Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông bất thường niên độ 2016-2017 của TTCS tại Tây Ninh. |
Chiều ngày 25/5, TTCS đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường tại Tây Ninh nhằm trình cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập và phương án hoán đổi toàn bộ cổ phiếu BHS đang lưu hành với cổ phiếu phát hành thêm của TTCS.
Theo đó, cổ đông của BHS sẽ nhận được một lượng cổ phiếu tương ứng của SBT trên cơ sở tỷ lệ hoán đổi là 1:1.02 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu BHS vào ngày chốt quyền sẽ hoán đổi lấy 1.02 cổ phiếu SBT).
Như vậy, SBT dự kiến phát hành thêm 303.83 triệu cổ phần để thực hiện hoán đổi 297.87 triệu cổ phần BHS. Sau khi hoán đổi, SBT sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất sở hữu 100% vốn điều lệ của CTCP đường Biên Hòa. Cùng với việc phát hành thêm cổ phần này, Đại hội cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ TTCS thêm tối đa là 3.038 tỷ đồng, tương ứng với giá trị của số lượng cổ phần phát hành thêm.
Bên cạnh đó, Đại hội cũng thông qua nhiều nội dung quan trọng như dự thảo hợp đồng về việc sáp nhập và phương án kinh doanh sau sáp nhập; kế hoạch niệm yết bổ sung cổ phiếu phát hành; bổ sung ngành nghề kinh doanh và dự thảo Điều lệ sau sáp nhập... sau khi hoán đổi cổ phiếu.
Theo đó, BHS sẽ được đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành Công ty TNHH MTV với tên Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa- Đồng Nai.
Đồng thời, TTCS và BHS tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh bình thường như trước khi sáp nhập, việc thực hiện tổ chức lại và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của BHS được ủy quyền cho HĐQT của TTCS thực hiện.
Sau sáp nhập, SBT đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 8.353 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 675 tỷ đồng niên độ 2017-2018 và dự kiến Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa- Đồng Nai đạt kế hoạch niêm độ này với doanh thu mang về hơn 4.688 tỷ đồng, LNTT 323,2 tỷ đồng.
Bước đi chiến lược này cũng góp phần mang tới sự chủ động hơn về việc phát triển bền vững vùng nguyên liệu khi TTCS sở hữu tổng cộng 49.000 ha, chưa kể đến diện tích mà TTCS và BHS vừa mua lại từ Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai.
Với đặc thù yếu tố nguyên liệu chiếm trên 80% giá thành sản xuất, đây được xem là động thái tích cục của ngành đường TTC nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa ngành đường Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực.
Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc TTCS cho biết có 4 cách mà Công ty sẽ thực hiện nhằm phát triển và duy trì vùng nguyên liệu của Công ty sau sáp nhập.
Thứ nhất, đầu tiên là tập trung mở rộng chiều ngang, đi M&A từ Công ty Biên Hòa. BHS trước đây là đối tác cũng như đối thủ của TTCS nhưng có vùng nguyên liệu rất tốt nên sau M&A có thể có vùng nguyên liệu 49.000 ha. Ngoài ra, TTCS cũng đang mở rộng vùng nguyên liệu, có nhà máy mới ở Lào.
Thứ hai, Công ty sẽ tập trung mở rộng chiều sâu, có thể ứng dụng KHKT để chủ động điều tiết, không phụ thuộc vào thời tiết.
Thứ ba, tập trung các chương trình liên kết triển khai ở Tây Ninh, Tây Nguyên..
Thứ tư là tự chủ phát triển các vùng nguyên liệu có tiềm năng và liên kết. Tổng diện tích SBT đang trực tiếp quản lý ở VN và nước ngoài có thể từ vài nghìn ha.
Hiện chiến lược của SBT là tập trung vào hoạt động R&D, TTCS có các sản phẩm tiềm năng như nước triết suất từ cây mía, nước mía, các dự án đầu tư năng lượng mặt trời và có thể sẽ có đường organic.
Thêm vào đó, việc tăng quy mô, M&A cũng là một cách, kiện toàn chuỗi phân phối. Và trong thời gian tới, TTCS cũng sẽ đầu tư hoàn thiện chuỗi logictics, phát triển mảng xuất nhập khẩu.
Bình quân thị trường đường Việt Nam tăng 3%/năm, SBT sau sáp nhập sẽ được hưởng lợi thế về thị trường bán lẻ. Sắp tới sau sáp nhập công ty sẽ đầu tư kênh bán lẻ để nâng cao lượng đường bán lẻ để phủ sâu, phủ rộng, tạo nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng, tạo tiểu kênh phân kênh trong ngách bán lẻ. Cổ đông sẽ là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ việc sáp nhập này.
"Chúng ta được thị trường bán lẻ, được thương hiệu 50 năm. Nên tôi tin chắc thị giá và lợi nhuận sẽ có một kết quả tốt, tất nhiên là thị trường sẽ trả lời”, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT TTCS nói.
Cũng theo ông Dương, lợi thế của BHS là có hệ thống bán lẻ tốt, khi 2 công ty sáp nhập thì có thể phát triển tốt ở mảng tiêu dùng. Sau khi sáp nhập thì bộ máy sẽ tinh gọn hơn, chi phí quản lý chung và chi phí khác sẽ giảm bớt, vấn đề điều hành sẽ tốt hơn nhanh hơn.
Theo đại diện CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) - đơn vị tư vấn thương vụ sáp nhập cho biết, công ty sau sáp nhập có diện tích trồng mía đạt 49.000 ha, chiếm 16% diện tích cả nước. Sản lượng mía đạt 3,4 triệu tấn, tương đương 22% tổng sản lượng cả nước.
TTCS sẽ có 8 nhà máy với công suất 30.000 tấn mía/ngày, tương đương 20% công suất cả nước. Sản lượng 540.000 tấn/năm. Về mặt thị trường, doanh thu thuần niên độ 2017 - 2018 ước đạt 8.353 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% thị phần Việt Nam. Vốn điều lệ sau sáp nhập 5.570 tỷ đồng, tổng tài sản 15.900 tỷ đồng.
BVSC ước tính thời gian thực hiện sáp nhập vào tháng 6 - 10/2017, sáp nhập hoàn tất vào tháng 11 - 12/2017.
Cũng theo đánh giá của BVSC, một trong những lợi ích của thương vụ sáp nhập là có thể thương lượng với các nhà cung cấp để giảm giá thành sản phẩm.