Game không phải là ngành có “doanh thu lớn, lợi nhuận cao” như nhận định của Bộ Tài chính. |
Doanh nghiệp kêu khổ
Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty VNG đã có báo báo tại Hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước quý I/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra cuối tuần trước về đề xuất của Bộ Tài chính sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có việc đưa game online vào đối tượng chịu loại thuế này.
Theo đó, ngành game dù đã có gần 20 năm phát triển, có nhiều nội dung phục vụ nhu cầu giải trí của khoảng 50% số lượng người dùng Internet tại Việt Nam, song đến nay, xã hội và cộng đồng vẫn có cái nhìn không thiện cảm với game.
Ông Minh đưa ra một số lý do mong muốn các bộ, ngành ủng hộ, thúc đẩy ngành game Việt Nam phát triển, trong đó có việc những game được chính thức phát hành tại Việt Nam đều đã được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) kiểm duyệt. Những nội dung bạo lực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa đều được loại bỏ trước khi cấp phép cung cấp đến người chơi; các game online cũng được phân loại, dán nhãn phù hợp với từng độ tuổi.
Mặt khác, quy mô ngành game Việt Nam hiện vẫn nhỏ mà một trong những lý do là để cung cấp một sản phẩm game ra thị trường, doanh nghiệp phải chịu rất nhiều chi phí. Theo tính toán, tỷ suất lợi nhuận trung bình của ngành game Việt Nam chỉ dao động khoảng 3 - 5% tùy theo mức độ thành công từng năm. Đây không phải là ngành có “doanh thu lớn, lợi nhuận cao” như nhận định của Bộ Tài chính.
Vì thế, ông Minh cho rằng, nếu doanh nghiệp ngành game bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm xuống và doanh nghiệp rất khó khăn trong quá trình hoạt động. “Các doanh nghiệp mong muốn được Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ để kiến nghị cơ quan chức năng không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game”, ông Lê Hồng Minh kiến nghị.
Bộ chủ quản nói gì?
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, game là ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển tốt của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng cách mạng công nghiệp 4.0. “Rất nhiều người đang lầm tưởng và có định kiến về game. Thực chất, ngành game không phải là chơi game, mà là hệ sinh thái sản xuất game, phát hành game và các hoạt động liên quan đến game”, ông Do nói.
Lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết thêm, ở nhiều nước, game là ngành công nghiệp không khói chủ lực trong thời đại 4.0. Còn ở Việt Nam, ngành game rất non trẻ, giá trị doanh thu nhỏ, chỉ khoảng 600 triệu USD, cần có chính sách hỗ trợ phát triển ngành này. Nếu tăng thuế và siết chặt, thì nhiều doanh nghiệp ngành này sẽ chuyển hoạt động ra nước ngoài và sẽ cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam.
“Trong khi đó, việc ngăn chặn game lậu, xuyên biên giới còn rất khó khăn do tính ‘phẳng’, không biên giới của Internet”, ông Do nói và khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông rất quan tâm và muốn có những chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này; khi Việt Nam chưa có chính sách ưu đãi, thì không nên áp thuế.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đưa ngành game ra khỏi Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã làm việc với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), phối hợp với các doanh nghiệp và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị về vấn đề này, trong đó nêu quan điểm rất rõ ràng về đề nghị đưa game online ra khỏi đối tượng áp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại Hội nghị, sau khi nghe báo cáo, phân tích của doanh nghiệp và lãnh đạo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử về những bất cập của đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế, có những sở cứ và lý luận đầy đủ, rõ ràng để kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ đưa game ra khỏi danh mục áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với các doanh nghiệp game lớn xây dựng báo cáo, trong đó lưu ý các nội dung: mở rộng nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của 220 nước đối với việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt ngành game; những hệ lụy nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game như liệu có làm tăng game lậu, khó quản lý và gây thất thu thuế hay không; ngành game đã mở rộng, không chỉ gồm game chơi, mà có cả các game giáo dục, lịch sử; bổ sung số liệu những game của công ty Việt Nam đang sản xuất và phát hành tại nước ngoài.