Không phải ngẫu nhiên, trà sen Hồ Tây lại được ví như “đệ nhất trà” ở Việt Nam. Để làm ra một kg trà sen, người nghệ nhân cần tới 1000-1200 bông sen.
Để làm ra một kg trà sen, người nghệ nhân cần tới 1000-1200 bông sen.
Trong đó, sen để ướp trà phải là những bông sen mọc trong đầm làng Quảng Bá, có cánh phớt hồng, vừa mới chớm nở còn chúm chím nụ. Đặc biệt, hoa sen phải được hái trước bình minh, khi mặt trời chưa lên, sau đó mang về tách lấy gạo rồi mới đem ướp.
Sen để làm trà phải được hái trước bình minh và phải là loại sen mọc ở đầm hoa Quảng Bá
Chia sẻ với PV Dân trí, bà Ngô Thị Thân (Tây Hồ, Hà Nội), cho biết, ướp trà sen phải thao tác đủ 7 lần ướp. Trong đó, cứ một lượt gạo lại một lượt chè, ướp trà xong lại mang đi sấy khô. Để đảm bảo chất lượng, người nghệ nhân chỉ thực hiện ướp trà vào buổi sáng. “Hoa sen phải hái lúc sáng sớm, nếu muộn quá, hương sẽ không còn thơm, khi ướp trà cũng mất đi vị tinh tế vốn có.”, bà Thân nói.
Việc làm trà hoàn toàn thủ công với quy trình tỉ mỉ và vô cùng kỳ công
Việc lấy gạo sen là công đoạn khó nhất, người nghệ nhân phải khéo tay, nhanh mắt để gạo không bị nát giữ nguyên mùi thơm đặc trưng của sen
Ngoài ra, để cho ra loại trà hảo hạng, loại trà được chọn làm trà sen cũng phải là chè Tân Cương (Thái Nguyên) cánh nhỏ, thẩm hương vừa độ. Trà sen đạt chất lượng là nước trà trong xanh, khi uống có vị chát, ngọt và đượm hương sen trong miệng rất đặc trưng.
Để đảm bảo chất lượng, người nghệ nhân chỉ thực hiện ướp trà vào buổi sáng
Ướp trà sen phải thao tác đủ 7 lần ướp. Trong đó, cứ một lượt gạo lại một lượt chè, ướp trà xong lại mang đi sấy khô.
Trong khi đó nghệ nhân Nguyễn Thị Dần (Tô Ngọc Vân, Hà Nội) cho hay, tuy công đoạn làm trà đều giống nhau nhưng không phải ai cũng có thể ướp trà lên hương, thấm đều vị sen.
"Làm trà sen ngoài kỹ thuật còn đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng công đoạn. Ví như, việc lấy gạo sen, nếu người làm chỉ cần sơ suất là hạt gạo sẽ nát, bay mất hương thơm, khi ướp trà sẽ không đảm bảo chất lượng. Thời xưa, thậm chí còn khắt khe đến độ, đàn bà con gái đến tháng không được động đến bông sen để ướp trà”, bà Dần nói.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Dần là nghệ nhân cao tuổi nhất ở Hà Nội còn gắn bó với nghề làm trà sen
Gạo sen được ví như túi hương của hoa, được nghệ nhân tách riêng dùng để ướp trà
Hiện nay, ngoài lọai trà sen truyền thống còn có thêm loại trà ướp xổi, với giá rẻ chỉ bằng 1/10. Theo đó, cách ướp này đơn giản, không tốn công. Trà được bỏ vào bên trong bông sen, sau đó dùng lá sen buộc chặt bên ngoài. Bông sen sau khi ngậm chè sẽ được cắm nước qua một đêm để cho hương sen thấm đều vào chè.
Tuy nhiên, theo nghệ nhân Nguyễn Thị Dần loại trà xổi này về hương vị không thể sánh bằng loại trà được làm theo cách truyền thống. “Với người sành trà nếu đã uống thử trà sen hảo hạng thì sẽ không thích hương vị của trà xổi bởi nó không thơm, đậm đà và tinh tế bằng”, bà Dần nói.
Cũng vì độ cầu kỳ và phức tạp trong chế biến mà trà sen Tây Hồ có giá đắt đỏ bậc nhất thị trường. Trong đó, 1kg trà sen hảo hạng có giá từ 7-10 triệu đồng/ kg.
Hiện nay, ngoài lọai trà sen truyền thống còn có thêm loại trà ướp xổi, với giá rẻ chỉ bằng 1/10.
Tuy nhiên, loại trà này không ngon và tinh tế bằng trà sen ướp theo cách truyền thống
Đặc biệt, số lượng trà làm ra không nhiều, hầu như chỉ đủ cung cấp cho người quen. “Trung bình một mùa sen, gia đình tôi cũng chỉ đưa ra thị trường khoảng 20-30kg trà sen ướp truyền thống và khoảng 3 tạ chè ướp xổi. Trà làm ra đến đâu là có người đặt hàng mua đến đó. Thậm chí có lúc khách đông, làm không kịp trả khách, muốn mua nhiều có khi phải đợi cả tuần”, nghệ nhân Nguyễn Thị Dần nói.
Các vị khách Tây thích thú xem quy trình ướp trà sen Việt Nam
Trà dùng để ướp sen phải là chè Tân Cương (Thái Nguyên) búp nhỏ, thẩm hương vừa độ
Nghề làm trà sen chỉ có mùa vụ lại cầu kỳ, tốn công sức nên hiện nay ở Hà Nội số nghệ nhân gắn bó với nghề này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa kể, diện tích trồng sen đang ngày càng bị thu hẹp.
Chính vì thế, dù có giá đắt đỏ bậc nhất thị trường nhưng không phải ai có tiền cũng có “duyên” thưởng thức loại trà hảo hạng được ví như “đệ nhất trà này”.