Trong năm 2024, Xây dựng và Giao thông Bình Dương đặt kế hoạch doanh thu 527,53 tỷ đồng, tăng 330% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 57,41 tỷ đồng, tăng 73,56 lần so với thực hiện trong năm 2023.
Về định hướng kinh doanh, Xây dựng và Giao thông Bình Dương cho biết Công ty xác định hoạt động xây dựng là nguồn thu chính, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của Công ty; lĩnh vực bất động sản, Công ty tiếp tục mở rộng và phát triển các dự án bất động sản, đẩy mạnh công tác làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở cho khách hàng, thực hiện các giải pháp thu hồi công nợ.
Trong đó, Công ty cho biết năm 2024, Công ty sẽ tiếp tục thi công các dự án đã thực hiện trong năm 2023 và khởi công các dự án như công trình nhà ở thương mại dịch vụ công nhân tại Khu công nghiệp Becamex – Bình Phước; công trình hạ tầng R2A Ecolakes; thi công nhà ở thương mại dịch vụ công nhân Bàu Bàng (diện tích 18.000 m2) tại lô 5D ấp 5 thị trấn Lai Uyên, Bầu Bàng, Bình Dương; thi công xây dựng các công trình hạ tầng do Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư.
Về việc phân phối lợi nhuận, Xây dựng và Giao thông Bình Dương trình cổ đông kế hoạch không trả cổ tức năm 2023.
Được biết, ngày 26/4/2022, Xây dựng và Giao thông Bình Dương đã thông qua việc trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 5%, tương ứng trả tổng cộng 17,5 tỷ đồng cho cổ đông và thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 350 tỷ đồng, lên 700 tỷ đồng để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, tới ngày 19/4/2023, Xây dựng và Giao thông Bình Dương đã thông nhất hoãn chi trả cổ tức năm 2021 và không thực hiện trả cổ tức năm 2022 để tập trung nguồn vốn vào hoạt động kinh doanh, đồng thời đã thông qua việc không thực hiện phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Thoát lỗ cả năm nhờ lãi quý IV/2023
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2023, Xây dựng và Giao thông Bình Dương ghi nhận doanh thu đạt 31,24 tỷ đồng, giảm 76,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 17,6 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 44,22 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp chuyển từ âm 0,99 tỷ đồng sang dương 25,86 tỷ đồng, tức tăng 26,85 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 10%, tương ứng giảm 0,36 tỷ đồng, về 3,23 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 27%, tương ứng giảm 2,02 tỷ đồng, về 5,46 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lãi 0,56 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 32,39 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Ngoài ra, xét về cơ cấu doanh thu, trong quý cuối năm 2023, lĩnh vực bất động sản bất ngờ ghi nhận doanh thu 22,18 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận. Ngược lại, lĩnh vực xây dựng doanh thu giảm 97,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 122,99 tỷ đồng, về 3,37 tỷ đồng (cùng kỳ doanh thu ghi nhận 126,36 tỷ đồng)…
Luỹ kế trong năm 2023, Xây dựng và Giao thông Bình Dương ghi nhận doanh thu đạt 122,67 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 1,88 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 60,2 tỷ đồng, tức tăng thêm 62,08 tỷ đồng.
Như vậy, bằng việc ghi nhận lãi 17,6 tỷ đồng trong quý cuối năm 2023, Xây dựng và Giao thông Bình Dương đã thoát lỗ và luỹ kế lãi nhẹ 1,88 tỷ đồng trong năm 2023.
Lỗ luỹ kế hơn 39 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023
Điểm đáng lưu ý, mặc dù lãi nhẹ trong năm 2023 nhưng tính tới 31/12/2023, Xây dựng và Giao thông Bình Dương vẫn đang còn lỗ luỹ kế hơn 39 tỷ đồng, bằng 11,1% vốn điều lệ (vốn điều lệ 350 tỷ đồng).
Trong năm 2023, BCE đặt kế hoạch doanh thu đạt 371,68 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2,41 tỷ đồng.
Như vậy, mặc dù lãi đột biến quý IV, luỹ kế cả năm chỉ lãi 1,88 tỷ đồng, Xây dựng và Giao thông Bình Dương vẫn chỉ hoàn thành 78% kế hoạch lãi năm 2023.
Xét về dòng tiền, trong năm 2023, dòng tiền kinh doanh ghi nhận âm 4,37 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 6,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 0,68 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 20,1 tỷ đồng, chủ yếu tăng nợ vay.
Tính tới 31/12/2023, tổng tài sản của Xây dựng và Giao thông Bình Dương tăng 6,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 40 tỷ đồng, lên 688 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 422,8 tỷ đồng, chiếm 61,5% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 86,9 tỷ đồng, chiếm 12,6% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 65,4 tỷ đồng, chiếm 9,5% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Ngoài ra, về phần nguồn vốn, tính tới cuối năm 2023, tổng nợ vay của Xây dựng và Giao thông Bình Dương tăng 22,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 20,2 tỷ đồng, lên 111,7 tỷ đồng và chiếm 16,2% tổng nguồn vốn (đầu năm ghi nhận 91,5 tỷ đồng và chiếm 14,1% tổng nguồn vốn).