Người trồng vải thiều Bắc Giang chắc chắn sẽ không quên vụ vải thiều năm 2021 đầy kịch tính. Hàng trăm ngàn tấn vải thiều đến vụ thu hoạch, nhưng Covid-19 bùng phát, không xuất khẩu được, tiêu thụ trong nước cũng vô cùng khó khăn. Các sàn TMĐT Postmart, Voso, Sendo, Tiki, Lazada, Shopee vào cuộc mở bán, phân phối vải thiều, nhưng tỉnh Bắc Giang lúc đó chỉ đặt mục tiêu tiêu thụ khoảng 2.000 tấn vải thiều tươi qua kênh này.
Kết quả vượt mong đợi, Bắc Giang tiêu thụ 215.000 tấn vải thiều, tăng 50.000 tấn so với kế hoạch, trong đó xuất khẩu 89.300 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa, thu về 6.821 tỷ đồng.
Tiêu thụ được 300 tấn vải qua sàn TMĐT trong vụ vải năm 2021, năm nay, Hợp tác xã Nông sản sạch Bình Nguyên (xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn) tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng. Ông Vũ Nguyên Bình, Chủ nhiệm HTX Bình Nguyên chia sẻ: “Chúng tôi có 40 ha vải đang ra quả, sản lượng khoảng 450 tấn và sẽ tiếp tục phối hợp để có thể tiêu thụ qua sàn TMĐT”.
Không riêng Bắc Giang, hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đang đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân thay đổi phương thức bán hàng, phân phối nông sản trên nền tảng số.
Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, đến tháng 5/2022, có hơn 6,3 triệu nông dân tạo được tài khoản trên sàn TMĐT. Tuy nhiên, số tài khoản đủ điều kiện tham gia giao dịch mới đạt khoảng hơn 20%, số lượng sản phẩm được đưa lên sàn và đơn hàng còn khá khiêm tốn (hơn 100.000 sản phẩm, 208.000 đơn hàng).
Trong Kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu thiết lập 10 triệu tài khoản của hộ sản xuất nông nghiệp trên các sàn TMĐT; thúc đẩy gia tăng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch trên các sàn TMĐT…
Để đạt được mục tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng là vận động, thuyết phục nông dân đưa sản phẩm lên sàn TMĐT; đào tạo, hỗ trợ họ bán hàng…
Ông Phan Trọng Lê, Giám đốc sàn TMĐT Postmart cho biết, Postmart đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở địa phương mở hàng trăm lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng giới thiệu sản phẩm. Bà con được hướng dẫn các kỹ năng tạo tài khoản bán hàng, đăng sản phẩm, mô tả sản phẩm, chốt đơn, chăm sóc khách hàng… Tiếp đó, Postmart đưa nhân viên xuống tận vườn hướng dẫn nông dân.
Trang TMĐT Vỏ Sò cũng đã tổ chức tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho hơn 2,5 triệu lượt hộ sản xuất nông nghiệp. Theo kế hoạch, trong năm 2022, Vỏ Sò sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển số lượng hộ sản xuất nông nghiệp thông qua các chương trình ưu đãi, đầu tư đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trên nền tảng sàn TMĐT, triển khai chương trình marketing...
Có thể thấy, việc tiêu thụ nông sản qua sàn TMĐT đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post nhìn nhận, hành trình chuyển đổi số nông nghiệp, đưa hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của các sàn TMĐT, các cơ quan quản lý, mà còn của chính người nông dân, dám thay đổi tư duy, dám nghĩ, dám làm.