Sau đây là tổng hợp các thông tin bất động sản nổi bật trong tuần.
Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu đánh thuế người sở hữu nhiều nhà, đất
Trong cuộc họp báo thường kỳ quý III/2024, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Tài chính, cho biết Bộ Tài chính hoàn toàn đồng tình với đề xuất đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất của Bộ Xây dựng.
Các hội, nhóm đầu cơ, "lướt sóng" đất đấu giá. Ảnh: Thanh Vũ |
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng khẳng định rằng, mục tiêu hạn chế tình trạng đầu cơ và ổn định thị trường sẽ khó lòng được thực hiện, nếu chỉ dựa vào chính sách thuế. Thay vào đó, hệ thống chính sách cần có sự đồng bộ giữa các quy định về đất đai, quy hoạch…
Trước đó, trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện hệ thống pháp luật chưa có chế tài kiểm soát, ngăn chặn hoạt động đầu cơ, găm đất nhằm đẩy giá. Trong khi tình trạng mua bán, sang tay không được kiểm soát là nguyên nhân chính dẫn đến "sốt đất" tại nhiều địa phương.
Bộ Xây dựng: Giá nhà sẽ tăng 15 - 20% do ảnh hưởng của bảng giá đất
Trong báo cáo tình hình giá bất động sản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ xây dựng nhận định rằng, khi áp dụng bảng giá đất năm 2024, chi phí sử dụng đất của các dự án bất động sản sẽ tăng lên so với trước. Điều này sẽ trực tiếp khiến mặt bằng giá nhà ở tăng lên khoảng 15 - 20%.
Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, chi phí đất đai chiếm 7 - 20% tổng chi phí thực hiện của một dự án chung cư cao tầng. Thậm chí, với các dự án biệt thự, nhà ở liền kề, tỷ lệ này còn lên tới 25 - 50% với dự án biệt thự, liền kề. Mặt khác, chi phí bồi thường tài sản trên đất thường chiếm tỷ lệ không quá lớn trong chi phí đầu tư xây dựng, chỉ khoảng 2%.
Dẫn chứng thực tế, Bộ cho biết, tại khu nhà ở của chủ đầu tư GP Invest, chi phí tiền sử dụng đất tính trên giá bán 1m2 căn hộ sau khi áp dụng bảng giá đất mới sẽ tăng lên 22 triệu đồng/36 triệu đồng (chiếm khoảng 60%). Hiện tỷ lệ này là khoảng 42%, tương đương 15 triệu đồng/36 triệu đồng.
Xu hướng này cũng đang xảy ra tại dự án biệt thự khu đô thị Chánh Mỹ (Bình Dương), từ 16,3% lên khoảng 50%. Tương tự, dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Hà Nội) cũng có tiền sử dụng đất tăng từ 15% lên 33% giá bán.
Trong khi giá đất liên tục tăng “phi mã", các chi phí khác như chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vốn vay, bán hàng, thuế… lại được Bộ Xây dựng đánh giá là "ít biến động". Thậm chí, chi phí vốn vay còn giảm do lãi suất đã dần “hạ nhiệt”.
Bộ Tài chính đề xuất giảm tối đa khoảng 4.000 tỷ đồng tiền thuê đất
Tại dự thảo Nghị định của Chính phủ về giảm tiền thuê đất năm 2024 đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án, gồm giảm 15% hoặc 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024, không gồm nợ của các năm trước và tiền chậm nộp. Nếu đề xuất được thông qua, số tiền thuê đất thu về ngân sách có thể giảm khoảng 2.000 - 4.000 tỷ đồng.
Đối tượng áp dụng chính sách này là tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp dưới hình thức trả tiền thuê hàng năm. Người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất cũng thuộc đối tượng ưu đãi.
Để được giảm, người thuê đất sẽ làm đề nghị theo mẫu, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của thông tin, đảm bảo đúng đối tượng.
Bộ cho rằng số tiền thuê đất giảm theo chính sách này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến tổng thu ngân sách Nhà nước. Ngược lại, việc giảm thuế đất sẽ tác động lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, từ đó giúp ngân sách có thêm khoản thu từ thuế, bù đắp cho số giảm từ tiền thuê đất.
Hà Nội quy định diện tích tách thửa, hợp thửa với từng loại đất
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND ngày 27/9/2024, quy định một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP. Hà Nội. Trong đó, có quy định điều kiện tách, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách với từng loại đất, quy định có hiệu lực từ ngày 7/10/2024.
Theo đó, với trường hợp đất ở, tại các phường, thị trấn, diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 50 m2. Chiều rộng tiếp giáp với đường giao thông hoặc lối đi cũng phải từ 4 m trở lên.
Quy định tách thửa đối với đất ở. |
Tại các xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu để tách thửa là 80 m2, chiều rộng phải từ 5 m trở lên. Đối với các xã vùng trung du, diện tích tách thửa nhỏ nhất là 100 m2, chiều rộng cũng phải từ 5 m. Ở các xã vùng miền núi, diện tích quy định là không dưới 150 m2, chiều rộng là từ 6 m trở lên.
Tất cả các khu vực trên đều có chiều dài quy định khi tách thửa là từ 4 m trở lên.
Quy định tách thửa đối với đất thương mại, dịch vụ và đất phi nông nghiệp. |
Với đất thương mại dịch vụ, diện tích tối thiểu để tách thửa tại các phường, thị trấn và các xã lần lượt là 400 m2 và 800 m2. Chiều rộng quy định lần lượt là 10 m và 20 m. Chiều dài đều từ 4 m trở lên.
Đối với đất phi nông nghiệp, mức diện tích nhỏ nhất để tách thửa tại các phường, thị trấn và các xã lần lượt là 1.000 m2 và 2.000 m2. Chiều rộng quy định lần lượt là 20 m và 40 m. Chiều dài đều từ 5 m trở lên.
Với các loại đất nông nghiệp, trong trường hợp đất trồng cây hàng năm, diện tích tách thửa tối thiểu là 300 m2 đối với các phường, thị trấn và 500 m2 với các xã.
Quy định tách thửa đối với các loại đất nông nghiệp. |
Với đất trồng cây lâu năm, diện tích tách thửa tối thiểu tại tại các phường, thị trấn là 500 m2; các xã là 1.000 m2. Đất nuôi trồng thuỷ sản cũng có quy định về diện tích thửa tương tự như đất trồng cây lâu năm.
Trong trường hợp đất rừng sản xuất, diện tích đất tối thiểu đều là 5.000 m2 đối với các phường, thị trấn và các xã.
Trước đó, trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Đức Toản, CEO của EZ Property, cũng đã đề cập tới việc nếu Hà Nội tăng diện tích tách thửa tối thiểu lên 50 m2, giá bất động sản có thể sẽ bật tăng. Bởi lẽ, những nhà đầu tư chuyên phân lô giờ đây sẽ phải đổ thêm nhiều chi phí để sắm những mảnh đất lớn, từ đó khiến các thửa sau khi tách sẽ có giá cao hơn.
Ngoài ra, với việc nâng diện tích tách thửa tối thiểu lên thành 50 m2, chi phí để xây dựng nhà ở cũng sẽ nâng lên. Điều này có thể làm gia tăng áp lực tài chính đối với những người có nhu cầu ở thực.
Hà Nội sẽ công khai người trả giá cao rồi bỏ cọc đất đấu giá
UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo về công tác đấu giá đất trên địa bàn. Đáng chú ý, lãnh đạo thành phố yêu cầu UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền theo quy định, gây nhiễu loạn thị trường.
Danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Các hội, nhóm công khai bán chênh, lướt cọc đất đấu giá. Ảnh: Thanh Vũ |
Ngoài ra, lãnh đạo thành phố cũng đề nghị phía công an xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất; hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã có biện pháp ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định đấu giá không được tiếp tục tham gia đấu giá.
Bên cạnh thông tin trên, một điểm đáng lưu ý khác trong văn bản là việc Hà Nội yêu cầu các địa phương hạn chế việc tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở. Thay vào đó, đối tượng được ưu tiên đấu giá quyền sử dụng đất là các tổ chức thực hiện dự án đầu tư, có đủ năng lực thực hiện và sử dụng đất hiệu quả.
Sở TN&MT được giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất, trình UBND thành phố quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định; kịp thời cập nhật, phối hợp, hướng dẫn UBND cấp huyện tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác xác định giá đất.
Về triển khai và tổ chức đấu giá, Hà Nội yêu cầu phải công khai, minh bạch trong việc cung cấp thông tin về các phiên đấu giá trên hệ thống thông tin của trung ương, thành phố và địa phương theo quy định.
Các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất đúng trình tự, thủ tục theo quy định; xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường.
Giá chung cư gần tuyến metro Cầu Giấy - Nhổn tăng trên 40% trong vòng 1 năm
Theo Savills, trong phạm vi bán kính 500 m tính từ các nhà ga thuộc tuyến metro Cầu Giấy - Nhổn (Hà Nội), hiện giá trung bình các căn hộ tại quận Cầu Giấy đã tăng hơn 40% so với quý III/2023.
Trong khi đó, tại những khu vực khác của Thủ đô, mức tăng giá bình quân chỉ khoảng 25 - 35%. Điều đó cho thấy, lợi thế từ hệ thống metro đã khiến giá bất động sản xung quanh tăng cao hơn 5 - 15% so với mặt bằng chung.
Còn tại TP.HCM, giá căn hộ dọc theo tuyến metro cũng liên tục tăng 35 - 70% so với thời điểm mới mở bán, cá biệt có dự án còn tăng gấp đôi trong giai đoạn năm 2015 - 2023.
Ví dụ tại Masteri Thảo Điền, dự án này nằm sát tuyến metro kết nối từ trung tâm TP.HCM đến TP. Thủ Đức. Tại thời điểm mới mở bán vào cuối năm 2014, giá căn hộ dao động khoảng 35 - 39 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nay mức giá trên thị trường thứ cấp đã lên tới 69 - 75 triệu đồng/m2.
“Tuyến metro sẽ góp phần làm tăng giá trị của bất động sản dọc lộ trình của nó. Quan trọng hơn, hệ thống metro giúp nâng cao đáng kể đời sống xã hội của người dân. Phương tiện công cộng này không chỉ giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc, mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân”, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó giám đốc bộ phận Định giá và Tư vấn Savills, nhận định.
TP.HCM ban hành quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định số 68/2024/QĐ-UBND về chế độ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố, có hiệu lực từ ngày 25/9/2024.
Về hình thức hỗ trợ tạm cư, thành phố sẽ bố trí tạm cư hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà. Người dân bị thu hồi đất tại các quận nội thành sẽ được hỗ trợ không quá 24 triệu đồng/hộ/tháng, trong khi ở các khu vực khác, số tiền hỗ trợ không quá 21 triệu đồng/hộ/tháng.
Bên cạnh đó, chính sách tái định cư cho phép người bị thu hồi đất được lựa chọn hình thức bồi thường bằng đất ở, nhà ở hoặc tiền mặt. Trong đó, đối với đất ở, diện tích đất sẽ tuân theo quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa tại địa phương còn trường hợp bồi thường bằng nhà ở, diện tích nhà ở tối thiểu là 30m2.
Tùy thuộc vào loại đất, mức bồi thường sẽ khác nhau. Cụ thể, đất trồng lúa được bồi thường 40.000 đồng/m2, đất trồng cây lâu năm là 50.000 đồng/m2, đất nuôi trồng thủy sản dao động từ 20.000-50.000 đồng/m2 và đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sẽ được bồi thường 50.000 đồng/m2.
Để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, TP.HCM còn có chính sách hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh lên đến 30% thu nhập bình quân của ba năm gần nhất cho các đối tượng phù hợp.
Ngoài ra, nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tích cực phối hợp trong công tác thu hồi đất, thành phố cũng quy định mức thưởng cho những hộ gia đình và tổ chức bàn giao mặt bằng sớm. Cụ thể, hộ gia đình bị thu hồi toàn bộ nhà ở sẽ được thưởng 15 triệu đồng, còn các tổ chức sẽ được thưởng 10.000 đồng/m2 diện tích nhà xưởng.
Đà Nẵng đấu giá hàng trăm lô đất ở, dự kiến thu 720 tỷ đồng
Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đà Nẵng vừa đưa ra thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản 123 lô đất ở chia lô trên địa bàn thành phố.
Theo đó, các lô đất này đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, không có tài sản gắn liền trên đất và được đấu giá bằng hình thức trực tuyến.
Địa phương có số lô đất được đưa ra đấu giá nhiều nhất là quận Ngũ Hành Sơn với 53 lô. Trong đó, 7 lô ở đường Võ Chí Công, diện tích gần 100 m2/lô, giá khởi điểm gần 75 triệu đồng/m2; 29 lô nằm trên 2 mặt tiền đường Võ Chí Công và Lưu Đình Chất, diện tích 105 m2/lô, giá khởi điểm 47,3 triệu đồng/m2.
Các lô còn lại thuộc khu tái định cư Khái Tây 2 (Bá Tùng mở rộng), phường Hòa Quý, diện tích hơn 406 m2/lô, giá khởi điểm hơn 23 triệu đồng/m2.
Tại quận Sơn Trà có 46 lô được đưa ra đấu giá, trong đó 10 lô trên đường Trần Thánh Tôn, diện tích 100 m2/lô, giá khởi điểm hơn 40,6 triệu đồng/m2; 14 lô trên đường Chu Huy Mân, diện tích hơn 127 m2/lô, giá khởi điểm gần 46,7 triệu đồng/m2; 11 lô nằm trên đường Ngô Cao Lãng, diện tích 100 m2/lô, giá hơn 52 triệu đồng/m2.
Những lô còn lại nằm trên các tuyến đường Ngã tư đường Phạm Văn Xảo và Hồ Sĩ Phấn, Ngã ba đường Phạm Văn Xảo và Cổ Mân 9, Ngã tư đường Đỗ Anh Hàn và Hoàng Quốc Việt, giá khởi điểm từ 47,7 - 61,5 triệu đồng/m2.
Quận Hải Châu có 3 lô, gồm: lô B99 ngã ba đường Nguyễn Hữu Dật - Huỳnh Mẫn Đạt, lô 96 B1.1 ngã ba đường Trịnh Công Sơn - Tiên Sơn 9, lô 01 - B1.2 ngã ba đường Trịnh Công Sơn - Tiên Sơn 9. Các lô đất này có diện tích từ 109 - 115 m2, giá khởi điểm từ 98,6 - 100,7 triệu đồng/m2. Đây là khu vực có giá cao nhất trong đợt đấu giá lần này.
Quận Thanh Khê đấu giá lô đất nằm ngã tư đường Lý Triện - Nguyễn Phước Thái, diện tích hơn 122m2, giá khởi điểm 58,2 triệu đồng.
Quận Cẩm Lệ có 9 lô, những lô đất này nằm trên các tuyến đường Lỗ Giáng 2, Lỗ Giáng 3, đường 29 tháng 3, Nguyễn Quang Lâm, Tế Hanh, Đô Đốc Tuyết, Nguyễn Kim… Diện tích của các lô này từ 114 - 245 m2, giá khởi điểm hơn 25 - 51 triệu đồng/m2.
Trong đợt đấu giá lần này còn có 2 lô tại quận Liên Chiểu và 9 lô tại huyện Hòa Vang. Hai địa phương này có giá đất thấp hơn những địa phương khác, giao động từ 13 - 27 triệu đồng/m2.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đà Nẵng, tổng giá trị 123 lô đất trên tính theo giá khởi điểm là hơn 720 tỷ đồng.
Taseco Land “rộng cửa" trở thành chủ đầu tư dự án 3.200 tỷ đồng ở Mê Linh
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco - Taseco Land là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án xây dựng khu đô thị mới Mê Linh tại xã Mê Linh và Văn Khê, huyện Mê Linh.
Đáng chú ý, dù đã hết hạn nộp hồ sơ (hạn cuối là ngày 31/8), nhưng Sở vẫn chỉ ghi nhận duy nhất một đơn vị đăng ký thực hiện dự án là Taseco Land. Như vậy, doanh nghiệp này đã nắm chắc cơ hội để trở thành nhà đầu tư của dự án.
Khu đô thị mới Mê Linh có diện tích gần 41 ha và dự kiến sẽ cung cấp nơi ở cho khoảng 5.060 người. Khi hoàn thành, khu đô thị sẽ cho ra mắt khoảng 657 căn thấp tầng và một tòa nhà ở xã hội với 809 căn. Bên cạnh đó, dự án còn có 2 tòa thương mại dịch vụ cao 3 - 9 tầng, công trình giáo dục, y tế, trung tâm văn hóa thể thao, cây xanh mặt nước...
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện dự án hơn 2.900 tỷ đồng, còn lại là chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư 50 năm, kể từ ngày nhà đầu tư được nhà nước quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Tiến độ thực hiện dự án kéo dài từ năm 2024 - 2028.
Với lợi thế tiếp giáp sân bay Nội Bài và có đường Vành đai 4 đi qua, huyện Mê Linh đang là điểm đến của hàng loạt dự án lớn bất động sản lớn. Một số cái tên có thể kể đến như Cienco 5 Mê Linh, Diamond Park, HUD Mê Linh, Ceo Mê Linh, khu đô thị Tiền Phong Mê Linh, khu đô thị Hà Phong…