- Tháng 4/2024, kinh tế TP.HCM duy trì tăng trưởng tốt, nhưng chưa có cú hích đủ mạnh
- TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp tìm quỹ đất để chuyển đổi công năng 5 khu công nghiệp
- KTS Ngô Viết Nam Sơn: Định hình lại không gian đô thị TP.HCM cần đẩy mạnh "liên kết mềm"
- TP.HCM tái định vị công nghiệp và chiến lược cốt lõi
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2024 của UBND TP.HCM chiều 3/5, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố nhìn nhận, dù tăng trưởng kinh tế Thành phố trong tháng 4 vẫn tiếp đà tốt, nhưng đã xuất hiện một số dấu hiệu chậm lại.
Trong đó phải kể đến là kết quả giải ngân đầu tư công. "Sau nước rút về đích cuối năm 2023 và nỗ lực quý I/2024 thì kết quả giải ngân đến tháng 4 vẫn rất thấp", ông nói đồng thời yêu cầu từng cơ quan phải nghiêm túc, kiểm điểm để có giải pháp. Vì giải ngân đầu tư công tác động trực tiếp vào tăng trưởng của Thành phố.
Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước thành phố, tính đến ngày 26/4, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 mà TP.HCM đã giải ngân chỉ mới được hơn 5.969 tỷ đồng, đạt 7,5% số vốn được giao. Trong khi Thành phố được giao khoảng 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Do đó, số vốn còn lại trong những tháng còn lại của năm 2024 là rất lớn.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, từ nay đến cuối năm 2024, mỗi tháng Thành phố phải giải ngân ít nhất 10.000 tỷ đồng. Do đó, ông giao Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công hàng ngày, hàng tuần.
Đồng thời đề nghị các sở, ngành, địa phương căn cứ vào Chương trình hành động về đầu tư công để tiếp tục khẩn trương triển khai các đầu việc. Riêng đối với các chủ đầu tư, ông Mãi đề nghị phải lên kế hoạch giải ngân hàng tháng và giám sát kế hoạch đó.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng quý I tăng trưởng tốt, nhưng sang quý II có duy trì được không thì cần phải nỗ lực nhiều hơn và có giải pháp. Ảnh: TTBC TP.HCM |
Đối với các dự án chuyển tiếp, người đứng đầu chính quyền Thành phố cũng đề nghị hết sức tập trung. Nhất là cần phải xem lại các dự án chuyển tiếp từ năm 2022, 2023 nhưng 4 tháng đầu năm khối lượng giải ngân rất thấp, thậm chí có những dự án đấu thầu từ cuối năm 2023 nhưng đến giờ này gần như chưa có khối lượng thi công.
Ngoài ra, ông cũng yêu cầu các chủ đầu tư xử lý các nhà thầu chậm tiến độ. “Ví dụ như Tập đoàn Thuận An vừa rồi, có tiếp tục thi công nữa hay không?”, ông Mãi nêu vấn đề.
Theo ông Mãi, nếu Tập đoàn Thuận An tiếp tục thì các chủ đầu tư, cụ thể là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị phải giám sát chặt chẽ, có báo cáo tiến độ mỗi ngày để đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Nếu như Tập đoàn Thuận An không tiếp tục thì những thành viên còn lại của liên doanh có tiếp tục được không? nếu không phải tính phương án khác.
“Ngay khi có sự cố này xảy ra, Thành phố đã họp với chủ đầu tư, rà soát lại công tác đấu thầu, kiểm tra lại khả năng thực hiện tiếp dự án của nhà thầu, rà soát lại tài chính và các vấn đề có liên quan để xử lý”, ông cho biết.
Ông Mãi cũng cho biết vừa rồi, ông đã chủ trì cuộc gặp với các nhà thầu. Qua đó khẳng định rõ quan điểm của TP.HCM là sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công, thậm chí vật liệu có tăng giá nhưng hợp lý thì sẵn sàng cho đàm phán, ký thêm phụ lục hợp đồng. Tuy nhiên, trách nhiệm chuẩn bị vật liệu là của nhà thầu.
Tháng 5, tháng 6 là thời gian quyết định của dự án Vành đai 3
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết trong thời gian còn lại của năm, mỗi tháng Ban phải giải ngân 1.200 tỷ đồng, riêng dự án Vành đai 3 là 500 tỷ đồng mỗi tháng.
Ban Giao thông đã xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp và hầu như là thi công xuyên lễ từ Tết, đặc biệt là tranh thủ thi công trước mùa mưa.
Ông Phúc cho rằng, tháng 5, tháng 6 này sẽ là thời gian quyết định của dự án Vành đai 3 TP.HCM. Trong đó, yêu cầu bắt buộc là phải tập kết cát đầy đủ về các công trường để từ tháng 6/2024 để bắt đầu quá trình xử lý các nền đất yếu, gia tải...
"Việc này tốn khoảng 10 – 12 tháng và đến tháng 6/2025 phải hoàn tất để từ tháng 6 – 12/2025 hoàn tất thi công mặt đường, tổ chức giao thông và chuẩn bị thông xe 4 làn xe chính", ông nói.
Để đảm bảo lượng cát về kịp thời, Ban đã đề nghị các nhà thầu thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng, tìm nguồn, kể cả mua từ Campuchia để đảm bảo lượng cát gia tải. Ban bám sát tổ công tác đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ thành lập để giải quyết nguồn cát.
Tin mừng là có 27/40 mỏ cát được khảo sát đã đạt yêu cầu với tổng trữ lượng 37 triệu m3. Trong đó có một số mỏ cát lớn như tại sông Ba Lai (Bến Tre) với 10 triệu m3, 6 mỏ cát ở Tiền Giang với 6 triệu m3.
“Dự án Vành đai 3 chỉ cần tối đa 10 triệu m3 cát nên vấn đề thách thức hiện nay là phải rút ngắn các thủ tục để cát về kịp thời. Hiện Ban đang bám sát tổ công tác và cũng đã báo cáo UBND Thành phố để có những kiến nghị cụ thể giúp đẩy nhanh các thủ tục về khai thác cát, đặc biệt là từ sông Ba Lai, các mỏ tại Tiền Giang và một số mỏ đang khai thác của Vĩnh Long để đưa về ngay trong tháng tháng 5, 6 này”, ông Phúc cho hay.