Trong các lĩnh vực của nền kinh tế, nông nghiệp là lĩnh vực chiếm 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Vì vậy, để Việt Nam thực hiện thành công cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất lúa gạo carbon thấp đã trở thành yêu cầu bắt buộc.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, cuối năm 2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Tuy nhiên, để việc thực hiện đề án diễn ra thuận lợi, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất Việt Nam cần có cơ chế trao đổi tín chỉ carbon và hình thành thị trường tín chỉ carbon cho các mô hình sản xuất lúa phát thải thấp. Doanh thu từ việc trao đổi giấy phép carbon có thể dùng để tái đầu tư vào mô hình sản xuất và tạo động lực cho người nông dân.
Theo nhóm nghiên cứu, thị trường carbon với quy mô rộng lớn, phức tạp thường sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn nhưng đồng thời đòi hỏi sự chuẩn bị và cơ sở pháp lý, kỹ thuật chi tiết, chặt chẽ. Để triển khai thị trường carbon, cần có một hệ thống thuế, phí và mua bán hạn ngạch và việc này đòi hỏi phải thực hiện trong thời gian dài.
Vì vậy, ở giai đoạn ban đầu, nhóm nghiên cứu đề xuất Việt Nam có thể thí điểm cơ chế bù đắp carbon ở quy mô ngành (như Liên minh châu Âu) hoặc cơ chế cấp địa phương (như Trung Quốc). Việt Nam cũng có thể áp dụng bài học từ Thái Lan khi thiết lập các cơ chế trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện cho ngành lúa gạo, trước khi triển khai thị trường carbon bắt buộc.
Hiện tại, Việt Nam đang lên kế hoạch tập trung xây dựng các hệ thống pháp lý để quản lý tín chỉ, trao đổi và vận hành thử nghiệm trên sàn giao dịch carbon trong giai đoạn từ nay đến 2027. Từ 2028 trở đi, Việt Nam sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức.
“Đối với mô hình trồng lúa carbon thấp, cần phải đưa ra một lộ trình cụ thể tương ứng với thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước nói chung. Lĩnh vực nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng có thể thực hiện các chính sách đơn giản hơn khi mức độ sẵn sàng tham gia giao dịch là thấp và tăng dần lên các hệ thống phức tạp hơn theo thời gian”, nhóm nghiên cứu gợi ý.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, thị trường carbon và các cơ chế bù trừ tín chỉ carbon là lĩnh vực rất mới, đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng. Vì vậy, nâng cao nhận thức của người nông dân về lợi ích của việc tham gia vào các chương trình này là những bước quan trọng.
Nhóm nghiên cứu cho rằng cơ quan chức năng cần cung cấp các khóa đào tạo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho doanh nghiệp và người nông dân về tín chỉ carbon, cũng như cách thức vận hành của các cơ chế bù trừ, trao đổi carbon. Ngoài ra, cần triển khai các hệ thống đo lường, giám sát, các cơ sở hạ tầng kĩ thuật để người dân thuận tiện trong việc tiếp cận tín chỉ carbon.
Tạo các điều kiện thúc đẩy tài chính hướng tới mô hình trồng lúa carbon thấp
Theo nhóm nghiên cứu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Mặc dù mức tăng trưởng dư nợ đối với các lĩnh vực xanh khá cao (khoảng 23%/năm trong giai đoạn 2017-2022), tập trung chủ yếu vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh; tuy nhiên, hiện nay chưa có khung pháp lý, tiêu chí môi trường, danh mục dự án xanh nên chưa xây dựng được căn cứ và tiêu chí cụ thể để phân loại dự án xanh. Điều này gây ra nhiều hạn chế cho quá trình thẩm định cấp tín dụng xanh.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên-Môi trường và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp để hoàn thiện các khung pháp lý, hướng dẫn về các tiêu chí môi trường và việc xác nhận mô hình trồng lúa carbon thấp là phù hợp với phân ngành kinh tế, tạo điều kiện và căn cứ cho quá trình thẩm định, đánh giá và giám sát của các tổ chức tín dụng khi thực hiện cấp tín dụng xanh.