Bận rộn
Văn phòng đại diện của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) tại New York (Mỹ) đang phát huy hiệu quả rất tốt với việc ký kết các hợp đồng lớn từ các khách hàng nổi tiếng như Nike, A&F và đang xúc tiến với khách hàng lớn là GIII.
Đây là thông tin mới nhất về hoạt động tìm kiếm khách hàng của một trong những doanh nghiệp dệt may lớn tại phía Bắc.
Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 9,11 tỷ USD trong 8 tháng năm 2018 |
Trong 8 tháng của năm 2018, TNG đã chạm doanh thu 2.359 tỷ đồng, hoàn thành 86% kế hoạch năm 2018, lợi nhuận sau thuế gần 117,7 tỷ đồng, tăng kỷ lục 154% so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 93% kế hoạch cả năm 2018.
Kết quả kinh doanh này có được sau những nỗ lực sản xuất, kinh doanh, khai phá thị trường của TNG.
Trong cơ cấu xuất khẩu của TNG, thị trường Mỹ chiếm 33,7% trong tổng giá trị xuất khẩu, vì lẽ đó, đầu tư mở văn phòng đại diện tại New York được xem là bước đi chắc chân của TNG, tiếp cận trực tiếp với các nhà mua hàng, giảm khâu trung gian.
“Dựa vào hoạt động kinh doanh hiện có và đơn hàng đã ký, dự kiến cả năm 2018, TNG sẽ chạm đích doanh thu 3.450 tỷ đồng, tăng 125%, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 157 tỷ đồng, tăng gần 124%”, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG cho biết.
Cơ sở để lãnh đạo TNG tự tin cán đích những con số nêu trên là bởi đặc thù của kinh doanh dệt may. Quý III và quý IV hàng năm là khoảng thời gian có nhiều ngày lễ lớn trên thế giới như Noel, đón mừng năm mới…, nên doanh thu của doanh nghiệp tăng so với đầu năm, kéo theo lợi nhuận tương ứng và quan trọng nữa là TNG đang sở hữu hệ thống sản xuất bề thế, có thâm niên xuất khẩu.
Với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 20 tỷ USD trong 8 tháng của năm 2018, tăng 16,9%, tương ứng tăng 2,86 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó, thị trường Mỹ chiếm gần 50%, xuất khẩu dệt may ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây.
Ngành dệt may trong các tháng cuối năm dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi, đặc biệt với những diễn biến mới của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ.
Kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cũng rất khả quan. 8 tháng của năm 2018, TCM đạt doanh thu hơn 2.467 tỷ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 8 tháng đạt khoảng 7,9 triệu USD, tương đương 185,65 tỷ đồng, bằng 98% kế hoạch năm 2018.
Ban lãnh đạo TCM cho biết, mục tiêu đạt 3.166 tỷ đồng doanh thu và 189,45 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đã rất gần, nhờ chuyển sang tập trung tiêu thụ nội bộ và mở rộng ở mảng vải và hàng may mặc.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), với tín hiệu thị trường như hiện nay, ngành dệt may có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 35 tỷ USD vào cuối năm nay.
Xuất khẩu sang Mỹ sẽ đạt 14 tỷ USD
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ngành dệt may Việt Nam là một trong những ngành có cơ hội nhiều nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Dù vậy, các cơ hội đó vẫn đang ở thì tương lai, bởi thuế mà Mỹ áp lên hàng dệt may Trung Quốc nằm trong gói 200 tỷ USD hàng hóa, có hiệu lực từ ngày 24/9. Còn trên hết, tăng trưởng xuất khẩu hiện tại có được là nhờ sức mạnh nội tại của ngành, khi năng lực sản xuất được mở rộng, doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội thị trường và các FTA đã có.
Sau 2/3 chặng đường của năm 2018, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 9,11 tỷ USD trong 8 tháng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 46,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Dự báo, hàng dệt may sang Mỹ có thể đạt 13,8 - 14 tỷ USD trong năm 2018.
Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phân tích, trong 200 tỷ USD hàng hóa mà Trung Quốc bị áp thuế, chủ yếu là các mã hàng sợi dệt chứ chưa có hàng may mặc. Nhưng, vẫn có khoảng 20 mặt hàng dệt may Việt Nam có thể có cơ hội chiếm thị phần tại Mỹ, tập trung vào các loại thảm, sợi PE đơn độ co giãn cao, xơ viscose rayon, vải dệt kim, vải canvas. Bởi vậy, có thể nói, cơ hội tăng xuất khẩu là có, nhưng không chia đều cho các doanh nghiệp.
Dù vậy, một vấn đề cần được doanh nghiệp lưu tâm là xuất xứ nguyên liệu. Mỹ đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và không ngoại trừ, có khả năng Mỹ có động thái hạn chế các sản phẩm sản xuất ở nước khác có nguồn gốc nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, khi đó sẽ rất bất lợi với chính ngành dệt may, vốn nhập rất nhiều nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.