Phiên họp chiều 12/5 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. |
Tiếp tục phiên họp thứ 23, chiều 12/5 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nưóc ngoài tại Việt Nam.
Tờ trình Chính phủ gửi Quốc hội cho biết dự thảo luật chỉ có 3 điều. Điều 1 sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, tập trung vào 2 nhóm nội dung.
Cụ thể, ở nhóm nội dung về cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông; bãi bỏ quy định nộp bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất.
Dự thảo cũng bãi bỏ quy định nộp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi đã được cấp mã số định danh cá nhân.
Trong nhóm nội dung sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, dự thảo luật sửa đổi để bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất nhập cảnh.
Hướng sửa đổi này được cơ quan thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội tán thành, vì việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh là bước đi tiếp theo nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc sau khi Quốc hội đã đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam.
Quy định này, theo báo cáo thẩm tra là nhằm góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân Việt Nam khi nhập cảnh vào các nước trên thế giới, không để xảy ra tình huống như một số nước ở châu Âu tạm dừng cấp thị thực vào mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam với lý do trong hộ chiếu không ghi thông tin “nơi sinh”, hồi tháng 7/2022.
Lần sửa đổi này, Chính phủ còn trình sửa đổi các quy định cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn.
Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi quy định “thời hạn sử dụng còn lại của hộ chiếu từ đủ 6 tháng trở lên mới đủ điều kiện xuất cảnh”, theo hướng “hộ chiếu còn thời hạn sử dụng là đủ điều kiện xuất cảnh”. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho công dân khi xuất cảnh.
Tại Điều 2 của dự thảo Luật Chính phủ trình sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tập trung vào 2 nhóm nội dung.
Với nhóm nội dung tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ. Chính phủ sẽ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ.
Thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, quy định sẽ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, người nước ngoài vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội, xúc tiến đầu tư.
Báo cáo thẩm tra nêu, các quy định mới trên sẽ mang lại sự ưu ái đặc biệt cho khách nước ngoài và thuận lợi trong việc thực hiện trình tự, thủ tục của cơ quan quản lý.
Một đề xuất khác là nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú.
Theo Ủy ban Quốc phòng – An ninh, quy định như vậy là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên, nhất là đối với người nước ngoài vào đầu tư, làm việc với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức khác, du lịch.
Quy định 45 ngày theo cơ quan tnẩm tra là đạt mức trung bình của các nước trong khu vực (Singapore 30-90 ngày; Malaysia14-90 ngày; Myanmar 28-70 ngày; Philippines từ 30-59 ngày; Thái Lan lên đến 45 ngày; Indonesia tối đa 30 ngày; Campuchia 14-30 ngày).
Chủ nhiệm Uỷ ban thẩm tra Lê Tấn Tới phản ánh, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, hiện nay Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn đối với công dân của 25 nước là thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore (158 nước và vùng lãnh thổ), Malaysia (166 nước và vùng lãnh thổ), Indonesia (169 nước và vùng lãnh thổ), Philippines (157 nước, vùng lãnh thổ), Thái Lan (70 nước và vùng lãnh thổ), Lào (44 nước và vùng lãnh thổ)…
Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, du lịch, nhất là khách du lịch dài ngày, chất lượng cao từ nhiều quốc gia châu Âu, châu Mỹ chưa có trong diện miễn thị thực. Vậy, các ý kiến này đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 13 theo hướng mở rộng hơn diện đơn phương miễn thị thực cho công dân các nước, vùng lãnh thổ và mở rộng điều kiện đơn phương miễn thị thực.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về hiệu lực thi hành, quy định chuyển tiếp đối với giấy tờ xuất nhập cảnh chưa có thông tin nơi sinh; các thủ tục nộp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của công dân Việt Nam và người nước ngoài, báo cáo thẩm tra nêu.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp, tại kỳ họp thứ 5, khai mạc ngày 22/5/2023.