Hệ thống truyền tải điện là một trong những lĩnh vực trọng tâm được định hướng thu hút đầu tư PPP. Ảnh: Đức Thanh |
Đảm bảo tính linh hoạt xuyên suốt
Hai cụm từ “ổn định” hay “linh hoạt” các quy định trong Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP được bàn thảo trong sự tham chiếu nội luật và các cam kết quốc tế. Tại cuộc tọa đàm “Luật PPP có đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?” vừa diễn ra tại Hà Nội, tinh thần chung mà các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế nước ngoài đóng góp ý kiến cho dự luật này là đảm bảo tính linh hoạt xuyên suốt.
Điểm tích cực trong Dự thảo Luật PPP được luật sư Oliver Massmann, Giám đốc Công ty Luật Duane Morris Việt Nam nhìn nhận là, đã chỉ rõ các lĩnh vực đủ điều kiện đầu tư theo phương thức PPP, nhưng vẫn cần được mở rộng lĩnh vực đầu tư, ngôn ngữ sử dụng trong lựa chọn nhà đầu tư bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, hay bên cho vay có quyền tiếp quản dự án PPP và đề xuất một nhà đầu tư khác tiếp tục thực hiện dự án…
Bên cạnh đó, luật sư Massmann cho rằng, dự luật này còn nhiều điểm cần làm rõ và khắc phục. Cụ thể, tại Điều 82, các điều kiện để cân đối ngoại tệ rất hạn chế, chỉ các dự án quy mô lớn được ưu tiên và có thể đáp ứng những điều kiện của các hình thức đầu tư theo phương thức PPP. Do đó, phạm vi áp dụng cân đối ngoại tệ cần được mở rộng cho tất cả các dự án PPP, hoặc ít nhất là cho các dự án điện và dự án lưới điện. Ví dụ, nhu cầu về ngoại tệ liên quan đến các dự án BOT và doanh thu thuế quan liên quan trong lĩnh vực năng lượng được dự báo tăng mạnh, có thể lên tới 23 tỷ USD/năm vào năm 2030.
Ngoài ra, việc áp trần bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam cũng được đánh giá là một hạn chế.
Về cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu, Dự thảo Luật PPP nêu doanh nghiệp dự án PPP sẽ chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết trong hợp đồng; Nhà nước sẽ chia sẻ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP phần giảm 50% giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết trong hợp đồng, nếu dự án không sử dụng ngân sách nhà nước và nguyên nhân gây ra tổn thất là do thay đổi chính sách, luật pháp.
Luật sư Massmann và nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá, cơ chế chia sẻ rủi ro cần được phát triển hơn nữa để có thể bao gồm tất cả rủi ro phát sinh trong quá trình triển khai dự án PPP, chẳng hạn, do sự kiện bất khả kháng, thay đổi luật, biến động giá, giá bán thấp…
Liên quan đến thời hạn hợp đồng dự án PPP, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) kiến nghị, cần làm rõ tham chiếu về những điều chỉnh trong luật pháp, chính sách và quyết định của các cơ quan có thẩm quyền hoặc các cơ quan nhà nước khác.
Đặc biệt, theo luật sư Massmann, nhà đầu tư rất cần cơ chế một cửa cho triển khai dự án PPP để “giải” bất kỳ thủ tục hay vấn đề gì liên quan. “Sân chơi” PPP cũng cần tuân thủ luật chơi quốc tế, do Việt Nam đã ký các cam kết bảo hộ đầu tư với các đối tác quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác tham gia ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tránh lạm dụng, tùy tiện trong thực thi
Về phía cơ quan soạn thảo, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Dự thảo Luật PPP đang được thiết kế theo hướng song hành các quy định được luật hóa vào hợp đồng. Hợp đồng triển khai dự án PPP sẽ đóng vai trò điều tiết quan hệ đối tác giữa hai bên; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên phải căn cứ theo hợp đồng.
Đối với lĩnh vực thu hút đầu tư PPP, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ đã mở rộng các nguồn vốn nhà nước tham gia dự án PPP, nhưng trên thực tế, việc thu hút đầu tư theo nghị định này không phủ rộng. Vì thế, khi xây dựng Dự thảo Luật PPP, chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là cần thu gọn lại các lĩnh vực thu hút đầu tư PPP và dành nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực thiết yếu.
Về các ngưỡng đảm bảo tiền gửi ngoại tệ, Chính phủ quyết định việc cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ cho từng dự án. “Chúng tôi đã trao đổi nhiều với Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này và quan điểm của Chính phủ là giữ nguyên hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ tối đa là 30% doanh thu của dự án”, ông Trương nhấn mạnh.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Dự thảo Luật PPP là dự luật mới và khó. “Các quy định đưa vào luật thì khung luật rất chặt chẽ. Nếu chúng ta không đưa ra các quy định linh hoạt, thì khi thực hiện sẽ rất vướng. Nhiều khi, chúng tôi (các nhà làm luật) muốn quy định cho chặt để tránh sự lạm dụng, tùy tiện trong thực thi, nhưng nếu các quy định mà quá chặt chẽ, thì sẽ không tạo ra sự linh hoạt xuyên suốt trong luật”, ông Phúc lưu ý.
Cũng theo ông Phúc, nhà đầu tư cần có sự chia sẻ với các nhà làm luật. Để bảo đảm tính ổn định, chống lạm dụng và tùy tiện trong thực thi, nên Quốc hội muốn quy định chặt chẽ, nhằm tránh việc vận dụng quá linh hoạt, thậm chí tùy tiện, làm “méo mó” luật bằng nghị định và thông tư, khiến nhà đầu tư than phiền.
Bày tỏ quan điểm về lựa chọn “cứng hóa” hay linh hoạt cho Luật PPP, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng mạnh mẽ, nếu chúng ta ổn định cứng các quy định, thì không thể linh hoạt trong thế giới biến đổi như hiện nay. Cho nên, cơ chế cho PPP phải rất linh hoạt theo hướng “lạt mềm buộc chặt”.
Dẫn ví dụ có đến 30 tỷ USD “tiền tươi thóc thật” vốn đầu tư công không thể giải ngân nổi do vướng mắc, rắc rối về thủ tục, ông Lộc nhấn mạnh: “Đừng để các quy định PPP rắc rối như vậy, phải hiểu được tầm quan trọng của các tiềm lực cho phát triển”.
Đại diện VCCI cho rằng, tinh thần xây dựng Luật PPP, nhất là trong bối cảnh thế giới đang tái cấu trúc nền kinh tế, chuỗi cung ứng sản xuất, cần hướng đến đón bắt những cơ hội từ dịch chuyển vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.
Năm lĩnh vực thu hút đầu tư PPP
Với chủ trương thu gọn lại các lĩnh vực thu hút đầu tư PPP và dành nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực thiết yếu, Dự thảo Luật PPP đang thiết kế thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực, bao gồm giao thông vận tải; nhà máy điện, hệ thống truyền tải điện; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; y tế và giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin, chứ không mở rộng các lĩnh vực thu hút đầu tư PPP.