Doanh nghiệp
Đề xuất giám sát "từ xa, từ sớm" Chương trình Hỗ trợ phục hồi kinh tế
Khánh Linh - 05/12/2021 12:15
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề nghị có giải pháp giám sát Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để đảm bảo tính hiệu quả.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất Chương trình hỗ trợ tăng cường giám sát “từ xa, từ sớm” cho các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Cụ thể, Chương trình giám sát được thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư, với sự tham gia của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới nhằm hỗ trợ các cơ quan của Quốc hội giám sát thực thi gói chính sách kích cầu nền kinh tế vượt qua khủng hoảng với tôn chỉ “từ xa, từ sớm”. 

Chương trình này sẽ bao gồm giới thiệu mô hình mới về giám sát thực thi chính sách toàn diện và xuyên suốt bắt đầu ngay từ khâu xây dựng chính sách, thực hiện đào tạo nâng cao năng lực, cung cấp chuyên gia tư vấn và thực hiện tham vấn công - tư định kỳ nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất cho việc triển khai gói cứu trợ phục hồi kinh tế. 

Mô hình tiền kiểm được các nhà khoa học quốc tế đánh giá là tối ưu cho công tác giám sát chính sách, nâng cao tính khoa học, hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội. Đây cũng là mô hình hoạt động của Quốc hội tại các quốc gia phát triển.

Trong văn bản gửi tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, tổng ngân sách dành cho hoạt động này do World Bank tài trợ là 10 tỷ đồng và kéo dài trong 2 năm.

"Chúng ta cần rút kinh nghiệm trong việc thực thi các gói hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2009-2011, để tránh gây ra bất ổn kinh vễ vĩ mô", ông Đặng Hồng Anh giải thích.

Cùng với đề xuất trên, Hội Doanh nhân trẻ Việt nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem các doanh nghiệp đều khó khăn như nhau khi hỗ trợ tiếp cận tín dụng.

Với cơ sở hầu như doanh nghiệp nào cũng chịu tác động tiêu cực từ Covid-19, nên cần được xem xét là khó khăn như nhau, Hội Doanh nhân trẻ để nghị các doanh nghiệp được giãn nợ đồng loạt 6-12 tháng. Cùng với đó, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề nghị quyết định này cần ít đi kèm với điều kiện, không để xuống nhóm nợ.

"Có thể loại trừ doanh nghiệp trong các ngành vẫn hoạt động tốt trong đại dịch như ngành y tế, thực phẩm, sắt thép…", Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam gửi kiến nghị tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày 5/12, để tham gia góp ý cho các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Lý do của đề xuất trên là cho dù đã có Thông tư 14/2021/TT-NHNN quy định điều kiện giãn nợ trong vòng 12 tháng là rất kịp thời, nhưng nhiều hội viên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chưa hưởng lợi từ chính sách này.

Thông tư 14/2021/TT-NHNN, điều kiện tiên quyết là phải chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi Covid -19. Các doanh nghiệp cho rằng, quyền của ngân hàng là rất lớn và ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng trong việc đề xuất các khó khăn này, giãn nợ, cơ cấu lại nợ và không chuyển nhóm cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng, làm chậm trễ vấn đề hỗ trợ cho doanh nghiệp là hội viên của Hội.

“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tại địa phương hay UBND tỉnh, thành có hotline tiếp nhận thông tin doanh nghiệp và hỗ trợ làm việc với ngân hàng để trả lời trong 1 tuần”, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Cùng với đề xuất trên, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề nghị ưu tiên dành vaccine cho các tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp, địa phương sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu và mặt hàng xuất nhập khẩu trọng điểm của nền kinh tế, địa phương có điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Về giải pháp phát triển bền vững, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam gửi tới 8 vấn đề quan tâm, liên quan đến chính sách phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chính sách thu hút nhân tài...

Đặc biệt, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, tỷ lệ doanh nhân, trí thức trong Quốc hội cần tăng lên nhiều. "Hiện nay, tỷ lệ này quá thấp, không đảm bảo việc phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế", Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề nghị.

Tin liên quan
Tin khác