Như vậy, với mục tiêu nâng kim ngạch song phương lên 60 tỷ USD vào năm 2015, Trung Quốc sẽ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
| ||
Hai bên cần đưa ra các biện pháp cân bằng cán cân thương mại Việt - Trung, giảm dần nhập siêu từ Trung Quốc |
Mục tiêu này có thể sớm trở thành hiện thực, bởi năm 2012, kim ngạch thương mại Việt -Trung đã đạt trên 41 tỷ USD, bởi hai nước hiện có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là khi Trung Quốc được xem là thị trường tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, với hơn 1,35 tỷ dân, sức tiêu dùng lớn, điều kiện địa lý thuận lợi.
Hơn thế, Việt Nam hiện là cửa ngõ để các doanh nghiệp Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực ASEAN và nhiều nước trong khu vực...
Quan hệ hợp tác thương mại Việt - Trung càng có điều kiện phát triển thuận lợi hơn khi Chính phủ hai nước nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện không ngừng đi vào chiều sâu. Việt Nam và Trung Quốc hết sức coi trọng, sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư...
Tuy nhiên, để quan hệ thương mại nói riêng và quan hệ hợp tác kinh tế Việt – Trung nói chung phát triển bền vững, song hành việc thúc đẩy hoạt động thương mại, hai bên cần đưa ra các biện pháp cân bằng cán cân thương mại Việt - Trung, giảm dần nhập siêu từ Trung Quốc.
Thực tế cho thấy, năm 2001 là năm Việt Nam lần đầu tiên nhập siêu từ Trung Quốc với tỷ lệ khi đó là 17,7% tổng nhập siêu, nhưng nhập siêu từ thị trường này kéo dài trong suốt những năm qua. Tới năm 2007, con số này là trên 9,1 tỷ USD, tăng 109,7% so với năm 2006. Năm 2008, nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 12,6 tỷ USD, tăng 21,7%.
Năm 2009, nhập siêu từ Trung Quốc có giảm so với năm 2008, nhưng là do nhập khẩu nói chung giảm trong bối cảnh suy giảm kinh tế.... Trong quý I và II năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất vào Việt Nam,với hơn 8,9 tỷ USD.
Nguyên nhân là do phần lớn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là vật tư đầu vào cho sản xuất công nghiệp, nguyên phụ liệu cho gia công xuất khẩu và nhà thầu của các dự án lớn.
Trong khi đó, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa đa dạng, đại bộ phận tương đồng với hàng Trung Quốc. Những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu lại là tài nguyên như dầu thô, than đá phải giảm do tăng tiêu dùng, chủ trương hạn chế xuất khẩu...
Với lợi thế khoảng cách về mặt địa lý trong vận chuyển, hàng hóa Trung Quốc có giá rẻ và mẫu mã phù hợp, trong khi công nghiệp hỗ trợ trong nước còn kém phát triển, việc giảm nhập siêu từ Trung Quốc là thách thức lâu dài.
Tuy nhiên, để quan hệ thương mại Việt – Trung phát triển ổn định, bền vững thì nhất thiết phải sớm đưa kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa hai nước về trạng thái cân bằng, cho dù đó là công việc vô cùng khó khăn, nhưng không phải không có giải pháp.
Trong bối cảnh hiện nay, để tiến tới cân bằng cán cân thương mại Việt - Trung, giải pháp trung và dài hạn là Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu; có chính sách quản lý nhập khẩu qua đường biên mậu tốt hơn để dịch chuyển từ nhập khẩu biên mậu sang chính ngạch...
Ngoài ra, cần hạn chế nhập khẩu những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được và có chính sách tích cực đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời tăng cường biện pháp chống nhập lậu, buôn lậu tại các vùng biên, cửa khẩu giáp với Trung Quốc…
Minh Trí