Dự thảo Thông tư này áp dụng với tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quản lý giá.
Ảnh minh họa. |
Theo dự thảo, danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện kê khai giá bao gồm: Sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 36 tháng tuổi theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế ban hành.
Sữa và các sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc dạng lỏng có công bố sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng không theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định tại khoản 1 nêu trên.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện kê khai giá, bao gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe;
Thực phẩm dinh dưỡng y học; Thực phẩm bổ sung, bao gồm sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế có trách nhiệm công khai trên trang thông tin điện tử của Cục An toàn thực phẩm danh mục thực phẩm bảo vệ sức khoẻ và các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm của cả Bộ Y tế và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh chỉ định lựa chọn nộp hồ sơ đến Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được UBND tỉnh, thành phố trung ương chỉ định quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có trách nhiệm công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị danh mục các sản phẩm nêu trên.
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trung ương chỉ định về tiếp nhận kê khai giá căn cứ vào danh mục trên sẽ tiếp nhận hồ sơ kê khai giá do tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm nộp.
Định kỳ hằng tháng, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh chỉ định quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có trách nhiệm cập nhật danh mục đối với các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trên trang thông tin điện tử của Cục An toàn thực phẩm hoặc trang thông tin điện tử của đơn vị.
Về nhu cầu sữa tại Việt Nam, theo GS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ, nhu cầu sử dụng sữa bình quân đầu người của Việt Nam hiện vẫn thấp so với thế giới, chỉ đạt 26 - 28 lít/người/năm, trong khi Thái Lan là 35 lít/người/năm, Singapore là 45 lít/người/năm và các nước châu Âu từ 80 - 100 lít/người/năm.
Thị trường sữa tại Việt Nam đã và đang phong phú về chủng loại từ sữa cho trẻ em đến người già, người khỏe đến người bệnh, người lao động, tập luyện thể thao đến người dưỡng bệnh...
Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em Việt Nam chiếm tỉ lệ cao, tỉ lệ thiếu vi chất vẫn phổ biến.
Với đặc tính dễ hấp thu, cân đối về thành phần dinh dưỡng và phù hợp với mọi lứa tuổi và thể trạng nên sữa và sản phẩm sữa là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho người dân Việt Nam. Do đó, tiêu thụ sữa sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, hàng năm, sản lượng sữa luôn duy trì đà tăng trưởng, trong đó sản lượng sữa nước của cả nước năm 2022 ước đạt 1,8 tỉ lít, tăng 2,7% so với năm 2021. Sản lượng sữa bột đạt 143,8 nghìn tấn, tăng 6,3% so với năm 2021.
Năm 2023, sản lượng sữa tươi của cả nước ước đạt 1.860,8 triệu lít, tăng 7.5% so với năm 2022, sản lượng sữa bột đạt 154,8 nghìn tấn, tăng nhẹ 0,1% so với năm 2022.
Ngoài danh mục sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi cần thực hiện kê khai giá, Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Thông tư ban hành danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê khai giá.
Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, gồm một trong các trường hợp sau:
Thuộc danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế.
Thuốc có kết quả trúng thầu tại cơ sở y tế. Thuốc không nằm trong trường hợp a và b nêu trên nhưng được sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Dự thảo cũng quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thuốc thiết yếu thực hiện kê khai giá gồm các thông tin sau: Đối với thuốc hóa dược, vắc-xin, sinh phẩm thiết yếu: Tên hoạt chất/thành phần, nồng độ/hàm lượng, dạng bào chế, đường dùng.
Đối với thuốc cổ truyền thiết yếu gồm: Thành phần, đường dùng.
Dự thảo đề xuất cụ thể danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê khai giá gồm thuốc hóa dược gồm 458 hoạt chất/thành phần như: Acetic acid, Acetylcystein, Aciclovir, Amiodaron hydroclorid, Amoxicilin, Cephalexin, Cloramphenicol...
Thuốc hóa dược có chứa thành phần dược liệu: gồm 24 nhóm hoạt chất/thành phần như: Đan sâm, Tam thất, Borneol/Camphor; Eucalyptol, Tinh dầu gừng, Tinh dầu trần bì, Tinh dầu bạc hà, Tinh dầu húng chanh; Húng chanh, Núc nác, Cineol; Ngưu tất, Nghệ, Rutin, (Bạch truật)...
Sinh phẩm: gồm 7 loại hoạt chất/thành phần: Yếu tố VIII đậm đặc; Phức hợp yếu tố IX (các yếu tố đông máu II, VII, IX và X) đậm đặc; Albumin; Human normal Immunoglobulin; Huyết thanh kháng dại; Huyết thanh kháng uốn ván; Huyết thanh kháng nọc độc.
Vắc-xin gồm 22 loại như: Vắc-xin phòng lao; vắc-xin phòng sởi; vắc-xin phòng viêm gan B; vắc-xin phòng uốn ván...
Thuốc cổ truyền: Gồm 220 loại thành phần, chia thành 12 nhóm: Nhóm thuốc giải biểu; Nhóm thuốc thanh nhiệt, giải độc, tiêu ban, lợi thủy;
Nhóm thuốc khu phong trừ thấp; Nhóm thuốc nhuận tràng, tả hạ, tiêu thực, bình vị, kiện tỳ; Nhóm thuốc an thần, định chí, dưỡng tâm; Nhóm thuốc chữa các bệnh về phế; Nhóm thuốc chữa các bệnh về dương, về khí;
Nhóm thuốc chữa các bệnh về âm, về huyết; Nhóm thuốc điều kinh, an thai; Nhóm thuốc chữa bệnh về ngũ quan; Nhóm thuốc dùng ngoài; Nhóm thuốc khác.