Báo cáo cụ thể hơn về một số dự án, với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Bộ Tư pháp nêu rõ, bổ sung luật này là để đảm bảo tính nối tiếp khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực. Ảnh minh hoạ (Đức Thanh) |
Bộ Tư pháp dự kiến trình Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 hai dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6, trong đó có Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Nội dung trên được nêu tại báo cáo của Bộ Tư pháp về đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 (Chương trình).
Một trong những nguyên tắc lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình là ưu tiên các dự án phục vụ: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thực hiện các cam kết quốc tế; Bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp.
Theo đó, Bộ Tư pháp dự kiến trình Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với 6 dự án.
Cụ thể, bổ sung vào Chương trình 2 dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6, gồm: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Bổ sung vào Chương trình 4 dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Như vậy, số lượng dự án thuộc Chương trình năm 2023 sẽ là 21 dự án (bao gồm cả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân), tăng 7 dự án so với Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022.
Báo cáo cụ thể hơn về một số dự án, với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Bộ Tư pháp nêu rõ, bổ sung luật này là để đảm bảo tính nối tiếp khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự án Luật, cần cụ thể hóa một số vấn đề : Việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán (thanh toán án phí, thu hồi nợ, phân chia tài sản), thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm thi hành án... tại nội dung Luật cần bảo đảm phù hợp quy định tại Điều 32, Điều 106 Hiến pháp năm 2013 và đồng bộ, thống nhất với quy định tại Điều 163, Điều 301 Bộ luật dân sự năm 2015, Luật Phá sản, Luật Thi hành án dân sự và quy định pháp luật có liên quan.
Những vấn đề khác cần cụ thể hoá là về trình tự, thủ tục xác định thứ tự ưu tiên thanh toán, thực hiện việc thu giữ tài sản, xử lý tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm thi hành án... cần thực hiện theo trình tự, thủ tục thông thường theo quy định của pháp luật (Bộ luật dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Phá sản, quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ...), không quy định các cơ chế, quy trình đặc thù áp dụng riêng cho hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng của chính sách pháp luật và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Liên quan đến dư án luật này, tháng 12/2022, khi cho ý kiến về chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lưu ý sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực vào cuối năm 2023 thì Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng phải được thông qua và có hiệu lực từ đầu năm 2024, tránh tạo khoảng trống pháp lý.