Đầu tư
Đề xuất ưu đãi nhiều hơn cho dự án du lịch xanh
Phú Khởi - 01/07/2015 22:21
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh vùng ĐBSCL vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng để thu hút đầu tư phát triển du lịch xanh thì Nhà nước cần ban hành cơ chế chính sách cụ thể hơn đối với lĩnh vực này.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho phát triển du lịch xanh, điển hình như Quyết định 24/2012/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020, trong đó (điều 10) cho phép các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội nghị

 

Hay như quy định tại Khoản 2, Điều 30, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ cũng khuyến khích việc chuyển giao vào Việt Nam công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn và công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên; khuyến khích việc đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và  sử dụng công nghệ.

Tuy nhiên, ông Biên cũng thừa nhận, chính sách thu hút đầu tư du lịch xanh thời gian qua chưa thật sự hấp dẫn, quy trình thủ tục xem xét phê duyệt dự án đầu tư vào du lịch xanh còn phiền hà, năng lực quy hoạch phát triển du lịch xanh còn hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế trên, ông Biên đề xuất trong thời gian tới cần nâng cao năng lực tư vấn quy hoạch du lịch xanh, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia, nhà chuyên môn du lịch; tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển du lịch xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của vùng. Những chính sách này trước hết tập trung cải cách hành chính trong đăng ký kinh doanh, ưu đãi về thuế, tăng thời gian sử dụng đất đai cho vòng đời dự án, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng đến vùng dự án.

Đại diện ngân hàng ký kết tài trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư du lịch xanh tại ĐBSCL.

 

Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cũng cho biết, tình hình thu hút đầu tư vào khu vực ĐBSCL nói chung, lĩnh vực du lịch nói riêng trong thời gian qua còn rất khiêm tốn. Về đầu tư kết cấu hạ tầng dùng chung cho vùng bằng Ngân sách giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 467 tỷ đồng, mức bình quân mỗi năm chưa đến 100 tỷ đồng.

Tính đến nay, cả vùng có khoảng hơn 1.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 12 tỷ USD, chiếm 5% về dự án và 2,2% về vốn so với cả nước, đứng thứ 4/7 vùng. Trong đó, riêng lĩnh vực chỉ có 30 dự án, với vốn đăng ký 200 triệu USD, chiếm 2,9% về dự án và 1,6% về vốn FDI vào vùng này.

Về nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển chính thức (ODA) trong giai đoạn 2010-2015, cả vùng thu hút được 4 dự án trong lĩnh vực du lịch với tổng vốn 80,4 triệu USD, nhưng chưa có dự án dành cho phát triển tổng thể du lịch. Số địa phương được thụ hưởng chỉ là một vài tỉnh nằm trong Hành lang kinh tế Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Theo Thứ trưởng Hiếu, để có cơ sở phát triển và thu hút đầu tư vào du lịch của vùng thì cần tăng cường đầu tư cho phát triển du lịch đảm bảo đủ từ 8-10% trong cơ cấu vốn đầu tư từ ngân sách; tăng cường huy động nguồn vốn ODA cho dự án thích ứng biến đổi khí hậu kết hợp phát triển du lịch và huy động tối đa nguồn vốn của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư cho phát triển du lịch.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhận định, du lịch nước ta có rất nhiều tiềm năng để phát triển, trong đó yếu tố về ổn định chính trị, đảm bảo về trật tự an toàn xã hội là một lợi thế rất lớn. Riêng ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch xanh. Tuy nhiên, tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng, nếu không có đầu tư về trí tuệ, về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tài chính và công nghệ. Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN ở các khâu thủ tục hành chính đầu tư, nguồn vốn phát triển và công nghệ để hỗ trợ hiệu quả hoạt động của các DN.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần quy hoạch sản phẩm đặc thù,; xây dựng kế hoạch huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng; liên kết các địa phương để hạn chế khai thác du lịch chồng tréo, trùng lắp; phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ môi trường , đào tạo phát triển đội ngũ làm du lịch, nâng cao nhận thức cộng đồng để làm thế nào mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch.

Tại hội nghị này, đại diện các Ngân hàng cũng đã ký kết tài trợ 980 tỷ đồng vốn tín dụng cho 3 dư án phát triển du lịch tại TP.Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang. Các địa phương: Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau cũng đã trao giấy CNĐT cho 3 dự án đầu tư phát triển thương mại-du lịch với tổng đăng ký gần 2.000 tỷ đồng.

 

Tại hội nghị XTĐT vào du lịch xanh ĐBSCL, 13 địa phương trong vùng đã mời gọi đầu tư vào 62 dự án trọng điểm du lịch với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 12.000 tỷ đồng và 715 triệu USD.

 

Tin liên quan
Tin khác