Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Các lựa chọn giải pháp tài chính cho rủi ro thiên tai ở Việt Nam” do hai bên phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổ chức vào ngày 20/3 tại Hà Nội.
Thiệt hại do thiên tai hàng năm của Việt Nam lên tới hàng tỷ USD
Một trong những nội dung quan trọng đang được hai bên nghiên cứu để việc thành lập quỹ bảo hiểm rủi ro thiên tai. Đây là một dạng quỹ tài sản chung, do nhiều công ty bảo hiểm đóng góp, chuyên để bảo hiểm cho các rủi ro lớn, vượt quá khả năng chi trả của một nhà bảo hiểm riêng lẻ. Theo trình bày của Swiss Re, hình thức này đã được áp dụng ở rất nhiều quốc gia, khu vực. Chẳng hạn, Mexico từng vận hành Quỹ Multicat, bảo hiểm cho các rủi ro liên quan đến động đất và bão, với sự tham gia của các bên như Ngân hàng Thế giới (WB), Swiss Re; Caribbean vận hành Quỹ CCRIF, bảo hiểm cho rủi ro liên quan đến bão và động đất, với sự tham gia của WB, Swiss Re và một số công ty tái bảo hiểm quốc tế khác. Hay tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Quỹ PDRIF do WB, Ngân hàng Phát triển châu Á, Bộ Tài chính Nhật Bản tham gia vận hành đã cung cấp đơn bảo hiểm thí điểm cho 5 quốc đảo (gồm quần đảo Marshall, đảo Samoa, quần đảo Solomon, đảo Tonga và đảo Vanuatu). Ngoài ra, mô hình quỹ bảo hiểm cũng đã được vận hành ở nhiều các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan…
Các quỹ bảo hiểm kể trên đều được vận hành dưới dạng bảo hiểm chỉ số (parametric insurance), một loại bảo hiểm mà theo đó, số tiền bồi thường thiệt hại sau một sự kiện được xác định bởi một chỉ số đo lường thiệt hại đã được thỏa thuận trước (ví dụ cường độ động đất, mật độ mưa). Loại hình bảo hiểm này khác với bảo hiểm truyền thống - thường bồi thường trên cơ sở xác định những thiệt hại thực tế. Quỹ CCRIF chọn mức bảo hiểm không quá mức tổng giới hạn 100 triệu USD, trong khi đó quỹ PDRIF chọn phạm vi bảo hiểm cho 5 quốc đảo là 45 triệu USD.
“Quỹ bảo hiểm là giải pháp cho bảo hiểm và tái bảo hiểm thiên tai,” ông Thomas Kessler, Phó tổng giám đốc Vinare và là cựu Giám đốc phụ trách Property & Specialty của Swiss Re nói.
Báo cáo cuả Swiss Re nhận định, Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu và tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp. Số liệu thống kê của Liên hợp quốc trong giai đoạn 1990 - 2010 cũng cho thấy, Việt Nam đứng thứ sáu trong số các nước chịu thiệt hại do thiên tai lớn nhất, với 445 người chết và thiệt hại trung bình 1,8 tỷ USD/năm. Trong khi đó, WB cảnh báo các thiệt hại liên quan tới thiên tai tại Việt Nam sẽ tăng trong tương lai, do cơ sở hạ tầng và con người ngày càng tập trung ở các khu vực dễ bị tổn thương, như khu vực đồng bằng và ven biển. Swiss Re cũng phân tích, việc xây dựng ồ ạt các công trình giao thông, thủy lợi, các hệ thống thủy điện, các công trình xây dựng dân dụng, các khu công nghiệp đang làm trầm trọng hơn các tác động tiêu cực của các hiện tượng thiên nhiên đối với Việt Nam.
Trước bối cảnh đó, sự hợp tác, phối hợp trong việc nghiên cứu giải pháp bảo hiểm thiên tai giữa Vinare và Swiss Re đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của Chính phủ. Trước khi Hội thảo chính thức diễn ra, tại buổi tiếp đại diện Swiss Re, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh bày tỏ, trên cơ sở những nghiên cứu, đề xuất của Vinare và Swiss, Chính phủ sẽ xem xét và có chính sách hỗ trợ đối với việc triển khai bảo hiểm thiên tai.
Đại diện Vinare cho biết, sau buổi Hội thảo, hai bên sẽ phối hợp cùng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiến hành các công việc tiếp theo để xúc tiến việc thành lập Quỹ bảo hiểm rủi ro thiên tai cho Việt Nam. Bên cạnh đó, trong năm 2013, Vinare cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, các tổ chức bảo hiểm trong và ngoài nước cũng để xây dựng và phát triển các giải pháp về khung pháp lý cũng như tiếp thu kinh nghiệm từ thị trường bảo hiểm trong khu vực để xây dựng kịch bản bảo hiểm thiên tai cho Việt Nam.
Thay vì khắc phục hậu quả, nên có giải pháp phòng ngừa thiên tai từ trước Ông Ivo Mensinger, Phụ trách thị trường Châu Á, Uỷ ban Hợp tác Quốc tế, Swiss Re Các giải pháp mà các quốc gia đối phó với các rủi ro quy mô lớn, chủ yếu là các rủi ro thiên tai. Tại Thái Lan, lũ lụt đã khiến các khu công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề và Chính phủ nước này đã thực sự lo ngại về khả năng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn, đầu tư sang các quốc gia khác. Để tạo dựng niềm tin đối với nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ mỗi nước cần có biện pháp giảm thiểu thiệt hại nếu thiên tai xảy ra. Vì vậy, bảo hiểm thiên tai rất quan trọng đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài. Thường thì Chính phủ sẽ có các biện pháp hỗ trợ khi thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, thay vì đi phục hồi, tái thiết khi thiên tai đã xảy ra thì nên có các giải pháp tài chính để giảm thiểu rủi ro xảy ra, hậu quả sẽ bớt nặng nề hơn. Ở một số quốc gia, việc phân bổ lại ngân sách đã duyệt là rất khó. Khi thiên tai xảy ra, nếu Chính phủ không có giải pháp từ trước, hoặc có khoản dự phòng thì sẽ phải đi vay để khắc phục hậu quả thiên tai. |
Hải Lan
Theo ĐTCK