Doanh nghiệp
Dệt may đỏ mắt tìm đơn hàng xuất khẩu
Thế Hải - 25/11/2016 15:10
Dệt may, ngành hàng xuất khẩu lớn thứ 2 Việt Nam đã phải hạ chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2016 và dự liệu sẽ còn khó đến hết quý III/2017.

Giá xuất khẩu giảm đến 40%

Sở hữu 10 dây chuyền may, với 800 công nhân, thời điểm này, lượng đơn hàng xuất khẩu tại Công ty CP Xí nghiệp May Bỉm Sơn (Thanh Hóa) vẫn đảm bảo để công nhân có việc làm và để cán đích doanh thu 5 triệu USD đề ra từ đầu năm.

Tuy nhiên, khi đề cập lợi nhuận năm 2016, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ: “Đơn hàng khan hiếm do bị cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu dệt may như Myanmar, Bangladesh, Campuchia. Do vậy, khi chốt được với khách, giá còn bị giảm đi từ 10 - 40%”. Là doanh nghiệp chuyên gia công hàng thời trang, chưa bao giờ chứng kiến sự giảm giá khủng khiếp đến vậy, nhưng dù giá có giảm thì vẫn phải làm để có doanh thu, chấp nhận lợi nhuận thấp. 

Tăng trưởng xuất khẩu 10 tháng qua của ngành dệt may giảm mạnh chỉ còn 5%

Dẫn chứng cho sự sụt giảm này, ông Dương cho hay, năm ngoái, mã hàng đầm CK xuất đi Mỹ, Công ty ký gia công được 2,8 USD/đơn vị, nhưng năm 2016 chỉ còn 1,8 USD/ đơn vị, thấp nhưng vẫn không dám từ chối khách hàng. Các mã hàng khác cũng trung bình giảm từ 10 - 20% càng kéo lợi nhuận đi xuống.

Nằm trong số các nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, với quy mô xuất khẩu 30 tỷ USD, sau 10 năm tăng trưởng xuất khẩu luôn ở mức 2 chữ số, thì khó khăn của dệt may trong năm nay khiến không ít doanh nghiệp sốc nặng. Tăng trưởng xuất khẩu 10 tháng qua chỉ còn 5%, phải hạ chỉ tiêu xuất khẩu từ 30-31 tỷ USD xuống còn 28,5-29 tỷ USD. Từ chỗ được các nhà nhập khẩu “chọn mặt gửi vàng”, nay họ bỏ đi, nếu ở lại thì cò kè hạ giá, đó là thực tế buồn của dệt may Việt Nam.

Đề cập đến nguyên nhân này, các doanh nghiệp dệt may cho rằng, chung quy vẫn là bài toán kinh tế. Giá nhân công các nước Bangladesh, Myanmar, Campuchia... không thấp hơn nhiều so với Việt Nam, điểm “hấp dẫn” là họ được ưu đãi, nên kéo được nhiều khách đặt hàng. Chẳng hạn, khi xuất khẩu sang EU, Myanmar nhận mức thuế nhập khẩu bằng 0%, còn Việt Nam là 9,6%. Bangladesh, Myanmar cũng được ưu đãi thuế nhập khẩu vào Mỹ khi nhiều mặt hanàng có mức thuế bằng 0%, hoặc thấp hơn mức thuế  17% của Việt Nam.

Còn khó hết quý III/2017

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) dự báo, ngành dệt may sẽ tiếp tục gặp khó đến hết quý III/2017. Đơn hàng xuất khẩu sẽ tiếp đà giảm ở hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ và EU. Ngay thị trường ổn định lâu nay là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có mức tăng rất chậm.

Khó trong lẫn ngoài là nhận định của nhiều doanh nghiệp dệt may. Trước mắt, ngay từ đầu năm 2017, doanh nghiệp phải lo chi phí lương, do mức lương tối thiểu vùng chính thức áp dụng từ 1/1/2017 tăng 7,3%. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) cho hay,  với hơn 1 vạn lao động, Công ty dự tính phải tăng thêm mỗi tháng 1 tỷ đồng để trả lương. Còn Công ty CP Xí nghiệp May Bỉm Sơn dự tính cũng tăng khoảng 1 tỷ đồng trong năm 2017 tiền lương .

Trước hàng loạt khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu dệt may, các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, trong khi chưa có được lợi thế về ưu đãi thuế như các quốc gia xuất khẩu khác, mỗi doanh nghiệp phải tự tìm giải pháp để kéo khách hàng, trong đó, chất lượng sản phẩm và thời hạn giao hàng phải đặt lên hàng đầu.

Theo ông Dương, các nhà cung ứng trong nước phải tiếp tục duy trì chất lượng hơn hẳn các nước khác. Quan trọng hơn, doanh nghiệp cần sẵn sàng thích ứng để thay đổi, đáp ứng yêu cầu mới của khách hàng. “Nếu khó khăn kéo dài, những doanh nghiệp do kết quả kinh doanh quá kém phải đóng cửa”, ông Dương nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác