Đầu tư
Đề xuất tăng vốn “khủng” tại Dự án Nâng cấp, phục hồi cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở
Linh Đan - 27/06/2024 16:26
Công ty TNHH Thùy Dương đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 29 tỷ đồng lên đến 4.544 tỷ đồng đối với Dự án Nâng cấp, phục hồi cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở tại Lâm Đồng.
Một góc Khu du lịch hồ Than Thở, Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa có ý kiến về hồ sơ đề xuất điều chỉnh Dự án Nâng cấp, phục hồi cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở (do Công ty TNHH Thùy Dương làm chủ đầu tư).

Theo văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư, Công ty TNHH Thùy Dương đề nghị điều chỉnh mục tiêu Dự án Nâng cấp, phục hồi cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở từ “nâng cấp, phục hồi cảnh quan khu di tích thắng cảnh, sử dụng vào mục đích tổ chức các hoạt động tham quan, vui chơi ngoài trời” thành “nâng cấp, phục hồi cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở, sử dụng vào mục đích tổ chức các hoạt động tham quan, vui chơi ngoài trời; hình thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế và khu vực, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với không gian lễ hội hoa và ánh sáng đặc trưng của vùng đất Đà Lạt; đầu tư xây dựng các công trình đô thị nghỉ dưỡng, thăm quan giải trí,…nhằm phục vụ du khách trong nước và quốc tế đến lưu trú, thăm quan nghỉ dưỡng”.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, căn cứ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014) thì khu vực có diện tích khoảng 39 ha được xác định là đất công viên cảnh quan và mặt nước (hồ Than Thở), được định hướng là “công viên đô thị lớn nối kết cảnh quan rừng tự nhiên ngoài đô thị và các địa danh nổi tiếng, là nơi lý tưởng cho các sự kiện, lễ hội lớn, không gian bảo tồn, giáo dục và tham quan về sinh thái tự nhiên, không gian trưng bày, giáo dục và tổ chức các hoạt động về văn hóa - nghệ thuật, không gian cho các sự kiện về thể dục thể thao”) là phù hợp.

Đối với khu vực còn lại có diện tích khoảng 79 ha (chưa được giao đất) được xác định là đất cây xanh cảnh quan và đất du lịch hỗn hợp (được định hướng chức năng “du lịch nghỉ dưỡng cao cấp” với các cơ sở lưu trú dạng resort cao cấp). Do đó, Sở Xây dựng cho rằng, mục tiêu điều chỉnh này là cơ bản phù hợp. Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị không đề cập đến việc “hình thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế và khu vực” do không được định hướng trong quy hoạch chung; đồng thời sử dụng từ ngữ phù hợp với định hướng chức năng “resort nghỉ dưỡng” thay vì “công trình đô thị nghỉ dưỡng”.

Theo văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư, Công ty TNHH Thùy Dương đề nghị điều chỉnh quy mô dự án khoảng 118 ha, bao gồm 31,5 ha khu vực I (bảo vệ di tích), 86,5 ha khu vực II (nâng cấp, tôn tạo, khai thác,…) gồm các giai đoạn thực hiện cụ thể, tuy nhiên chưa có các nội dung về quy mô dự án đối với khu vực có diện tích khoảng 39 ha theo nội dung Quy hoạch chi tiết đã được UBND thành phố Đà Lạt phê duyệt tại Quyết định số 3151/QĐ-UBND ngày 20/10/2023 nhưng chưa xác định rõ quy mô đầu tư xây dựng công trình tại khu vực 39 ha.

Vì vậy, Sở Xây dựng đề nghị bổ sung quy mô đầu tư xây dựng công trình dự án theo đồ án quy hoạch chi tiết đã phê duyệt; chỉ tiêu tầng cao theo đề xuất tại Bảng 3 (trang 19, Thuyết minh dự án) có một số hạng mục tầng cao 3 tầng là chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết; bổ sung chỉ tiêu quản lý chiều cao đối với hạng mục “công trình biểu tượng”.

Đối với khu vực có diện tích khoảng 79 ha (chưa được giao đất), Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho rằng chưa có cơ sở để xem xét sự phù hợp do chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt.

Công ty TNHH Thùy Dương đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 29.637.000.000 đồng thành 4.544.157.402.000 đồng, trong đó phương pháp xác định sơ bộ tổng mức đầu tư các công trình được xác định theo đơn giá tạm tính do đơn vị cung cấp là chưa phù hợp về quản lý chi phí theo quy định (Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ).

Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hiện trạng khu vực đã có tuyến đường Hồ Xuân Hương (lộ giới 20m) ngang qua khu trung tâm dự án; tuyến điện 22KV với điểm đấu nối phía Bắc dự án; đường ống cấp nước PVC DN100 đấu nối với cụm bể Tây Hồ; cống thoát nước mưa vào suối hiện trạng nên thuận tiện về đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước mặt) của dự án.

Phương án lắp đặt tuyến ống nước thải riêng, đấu nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Đà Lạt là phù hợp, tuy nhiên giải pháp thu gom cần đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định, tuyệt đối không để nước thải rò rỉ ra môi trường đặc biệt là vào nguồn nước hồ Than Thở.

Theo nhìn nhận của Sở Xây dựng, Dự án Nâng cấp, phục hồi cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở thuộc khu vực thượng nguồn hồ Than Thở nên cần có giải pháp bảo vệ, không được có các hoạt động phát thải gây ô nhiễm nguồn nước.

Vì thế, Sở Xây dựng đề nghị chủ đầu tư bổ sung cao độ nền, hạn chế tối đa việc san gạt địa hình tự nhiên; độ dốc dọc các tuyến đường giao thông có xe chạy đảm bảo ≤10%; đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và cập nhật số liệu khí tượng thủy văn trong các năm gần đây (số liệu được cơ quan có thẩm quyền cung cấp) làm cơ sở tính toán phương án thoát nước (lưu ý tính toán cho cả các lưu vực nước xung quanh đổ về); nghiên cứu bố trí hồ lắng thu gom nước mặt để chủ động trong điều tiết nước khi cần thiết và bảo vệ môi trường; liên hệ với các đơn vị quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu vực (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin) để thỏa thuận phương án đấu nối; bổ sung nội dung đánh giá công tác bảo vệ môi trường, an toàn phòng cháy và chữa cháy (lấy ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý chuyên ngành).

Về khả năng kết nối giao thông của dự án với các vùng lân cận, phương án kết nối, đấu nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hiện tại, Dự án Nâng cấp, phục hồi cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở chỉ kết nối với các vùng lân cận thông qua tuyến đường Hồ Xuân Hương, phía Bắc dẫn ra ngoại thành Thành phố Đà Lạt (phường 11, 12) có mật độ dân cư thấp, lưu lượng phương tiện giao thông chưa cao nên cơ bản ít ảnh hưởng.

Tuy nhiên, phía Nam tuyến đường kết nối với trung tâm thành phố Đà Lạt, khi lượng du khách, phương tiện giao thông tăng cao và đi vào trung tâm thành phố sẽ làm tăng áp lực lên hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị.

Hiện trạng hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị thành phố Đà Lạt đang có dấu hiệu quá tải, chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển đô thị (những năm gần đây xuất hiện một số điểm ùn tắc giao thông cục bộ, một số điểm ngập cục bộ).

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều giải pháp khắc phục (như mở rộng đường, xây dựng đường vành đai, mở mới nhiều tuyến đường nội thị, lắp đặt đèn tín hiệu, phân luồng giao thông, mở rộng kênh mương, cải tạo hồ điều hoà,…); đồng thời đã có chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển đô thị Đà Lạt theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện môi trường; trong đó đã có tính toán việc đáp ứng cho sự phát triển, gia tăng các dự án theo quy hoạch (bao gồm Dự án nâng cấp, phục hồi cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở).

Tin liên quan
Tin khác