Đề xuất cải thiện 3 nội dung nhưng quên “át chủ bài”
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp liên quan đến việc miễn visa đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, miễn thị thực đơn phương phải là “át chủ bài” hút khách quốc tế. (Ảnh: Hồ Hạ) |
Theo đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các thủ tục, hoàn thiện hồ sơ đề xuất một số chính sách trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo quy định pháp luật.
Các bộ báo cáo Chính phủ đệ trình Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 tới đối với 3 nội dung: Cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày; kéo dài thời hạn thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Như vậy, du khách quốc tế đến Việt Nam có thể lưu trú tới 3 tháng và thoải mái ghé thăm các nước khác rồi quay lại Việt Nam mà không cần xin lại visa.
Trước đó, tại Tọa đàm “Hiến kế Hút khách quốc tế”, do Báo Đầu tư tổ chức, sáng 22/3, Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, hiện tại, Bộ Công an đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu thực tế của việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.
Từ ngày 14/3/2023, Bộ Công an đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các nhà quản lý và các tầng lớp nhân dân về Dự án này. Trong đó, nội dung nổi bật nhất được nêu lên là những bước đột phá cởi mở trong chính sách thị thực. Về chính sách thị thực điện tử, Bộ Công an đề xuất tăng số lượng các nước được cấp visa điện tử.
Thứ hai là đề xuất nâng thời hạn tạm trú cho người được cấp thị thực điện tử từ 30 lên 90 ngày, giá trị của thị thực điện tử có thể là một lần hoặc nhiều lần, căn cứ theo nhu cầu của người nước ngoài, khách du lịch; đảm bảo cho người nước ngoài khách du lịch được xuất nhập cảnh nhiều lần để thực hiện các công việc kinh doanh cũng như các tour kết nối.
Nội dung thứ ba là kéo dài thời gian tạm trú đối với người nước ngoài được hưởng quy chế miễn thị thực đơn phương từ 15 lên 30 ngày và có thể được gia hạn tạm trú cấp thẻ tạm trú nếu đáp ứng các yêu cầu khác của pháp luật.
Trước các thông tin trên, những người làm du lịch bày tỏ sự vui mừng vì nếu được Quốc hội thông qua, việc mở rộng chính sách visa điện tử cả về đối tượng áp dụng và thời hạn sẽ phát huy những kết quả tích cực ngành kinh tế xanh đã đạt được. Đồng thời, góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành kinh tế xanh nói riêng.
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng được xem là “át chủ bài” trong việc cải thiện chính sách visa để hút khách quốc tế vẫn chưa được đề cập, đó là mở rộng phạm vi quốc gia được miễn thị thực đơn phương nhằm tạo thuận lợi tối đa cho khách quốc tế đến Việt Nam. Bởi như chia sẻ của PGS - TS. Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), với du khách, nhất là các “khách sộp”, thời gian với họlà vàng. Điều họ quan tâm là có mất thời gian làm thủ tục visa không, nhập cảnh có thông thoáng, nhanh gọn hay không. Kể cả khi được cấp visa điện tử, họ vẫn mất thời gian làm thủ tục, chờ đợi nên chưa thực sự hấp dẫn.
Vì thế, PGS – TS. Phạm Hồng Long cho rằng, việc mở rộng visa cho các nước có sức chi trả cao như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và New Zealand… là cần thiết để ngành kinh tế xanh đạt cả mục tiêu tăng trưởng về “lượng” và “chất”.
Đề xuất miễn visa cho công dân 80 quốc gia đang được cấp visa điện tử
Hiện nay, Việt Nam miễn thị thực cho công dân 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương, chỉ bằng 1/3 số quốc gia được miễn thị thực khi vào Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/6 của Indonesia và chưa bằng 1/7 của Singapore.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 15/3, bên cạnh việc mở rộng thời gian lưu trú cho đối tượng được cấp E-visa, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng diện áp dụng của chính sách miễn thị thực.
Theo Thứ trưởng, Bộ Ngoại giao đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành thúc đẩy đàm phán Hiệp định miễn thị thực với các nước, đặc biệt là các đối tác có trình độ phát triển tương đồng hoặc cao hơn Việt Nam như: Các nước Mỹ La-tinh, Qatar, Kazakhstan, Mông Cổ, Maldives...
Tuy nhiên, đến nay, nội dung mở rộng các nước miễn thị thực đơn phương và song phương vẫn chưa nằm trong các nội dung Chính phủ đệ trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới.
Kỳ vọng nội dung này sẽ được đưa vào nội dung trọng tâm báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới, tại Tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế”, do Báo Đầu tư tổ chức ngày 22/3, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: “Việt Nam phải làm gì để các nước khác đến học, ví dụ như câu chuyện visa, hiện nay tôi được biết là miễn visa theo nguyên tắc đối đẳng, nếu họ miễn thì mình miễn lại. Đó là chuyện bình thường... Hãy chủ động đơn phương miễn thị thực 30 ngày cho các nước không miễn cho mình trước, sau đó họ thấy tốt sẽ quay lại miễn cho công dân nước mình, có thể đây sẽ là chính sách vượt trội trong phạm vi kiểm soát”.
Theo số liệu của hãng Hàng không Thai Vietjet, năm 2019 khách quốc tế từ thị trường châu Âu đến Thái Lan lưu trú trung bình từ 16 – 19 ngày/chuyến đi. Du khách đến từ châu Mỹ từ 14 – 17 ngày/chuyến đi. Trung bình tất cả các thị trường khách quốc tế đến Thái lan lưu trú 9,26 ngày/chuyến đi và chi tiêu bình quân gần 150 USD/ngày. Năm 2020, số thời gian lưu trú đã nâng lên 12,54 ngày/chuyến đi.
Trong khi đó, theo Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam năm 2019, độ dài bình quân chuyến đi của khách quốc tế đến Việt Nam là 8 ngày/chuyến đi, chi tiêu bình quân gần 1.100 USD/chuyến đi. Với các thị trường xa thì thường lưu trú 12-15 ngày và chi tiêu từ 1.500 – 1.900 USD/chuyến đi (Nga, Anh, Mỹ, Úc, Pháp).
Thị trường xa có chi tiêu bình quân cho chuyến đi cao hơn thị trường gần do lưu trú dài ngày hơn, cao nhất lần lượt là Nga (1.830,1 USD với 15,33 ngày lưu trú), Anh (1.715,82 USD với 14,46 ngày), Mỹ (1.570,77 USD với 12,02 ngày), Australia (1.541,66 USD với 12,25 ngày), Pháp (1.443,28 USD với 12,76 ngày). Vậy nhưng, hiện nay Mỹ, Australia chưa có trong danh sách quốc gia được miễn thị thực. Trung Quốc, Mỹ, Úc, Canada nằm trong top 10 thị trường dẫn đầu về chi tiêu du lịch ra nước ngoài hiện cũng chưa có trong danh sách quốc gia được miễn thị thực vào Việt Nam.
Cho rằng việc tăng số nước miễn visa đơn phương là “át chủ bài” để tạo “bước nhảy” cho ngành kinh tế xanh Việt Nam phục hồi, TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch mong muốn Việt Nam có thể miễn visa cho toàn bộ khách từ các nước khu vực EU vì đây là đối tượng khách an toàn, văn minh. Đặc biệt có thể miễn thêm visa cho khách đoàn nước ngoài vào Việt Nam theo các sự kiện MICE, đánh golf dưới sự xác nhận của các đơn vị tổ chức...
Ông khẳng định: “Việc tăng số nước miễn visa đơn phương, kéo dài thời hạn các chương trình miễn thị thực đơn phương lên 5 năm để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và giới thiệu sản phẩm… là các yếu tố giúp doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội cạnh tranh với nhiều quốc gia trong khu vực”.
Trực tiếp làm việc với du khách quốc tế, CEO Wondertour Lê Công Năng nhấn mạnh, chính sách visa thông thoáng giống như “tấm thiệp mời” đối với du khách quốc tế. Với khách đến từ vùng hộ chiếu quyền lực, khả năng chi tiêu cao như châu Âu, Australia, Mỹ, Canada nên miễn visa đơn phương và kéo dài thời gian lưu trú để họ có thể đến Việt Nam dễ dàng, ở lâu, chi nhiều tiền và tận hưởng vẻ đẹp bất tận của Việt Nam.
Ông Năng đề xuất các cơ quan chức năng sớm cho phép miễn visa đơn phương và song phương cho công dân 80 quốc gia được cấp visa điện tử để tạo “cú hích” cho du lịch Việt Nam.
Là người gắn bó hơn 20 năm với ngành du lịch, doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Lux Group cũng cho rằng miễn thị thực đơn phương phải là “át chủ bài” hút khách quốc tế, nhất là các thị trường có sức chi trả cao đến Việt Nam.
Theo ông, Việt Nam muốn cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia, Singapore… hãy thực hiện chính sách visa thân thiện, miễn visa như họ hoặc mở rộng hơn họ nếu muốn cạnh tranh hơn. Cụ thể, tiến tới mở rộng diện miễn visa các thị trường mục tiêu châu Âu, Úc, New Zeland, Bắc Mỹ và châu Á như Ấn Độ.
“Chúng ta miễn visa không làm gì cũng có thêm khách quốc tế đến từ các thị trường trong khu vực như BKK, Kualumpur hay Singapore cho những kỳ nghỉ phút chót, khách nghỉ hè muốn đi nhiều nước, vui đâu ở đấy và chơi đấy. Với những thị trường khách xa, họ cũng có thể dê dàng kết hợp nhiều nước tạo thành một hành trình khám phá Đông Nam Á. Tương lai, cần miễn đơn phương tất cả những ai muốn đến thăm Việt Nam vì chúng ta coi trọng kinh tế du lịch, khách du lịch. Bởi, chính sách visa thể hiện quyết tâm đầu tiên và cụ thể nhất của ngành kinh tế mũi nhọn du lịch nếu Việt Nam muốn thành quốc gia du lịch”, CEO Phạm Hà nhấn mạnh.
Các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng, cùng với 3 nội dung về visa được các bộ báo cáo Chính phủ đệ trình Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội vào tháng 5 tới, nếu có thêm nội dung miễn visa cho các thị trường mục tiêu như châu Âu, Úc, New Zeland, Bắc Mỹ và ở châu Á thêm Trung Quốc, Ấn Độ hoặc tham vọng lớn hơn là miễn visa cho 80 quốc gia đang được cấp thị thực điện tử, thì nếu được thông qua, đây sẽ là “cú hích” mạnh mẽ để ngành kinh tế xanh “lội ngược dòng” trong cuộc đua hút khách quốc tế.