Bài 2: Luật vướng cần gỡ, nhưng phải sòng phẳng
TP.HCM cho rằng, Dự án Xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt tới cao tốc TP.HCM - Trung Lương chỉ có thể triển khai tiếp khi chấm dứt trước thời hạn với nhà đầu tư (cũ), đồng thời ngân hàng cho vay phải tiếp nhận và đề xuất nhà đầu tư mới thay thế. Tuy nhiên, khi ngân hàng từ chối cho vay, không đề xuất nhà đầu tư mới…, thì Luật PPP lại không có hướng dẫn, khiến Dự án bế tắc.
Vướng luật, Dự án bế tắc
Được biết, sau khi quyết định chấm dứt Hợp đồng BOT và dừng dự án với Công ty Yên Khánh, từ tháng 6/2022, UBND TP.HCM vẫn yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đã giao sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất tiếp tục thực hiện Dự án theo hình thức BOT và xem xét hướng tiếp cận kết nối với đường Vành đai 3, nhưng không làm ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, việc tái đầu tư hoàn thiện đã gặp rắc rối. Cụ thể, tại Văn bản số 2721/SGTVT-KH ngày 16/3/2023 gửi UBND TP.HCM về công tác chuẩn bị đầu tư hoàn thiện Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Sở Giao thông - Vận tải Thành phố cho hay, theo quy định tại Điều 49, Hợp đồng BOT đã ký với Công ty Yên Khánh và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) có quy định, cơ quan ký kết hợp đồng phối hợp với Bên cho vay tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thay thế để ký kết hợp đồng dự án PPP mới.
Tại Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM- Trung Lương, Bên cho vay là LienVietPostBank - Chi nhánh TP.HCM - đại diện duy nhất có đủ thẩm quyền của bên cho vay, nhưng đã không tiếp tục tài trợ vốn vay, không tiếp tục đề xuất chỉ định nhà đầu tư mới, không thực hiện quyền tiếp nhận dự án của Bên cho vay theo Hợp đồng BOT đã ký kết.
Dự án tuyến nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương “đắp chiếu” nhiều năm đang tiếp tục bế tắc |
Với tình huống trên, trong Luật PPP lại không quy định thủ tục chấm dứt thực hiện trước thời hạn hợp đồng BOT đã ký khi bên cho vay từ chối phối hợp để lựa chọn nhà đầu tư thay thế và không tiếp tục tài trợ vốn vay cho doanh nghiệp.
Thế nên, cơ quan chức năng TP.HCM bế tắc trong triển khai, dẫn tới Dự án tới giờ vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Lề mề trong thực hiện văn bản chỉ đạo
Do vướng víu trên, theo Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, từ tháng 6/2022, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM khẩn trương “chủ động làm việc, trao đổi nghiệp vụ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn các thủ tục liên quan về ngưng thực hiện các dự án PPP trên địa bàn Thành phố…”.
Tới tháng 7/2022, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM có Văn bản số 7448/SGTVT-KH đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm thực hiện nội dung chỉ đạo của UBND Thành phố để Nhóm công tác liên ngành có cơ sở phối hợp với sở, ngành liên quan thực hiện các thủ tục chấm dứt trước thời hạn Hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án.
Tới tháng 9, rồi tháng 10/2022, Văn phòng UBND TP.HCM liên tiếp có 2 văn bản (số 8042/VP-DA và số 8932/VP-DA) với nội dung là “giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND Thành phố tại Công văn số 8042/VP-DA ngày 26/9/2022 về thực hiện các thủ tục liên quan đến ngừng thực hiện dự án PPP trên địa bàn Thành phố”.
Tới tháng 2/2023, Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục có Văn bản số 1017/SGTVT-KH kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn các thủ tục liên quan về ngưng thực hiện dự án.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 3/2023, theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM tại Văn bản số 2721, thì Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố. Do vậy, Sở Giao thông - Vận tải cho rằng, UBND TP.HCM cần chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (với trách nhiệm là cơ quan chuyên môn chủ trì tham mưu cho UBND Thành phố về đầu tư theo phương thức PPP) sớm tham vấn Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì mới đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định để làm cơ sở đầu tư hoàn thành Dự án, đưa vào khai thác.
Theo đó, “sau khi có hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông - Vận tải (Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành) sẽ phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và các sở, ngành liên quan thực hiện hoàn tất nhiệm vụ vụ chuẩn bị Dự án theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại Quyết định số 2755/QĐ-UBND ngày 15/8/2022 (trong đó có xem xét, đề xuất phương án kết nối với Đường vành đai 3 nhằm phát huy khả năng khai thác cho Dự án) và báo cáo UBND Thành phố phương án, nội dung đàm phán chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư”, văn bản của Sở Giao thông - Vận tải nêu.
Sòng phẳng trách nhiệm
Cũng tại văn bản mới nhất nêu trên, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, chủ trương thực hiện Dự án theo hình thức hợp đồng BOT và phương thức chỉ định nhà đầu tư đã được UBND TP.HCM báo cáo tại Công văn số 1700/UBND-QLDA ngày 2/4/2015 và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 591/TTg-KTN ngày 27/4/2015 là đồng ý về nguyên tắc để UBND TP.HCM thực hiện đầu tư Dự án Xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo hình thức hợp đồng BOT và UBND TP.HCM căn cứ vào tính cấp bách của Dự án, quyết định áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện Dự án theo thẩm quyền...
Từ đó, ở phần Nhận xét, sở này nêu: “Nay, do các nguyên nhân nêu trên (nhà đầu tư không chứng minh được năng lực tài chính, ngân hàng không đồng ý tài trợ vốn… - PV), UBND Thành phố phải chấm dứt thực hiện trước thời hạn Hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư”.
Trước đó, Công ty Yên Khánh đã chủ động đề xuất làm Dự án theo hình thức BOT. Từ đề xuất của Công ty Yên Khánh, tháng 3/2015, ông Nguyễn Hữu Tín với cương vị Phó chủ tịch UBND TP.HCM (đang thụ án tù do sai phạm ở nhiều vụ việc khác) đã thống nhất và giao Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM tham mưu UBND TP.HCM ban hành văn bản xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định nhà đầu tư thực hiện Dự án theo hình thức BOT.
Dựa theo đề xuất đó, Thủ tướng Chính phủ mới đồng ý về mặt nguyên tắc cho thực hiện theo Hợp đồng BOT như đã nêu trên.
Tới tháng 10/2015, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM có Báo cáo số 4860/BCTĐ-SGTVT thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Cụ thể, Công ty Yên Khánh được chấp thuận nộp hồ sơ thầu sớm hơn gian mở thầu 10 phút. Ngay sau đó, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM lập tức đóng thầu, mà không chờ đến thời gian đóng thầu theo quy định vào lúc 14 giờ ngày 16/11/2015.
Trên cơ sở chọn thầu nói trên, ngày 23/10/2015, UBND TP.HCM có Quyết định số 5386/QĐ-UBND duyệt kết quả chỉ định Công ty Yên Khánh là nhà đầu tư thực hiện Dự án. Tới ngày 25/6/2016, UBND TP.HCM, đại diện bởi Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, đã ký kết với Công ty Yên Khánh Hợp đồng BOT số 3233/HĐ.BOT-UBND để thực hiện Dự án.
Đó là chưa nói khuất tất khác, khi ngày 25/10/2015, Công ty An Khánh tổ chức lễ động thổ khởi công dự án, trước khi được UBND TP.HCM ký kết hợp đồng BOT (ký ngày 25/6/2016).
Kết cục là, Dự án đã phải “đắp chiếu” từ nhiều năm nay. Thế nên, việc làm rõ trách nhiệm các bên liên quan trong câu chuyện 2,9 km tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng là điều cũng không nên “ngó lơ”.