6 tháng đầu năm 2021, doanh thu xuất khẩu thức ăn chăn nuôi đã đạt hơn nửa tỷ USD. |
Giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng cao khiến nông dân thua lỗ nặng, nhiều hộ cận kề phá sản. Nguyên nhân của tình trạng giá tăng phi mã được các doanh nghiệp lý giải, do giá nguyên liệu nhập khẩu từ thế giới tăng cao. Tuy nhiên, trong cơn bão giá của nguyên liệu và giá thành phẩm, các doanh nghiệp sản xuất vừa thu được lãi đậm từ bán hàng trong nước và xuất khẩu.
6 tháng qua cùng với việc kinh doanh tốt tại thị trường nội địa nhờ giá bán sản phẩm tăng, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đã xuất khẩu trên nửa tỷ USD sang nhiều thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Campuchia...
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thức ăn chăn nuôi của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 523,88 triệu USD, tăng mạnh 52,7% so với 6 tháng đầu năm 2020. Riêng tháng 6/2021 đạt 105,64 triệu USD, tăng 44,3% so với tháng 6/2020.
Với đà tăng xuất khẩu như những tháng qua, cả mấy xuất khẩu thức ăn chăn nuôi sẽ vượt nâm 2020. Năm ngoái, lĩnh vực này đem về doanh thu hơn 800 triệu USD từ xuất khẩu, tăng 16,9% so với 2019.
Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi sang thị trường Trung Quốc, thị ttường lớn nhất 6 tháng đầu năm 2021 lên 188,3 triệu USD, tăng mạnh 124,3% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 35,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước..
Xuất khẩu sang thị trường Campuchia, thị trường lớn thứ 2 cũng tăng mạnh 41,7% so với cùng kỳ, đạt 74,81 triệu USD, chiếm 14,2% trong tổng kim ngạch.
Thị trường Mỹ vượt qua Ấn Độ lên xếp thứ 3 về kim ngạch, đạt 56,42 triệu USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ.
Với quy mô 10-12 tỷ USD, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang là “mảnh đất” màu mỡ của các doanh nghiệp ham gia ngành sản xuất này. Song ngoài bức tranh chung là sự thiếu tự chủ về nguồn nguyên liệu trong nước, thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang là khu vực nắm giữ “phần hồn” của thị trường.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tổng số 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay, có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp FDI, song sản phẩm của họ chiếm tới 65% thị phần; trong khi 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 35% thị phần.
Riêng Công ty CP Việt Nam chiếm hơn 20% thị phần, Công ty TNHH Cargill Việt Nam chiếm khoảng 9%, các doanh nghiệp như CJ (Hàn Quốc), De Heus, Japfa (Hà Lan), Haid (Singapore), Emivest (Malaysia); Greebfeed...cũng chiếm tỷ trọng đáng kể.
Đơn cử, Công ty CP Việt Nam với hệ thống nhà máy sản xuất "khủng" tại Việt Nam đạt doanh thu khoảng 3,5 tỷ USD, trong đó lợi nhuận đạt khoảng 966,7 triệu USD. Riêng mảng thức ăn chăn nuôi đạt doanh thu gần 900 triệu USD. Công ty CJ (Hàn Quốc) cũng đạt lợi nhuận hơn 5.100 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp chăn nuôi lớn khác Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco cũng đạt được mức lợi nhuận khủng. Năm 2020, Dabaco đạt doanh thu 10.022 tỷ đồng, tăng trưởng 39%, lợi nhuận ròng 1.400 tỷ đồng, gấp 4,6 lần năm 2019. Mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt 3.105 tỷ đồng, tăng 35%..
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, đẩy giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm 6 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh so với cùng kỳ 2020.
Cụ thể: thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt từ 60kg đến xuất chuồng tăng 14,6%; thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu tăng 14,4%; thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng tăng 12,1%. Xu hướng sẽ còn tăng khoảng 5% trong tháng 7/2021.
Trong khi đó, do phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu, dù giá nguyên liệu thế giới tăng, nhưng 6 tháng qua, cả nước đã nhập gần 2,5 tỷ USD thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 36,6% so với cùng kỳ, cộng với dầu mỡ, động thực vật gần 600 triệu USD, tăng 61% thì tổng chi nhập khẩu nhóm hàng này đã lên tới 3,1 tỷ USD.
Con số nhập khẩu này đã tăng rất mạnh so với cả năm 2020. Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2020, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi là 3,84 tỷ USD, tăng 3,75% so với năm 2019.