Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV ngày 31/10, Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, đồng bằng sông Cửu Long hiện có 57 cảng thủy nội địa, 3.988 bến thủy nội địa và 1.404 cảng bến. Tuy nhiên, 85% các cảng có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu phục vụ nhu cầu xếp dỡ hàng rời, thiếu các cảng chuyên dùng cho container, chưa có bến gom hàng cho các cảng thủy nội địa lớn trong vùng.
Hiện nay, nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của đồng bằng sông Cửu Long ước đạt khoảng 17 đến 18 triệu tấn 1 năm. Trong khi đó, cảng Cái Cui là cảng lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ mới tiếp nhận được tàu khoảng 3.000 - 5.000 tấn. Vì vậy, 70% đến 80% lượng hàng hóa xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long phải dồn hết lên cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh bằng đường bộ. “Điều này làm tăng áp lực giao thông đường bộ trên quốc lộ 1 và Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, chi phí hàng hóa tăng cao do vận chuyển và lưu kho”, ông Bình nói.
Đại biểu Thạch Phước Bình |
Bên cạnh đó, theo đại biểu tỉnh Trà Vinh, cảng Thành phố Hồ Chí Minh đã quá tải vì phải “gồng gánh” cho thành phố và đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, ông Bình đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc đầu tư xây dựng bến cảng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Bình, cảng Đình An - Trà Vinh đã khởi công xây dựng vào tháng 7/2019 với quy mô 120 hecta, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng với 3 bến cảng, dự kiến bến số 1 sẽ hoàn thành vào tháng 6/2020, bến số 2 và bến số 3 sẽ hoàn thành trong năm 2021.
“Khi hoàn thành đây sẽ là cảng vận chuyển hàng hóa lớn nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khi hoàn thành sẽ bảo đảm cho tàu có trọng tải từ 30.000 tấn đến 50.000 tấn. Về lâu dài được quy hoạch là cảng tổng hợp, cảng container tiềm năng cho tàu biển có trọng tải lớn, làm hàng xuất khẩu trực tiếp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất Trung ương xem xét quy hoạch cảng Định An - Trà Vinh vào hệ thống cảng biển Việt Nam. “Đây sẽ là cửa ngõ quốc tế phục vụ nhu cầu phát triển khu kinh tế Định An và nhu cầu xuất nhập khẩu cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của vùng”, ông Bình nói.
Từ các lập luận trên, ông Bình kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn dư của dự án luồng tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu khoảng 1.515 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện dự án luồng tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn hoàn chỉnh.