, 1 cán bộ, công chức làm việc tại phường ở TP.HCM đang phục vụ bình quân 1.343 người dân. Có những nơi dân số đông, hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhiều, công chức thậm chí phải giải quyết hồ sơ ngoài giờ làm việc. Nơi đông nhất như phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân (125.894 dân) năm 2021, bình quân 1 cán bộ, công chức tham mưu 628 văn bản/năm, 52 văn bản/tháng; 1 cán bộ, công chức giải quyết 3.241 hồ sơ/năm, 270 hồ sơ/tháng.

Đối với các phường thuộc khu vực trung tâm, áp lực công việc lại tới từ hoạt động văn hóa - xã hội diễn ra sau 17 giờ mỗi ngày. Vào những ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần, đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách có thể phải làm việc tới hơn 2 giờ sáng.

Thực tế trên cho thấy, việc bố trí số lượng công chức bình quân 15 người/phường theo quy định không đủ đáp ứng nhu cầu giải quyết khối lượng công việc tại TP.HCM. Nếu cùng so sánh các tiêu chí diện tích và dân số giữa các phường cùng phân loại đơn vị hành chính cấp xã, đã có sự chệnh lệch rất lớn, do quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 chỉ quy định mức tối thiểu, không quy định mức tối đa.

Ngoài ra, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, TP.HCM đã thực hiện sắp xếp giảm 2.299 người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã. Tuy nhiên, trong năm 2021, thực tế triển khai các nhiệm vụ cho thấy, số lượng người hoạt động không chuyên trách tối đa 14 người tại phường, xã, thị trấn loại 1 không đủ đáp ứng khối lượng công việc mà yêu cầu đặt ra trong thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ nhân dân, dẫn đến tình trạng bị quá tải.

Tăng tự chủ, nhưng... không… kinh phí

Vấn đề “đau đầu” thứ hai khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị là, UBND 16 quận của Thành phố đang từ đơn vị cấp ngân sách thành đơn vị dự toán ngân sách.

Từ tháng 1/2020 đến ngày 30/6/2022, TP.HCM có tổng cộng 6.177 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc.

Sở Xây dựng có số cán bộ, công chức xin nghỉ việc nhiều nhất (23 người), xếp sau là Sở Kế hoạch và Đầu tư (22 người).
Ở cấp huyện, TP. Thủ Đức là địa phương có số cán bộ, công chức nghỉ việc nhiều nhất (40 người), tiếp đó là quận 6 (35 người).

Bên cạnh đó, có 5.501 viên chức nghỉ việc theo nguyện vọng. Trong đó, lĩnh vực giáo dục chiếm tỷ lệ cao nhất (2.436 người), tiếp theo là y tế (2.145 người).

Có 3 nguyên nhân chính khiến cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc.
Đó là: chính sách đãi ngộ tiền lương chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống; một số cơ quan, đơn vị còn có tư tưởng và bệnh “kinh nghiệm”, việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo được động lực; nhiều cán bộ, công chức, viên chức bị quá tải, đặc biệt là những người công tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục và làm việc ở phường, xã, thị trấn.

Không còn nguồn kết dư, nguồn dự phòng và tăng thu ngân sách, nên UBND cấp quận không chủ động khi thực hiện điều hành ngân sách đối với các khoản chi chưa được dự toán từ đầu năm. “Muốn thực hiện các công trình, dù nhỏ, cũng phải chờ Thành phố rót vốn. Ngay cả những công trình rất nhỏ như sửa chữa vỉa hè vẫn phải chờ Thành phố, quận không chủ động được”, Chủ tịch UBND quận 1 đã than như vậy!

Có thể thấy, thay vì được nâng cao tính chủ động như kỳ vọng, thì chính quyền cấp quận lại rơi vào thế bị động. Mọi vấn đề liên quan đến ngân sách đổ dồn lên cấp thành phố. Cấp thành phố bị quá tải khối lượng công việc khi phải thẩm định phương án tự chủ tài chính, nhập phân bổ, bổ sung, điều chỉnh dự toán ngân sách của hơn 960 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc 16 quận.

UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, đột xuất phát sinh trong năm của chính quyền quận theo định mức khoán phù hợp với tình hình thực tế của quận dựa trên khả năng cân đối ngân sách của Thành phố.

Tuy nhiên, trong Công văn số 13841/BTC-NSNN ngày 3/12/2021, Bộ Tài chính cho rằng, vấn đề này cần phải được Quốc hội cho phép.

Ai quyết chủ trương đầu tư dự án vốn ngân sách nhà nước?

Vì không còn là đơn vị cấp ngân sách, nên việc dự toán ngân sách của các quận sẽ do Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.HCM quyết định. Nhưng Nghị quyết số 131/2020/QH14 cũng như Luật Đầu tư công năm 2019 ban hành trước đó không quy định HĐND Thành phố thực hiện việc quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm sử dụng vốn ngân sách các quận. Vì vậy, TP.HCM còn lúng túng trong việc xác định HĐND Thành phố có phải quyết định kế hoạch đầu tư nói trên, trên cơ sở dự toán ngân sách của chính mình hay không?

Mặt khác, theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3, Nghị quyết số 131/2020/QH14, thì UBND TP.HCM là cơ quan “phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của UBND quận”. Song đến nay chưa có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục lập, thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của UBND cấp quận được tổ chức theo mô hình chính quyền đô thị.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 17, Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Thành phố thuộc HĐND cấp quận. Hiện TP.HCM không còn HĐND cấp quận, nhưng cũng chưa có quy định thẩm quyền trên thuộc đơn vị nào.

Và nhiều việc “đau đầu”

Theo UBND TP.HCM, qua rà soát quy định cua Luật Đất đai năm 2013, việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu; quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình/cá nhân... thuộc thẩm quyền chung của UBND cấp quận/huyện, biểu mẫu được hướng dẫn ký dưới hình thức là “Thay mặt UBND…”. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2021, thực hiện mô hình chính quyền đô thị, 16 quận thuộc TP.HCM làm việc theo chế độ thủ trưởng, nên thể thức ký “thay mặt” không còn phù hợp.

Trong khi đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là một trong những giấy tờ quan trọng, thường xuyên có khiếu kiện. Trong trường hợp ban hành không đúng biểu mẫu, dễ bị tòa án tuyên hủy, gây nên hàng loạt phức tạp khác.

Ngoài ra, trung bình hằng năm, TP.HCM tiếp nhận và xử lý trên 20.000 đơn, trong đó có tới 2/3 là đơn thư phản ánh, kiến nghị. Dù vậy, đến nay vẫn chưa có quy trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết loại đơn thư này. Việc xử lý giải quyết lại không có thời hạn nhất định, khó dứt điểm và dẫn đến tình trạng xử lý lòng vòng giữa các cơ quan.

Tin liên quan
Tin khác