Ngày 27/8, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, liên quan tới bị cáo Đỗ Minh Tâm, cựu Cục phó Cục Quản trị 1, Văn phòng Quốc hội và Nguyễn Thế Phùng (lao động tự do).
Trong vụ án này, Viện Kiểm sát cáo buộc, Đỗ Minh Tâm và Nguyễn Thế Phùng đã lừa đảo, chiếm đoạt của một số cá nhân, trong đó có doanh nhân người Lào, với số tiền hơn 44 tỷ đồng.
Tại tòa, sau khi xem xét hồ sơ vụ án cùng lời khai ban đầu của bị cáo và những người liên quan, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung, làm rõ một số nội dung liên quan.
Cáo trạng của của Viện Kiểm sát xác định, dù bị cáo Tâm và Phùng không có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc mua đất để xây dựng dự án và quyết định cho người khác được tại ngoại hoặc không bị xử lý hình sự.
Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án liên quan tới cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của doanh nhân quốc tịch Lào. |
Tuy nhiên, các bị cáo đã đưa ra thông tin gian dối là mình có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo TP. Hà Nội, đưa người khác thăm nơi công tác của bản thân để thể hiện vai trò, vị thế của mình, thể hiện mình có khả năng giúp người khác mua đất, xin tại ngoại, không bị xử lý hình sự.
Đầu năm 2019, một doanh nhân quốc tịch Lào, Chủ tịch Công ty AIDC (có trụ sở tại Viêng Chăn) đã sang Việt Nam và có mong muốn xây dựng một tòa nhà hữu nghị Việt-Lào tại Hà Nội.
Doanh nhân này được một số cá nhân giới thiệu với Đỗ Minh Tâm và Nguyễn Thế Phùng, được các bị cáo này “khoe” có quan hệ với lãnh đạo TP. Hà Nội; đồng thời Tâm còn giới thiệu trụ sở, vị trí làm việc của mình để tạo lòng tin.
Tiếp đó, hai bị cáo đã đưa doanh nhân này đi xem khu đất khoảng 10.000 m2 và 9.400 m2 gần Tòa nhà Keangnam (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), hứa giúp mua được 2 mảnh đất để đầu tư xây dựng dự án.
Cùng với đó, Tâm cũng yêu cầu doanh nhân này phải đưa tiền chi phí là 6% tổng chi phí thực tế dự án và phải đưa trước 1,8 triệu USD (tương đương hơn 41 tỷ đồng).
Để hợp thức việc nhận số tiền này, Tâm đã yêu cầu Công ty AIDC đã ký hợp đồng dịch vụ với Phùng để được tư vấn, hỗ trợ xin đầu tư dự án ở lô đất số 12 và lô đất số 09-E6 cạnh tòa nhà Keangnam, sau đó chuyển 1,8 triệu USD như thỏa thuận.
Quá thời hạn theo như cam kết của 2 bên, nhưng Tâm và Phùng không thực hiện được việc mua đất, xin dự án nên doanh nhân trên đã đòi tiền. Tuy nhiên, các bị cáo không trả, mà tìm nhiều lý do để thoái thác.
Sau khi vị doanh nhân làm đơn tố giác, cơ quan điều tra vào cuộc, các bị cáo này mới trả lại số tiền trên.
Ngoài hành vi trên, bị cáo Nguyễn Thế Phùng còn tiếp tục lừa đảo, chiếm đoạt của chị Lê Thị H. (ở Hà Nội) số tiền 3,8 tỷ đồng.
Theo đó, tháng 5/2021, sau khi chị H. nhờ giúp xin không bị xử lý hình sự và 2 bị can khác được tại ngoại trong vụ án đang được cơ quan Công an thụ lý, Đỗ Minh Tâm đã bảo chị H. liên hệ với Phùng để nhờ giúp.
Sau khi gặp, Phùng đã cam kết sẽ giải quyết được việc trên và hứa hẹn trong vòng 3 ngày sẽ được tại ngoại; đồng thời yêu cầu chị H. phải chi số tiền 3,8 tỷ đồng.
Tin lời của Phùng, chị H. đã thực hiện 9 lần chuyển khoản, với tổng số tiền 2,7 tỷ đồng cho Phùng. Khi quá thời hạn 3 ngày như hứa hẹn, Phùng không giúp được, đòi tiền không trả nên chị H. đã làm đơn tố giác.
Quá trình điều tra, Phùng đã trả cho chị H. số tiền hơn 2,4 tỷ đồng, còn nợ lại 250 triệu đồng.
Liên quan tới hành vi này, bị cáo Đỗ Minh Tâm là người giới thiệu chị H. đến gặp Phùng, nhưng không tham gia việc trao đổi, giải quyết công việc, không nhận tiền, do đó không bị xử lý hình sự.