Năm 2022, số lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt. |
Báo cáo việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội.
Thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo này là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng .
Liên quan đến yêu cầu thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, Bộ trưởng nêu một số “kết quả đáng được ghi nhận”.
Như, chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52/117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019 (theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới). Đây là mức tăng cao thứ 3 thế giới, sau Indonesia (tăng 12 bậc) và Ả rập Xê út (tăng 10 bậc).
Du lịch Việt Nam liên tiếp nhận nhiều giải thưởng danh giá và những đánh giá, xếp hạng cao của các tổ chức quốc tế. Trong đó Việt Nam đạt giải thưởng điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2019, 2020, 2022…
Năm 2022, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3,66 triệu lượt khách, số lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 495 nghìn tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã đón và phục vụ 8.9 triệu lượt khách quốc tế (đạt khoảng 111% kế hoạch năm đề ra), 93.5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 536,5 nghìn tỷ đồng.
Người đứng đầu ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế. Đó là, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, việc phối hợp của các bộ, ban, ngành và địa phương còn xuất hiện tình trạng chưa được thống nhất, thiếu tính nhất quán và toàn diện.
Cơ sở dữ liệu của ngành du lịch hiện đang trong quá trình đầu tư, xây dựng, chưa hoàn thiện.
Sự liên kết, hợp tác cùng phát triển du lịch giữa các vùng, địa phương hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Công tác quản lý điểm đến tại các địa phương còn một số hạn chế, tồn tại (ô nhiễm môi trường, tình trạng “chặt”, “chém” du khách…).
Thời gian tới, Chính phủ cho biết sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia. Xây dựng Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023- 2025 và các năm tiếp theo.
Giải pháp nữa được đề cập là nghiên cứu ban hành chính sách về an sinh xã hội; chính sách về đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, thành lập Hội đồng chứng nhận nghề du lịch.
Chỉ đạo rà soát, kiến nghị các chính sách tài chính, thuế, hải quan để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, nâng cao năng lực, thu hút khách du lịch quốc tế.
Triển khai các giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam; tăng thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các phương thức vận tải quốc tế như đường không, đường biển, Chính phủ cho hay.
Chính phủ cũng đề xuất xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo hướng đưa du lịch thành ngành nghề ưu đãi, khuyến khích đầu tư cũng như là lĩnh vực được triển khai phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP).
Xem xét, sửa đổi Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tạo điều kiện thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài, cũng là đề xuất được nêu tại báo cáo.
Đánh giá chung, Chính phủ cho rằng, trước yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch còn đối diện một số khó khăn, vướng mắc.
Trong đó có khó khăn là các quy định của pháp luật hiện hành về huy động nguồn lực cho thấy văn hóa chưa hoàn toàn là ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích, như: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 quy định chỉ có 5 lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP, trong đó không có lĩnh vực văn hóa.
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là các khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai…, không có lĩnh vực văn hoá., Chính phủ nhìn nhận.
Việc phát triển du lịch, phát triển công nghiệp văn hoá gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa - lịch sử, cũng là khó khăn được nêu tại báo cáo.