Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu lúa mỳ và ngô để giảm giá thức ăn chăn nuôi trong nước. |
Đề xuất này được Bộ Tài chính đưa ra tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, bao gồm lúa mỳ và ngô. Cụ thể, Bộ này trình Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mỳ, mã HS 1001.99.99 từ 3% xuống 0% và giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng ngô, mã HS 1005.90.90 từ 5% xuống 3%.
Giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mỳ, mã HS 1001.99.99 từ 3% xuống 0%.
Giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng ngô, mã HS 1005.90.90 từ 5% xuống 3%.
Theo Bộ Tài chính, đối với sản xuất trong nước, việc giảm thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng ngô nhìn chung sẽ không tác động lớn đến ngành nông nghiệp trong nước do trong nước chưa trồng được lúa mì và mặt hàng ngô trồng trong nước cơ bản cũng chỉ phục vụ cho người.
Trong khi đó, bên cạnh góp phần bình ổn giá, giảm giá thành đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, việc giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với ngô còn góp phần giảm giá cho ngành sản xuất khác như bánh kẹo, thực phẩm.
Qua đó, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong các ngành này vượt qua khó khăn do giá nguyên liệu tăng cao hiện nay. Đồng thời, góp phần cân bằng cán cân thương mại với các đối tác thương mại quan trọng của nước ta.
Đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, bao gồm lúa mỳ và ngô được Bộ Tài chính đưa ra trong bối cảnh từ tháng 10/2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu chính như ngô, lúa mì liên tục tăng cao với mức tăng trung bình từ 30-35%.
Việc tăng giá nguyên liệu chủ yếu do dịch Covid-19 tác động tới logistics toàn cầu kéo theo việc tăng giá mạnh cước vận chuyển nhiều loại hàng hóa. Bên cạnh đó, do sản xuất đang hồi phục ở nhiều quốc gia nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản gần đây đã tăng kỷ lục. Trong khi đó, tình trạng hạn hán ở một số quốc gia cũng đang có những ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất các mặt hàng này, dẫn đến giá tăng.
Giá nguyên liệu tăng kéo theo giá thức ăn chăn nuôi trong quý I/2021 tăng đáng kể so với quý IV/2020 và có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, khoảng 45-50% trang trại gia cầm lớn treo chuồng và khoảng 70-75% gia trại và số hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trong nước về sản phẩm gia cầm trong quý IV.
Trước đó, tại công văn số 09/VIPA ngày 7/6/2021, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam kiến nghị giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, Ủy ban ngũ cốc Hoa Kỳ cũng có văn bản kiến nghị giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng ngô và lúa mỳ xuống 0%. Tại cuộc họp ngày 23/6/2020 với Bộ Tài chính, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng đã có đề nghị giảm thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng này để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi trong nước.
Do phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu, dù giá nguyên liệu thế giới tăng, nhưng 6 tháng qua, cả nước đã nhập gần 2,5 tỷ USD thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 36,6% so với cùng kỳ, cộng với dầu mỡ, động thực vật gần 600 triệu USD, tăng 61% thì tổng chi nhập khẩu nhóm hàng này đã lên tới 3,1 tỷ USD.
Riêng chi nhập khẩu lúa mỳ đạt 2,355 triệu tấn, trị giá 651 triệu USD, tăng 57,4% về lượng và tăng 68,8% về trị giá. Nhập khẩu ngô đạt 5,424 triệu tấn, trị giá 1,459 tỷ USD, tăng lần lượt 26,1% và 61,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, chi ngoại tệ để nhập lúa mỳ và ngô đã lên tới 2,11 tỷ USD.