ĐHCĐ Tập đoàn Đèo Cả ngày 26/6 đã thông qua toàn bộ tờ trình, với kế hoạch kinh doanh năm 2024 8.956 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 35% và lợi nhuận sau thuế 733 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với thực hiện 2023.
Kết thúc quý I/2024, Đèo Cả ghi nhận doanh thu 1.750 tỷ đồng, tăng 121,52% và lợi nhuận sau thuế 169 tỷ đồng, tăng trưởng 39,67% so với quý I/2023.
Đối với hoạt động đầu tư, Đèo Cả vừa hoàn thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng, đưa vào vận hành vào cuối tháng 4/2024. Đang thực hiện hai dự án là cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (giai đoạn 1) tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng (khởi công tháng 1/2024) và cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng (khởi công vào tháng 4/2024).
Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án Tân Phú - Bảo Lộc, TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2)… với tổng mức đầu tư gần 80.000 tỷ đồng, và dự án đường sắt Việt - Lào đoạn Vũng Áng - Mụ Giạ, giá trị hơn 47.600 tỷ đồng.
Đối với hoạt động thi công xây lắp, năm 2023, Đèo Cả hoàn thành đúng hẹn nhiều dự án, gói thầu như hầm Thung Thi trên cao tốc Mai Sơn - Quốc Lộ 45, hầm Trường Vinh trên cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, mở rộng đường đèo Prenn, … với tổng giá trị tham gia hơn 6.100 tỷ đồng.
Tập đoàn đang tiếp tục thực hiện khối lượng công việc lớn trên đại công trường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 như cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, với tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng.
Cùng với đó là thi công tại các tuyến cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, Tuyên Quang - Hà Giang, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà, Vành đai 3 TP. HCM, nút giao Tân Vạn, 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hầm đường sắt Khe Nét thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM… với tổng giá trị thực hiện gần 15.000 tỷ đồng.
Đây là cơ sở quan trọng để Tập đoàn đưa ra kế hoạch tăng trưởng trên, ông Khương Văn Cương - TGĐ Tập đoàn Đèo Cả cho biết.
Đối với hoạt động quản lý vận hành, hiện Đèo Cả đang quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt cho gần 410km đường cao tốc và quốc lộ, hơn 30km hầm đường bộ và quản lý 18 trạm thu phí BOT trên cả nước.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, để tham gia đầu tư gần 400km đường cao tốc và dự án đường sắt trong bối cảnh các nguồn lực có hạn, Đèo Cả đi đầu trong việc sáng tạo, sử dụng mô hình PPP++ để đa dạng các nguồn vốn, tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Trong đó, P1++ là vốn ngân sách (bao gồm vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương), P2++ là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chính danh và nhà đầu tư thứ cấp, P3++ là vốn huy động từ tổ chức tín dụng, hợp tác kinh doanh, trái phiếu,…
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Nhằm bổ sung vốn lưu động, vốn đầu tư, Tập đoàn Đèo Cả dự kiến phát hành hơn 210 triệu cp (tỷ lệ 50% trên tổng số cổ phiếu đã phát hành) cho cổ đông hiện hữu. Thời gian triển khai trong 2024 - 2025 và theo tiến độ triển khai của các dự án.
Nếu thành công, vốn điều lệ Tập đoàn Đèo Cả tăng lên từ hơn 4.200 tỷ đồng lên hơn 6.300 tỷ đồng.
Thảo luận tại Đại hội |
Thảo luận tại ĐHCĐ
Tập đoàn sẽ đề xuất các dự án PPP với tổng mức đầu tư hơn 131.000 tỷ đồng, Đèo Cả có lợi thế gì để thực hiện các dự án trên, đặc biệt dự án cao tốc và đường sắt?
Ông Nguyễn Tấn Đông - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả: Đèo Cả có kinh nghiệm thực hiện dự án lớn, điển hình dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận…dù có nhiều thách thức nhưng Tập đoàn vẫn thực hiện tốt và đảm bảo tiến độ.
Tập đoàn đầu tư nhiều máy móc thiết bị và đã khấu hao hết nên có sự cạnh tranh tốt về giá. Đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản, liên kết với các trường để đào tạo, kết hợp trường GTVT mở lớp văn bằng 2 về chuyên đề đường sắt, đường metro
Vừa qua, tập đoàn bước chân vào dự án đường sắt, liên doanh đối tác Hàn Quốc – qua đó học hỏi được kinh nghiệm thêm cho các dự án sau này
Năm 2023, công ty đã chia cổ tức 4%, năm nay là 8%, công ty có đảm bảo được không?
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả: năm 2023, mục tiêu ban đầu của Tập đoàn 7% nhưng Đèo Cả chỉ trả 4% do để tiếp tục tham gia đấu thầu và tham gia dự án trong quý 3, như dự án Vành đai 4 đoạn Tp.HCM qua Bình Dương; dự án Dầu Giây – Tân Phú, TP.HCM – Chơn Thành…do đặc thù ngành này cần chứng minh năng lực tài chính lớn
Năm 2024, với lợi nhuận lũy kế còn lại, HĐQT tự tin sẽ đảm bảo chia cổ tức đúng theo kế hoạch.
Tập đoàn Đèo Cả có lộ trình lên sàn hay không?
Đây là mục tiêu mà HĐQT đặt ra, nằm trong chiến lược 5 năm. Trong 2-3 năm qua, chưa là thời điểm tốt với doanh nghiệp hạ tầng giao thông, đối diện nhiều khó khăn liên tục như covid, lãi suất, đến biến động giá vật liệu, khiến biên lợi nhuận hạ tầng giao thông tương đối mỏng. Do đó, HĐQT lựa chọn trong 5 năm, thời gian này khi thời cơ chín muồi, tập đoàn sẽ xin ý kiến cổ đông bằng văn bản để lên sàn chứng khoán
Giá nguyên liệu và lãi suất đang tác động tới tập đoàn ra sao?
Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả: đặc thù ngành hạ tầng giao thông, tốc độ biến động giá nguyên vật liệu thực tế thị trường tăng nhanh hơn so với giá nguyên vật liệu Nhà nước quản lý - dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát giá cả, chi phí.
Ban lãnh đạo nhận ra và đã kiểm soát rất căn cơ, hạn chế ảnh hưởng của thị trường. Giá thép, nhựa biến động, Đèo Cả đã làm việc trước với các nhà cung cấp lớn để ký hợp đồng dài hạn, mức giá hợp lý. Làm việc với chủ đầu tư, cơ quan Nhà nước, địa phương để điều chỉnh phù hợp khi có biến động giá.
Với yếu tố lãi suất, ngành hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay khá lớn (phần lớn vay ngân hàng Nhà nước), biến động lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp trong 6 tháng vừa qua, tuy có tăng trong thời gian qua nhưng từ giờ đến cuối năm các ngân hàng Nhà nước gần như không thay đổi nhiều nên sẽ không ảnh hưởng đến Công ty.
Để gỉam tác động bởi lãi suất, Đèo Cả sử dụng đa dạng nguồn vốn, thay vì chủ vốn chủ sở hữu và vốn vay như trước đây, thì nay có cả vốn ngân sách, hợp tác kinh doanh, trái phiếu, gia tăng quy mô vốn chủ sở hữu…Chúng tôi xem các tổ chức tín dụng như là đối tác cung cấp dịch vụ nên chúng tôi lựa đối tác có dịch vụ tốt nhất, phù hợp nhất.
Trong thời gian qua, ngoài ngân hàng thương mại, với các dự án quy mô lớn chúng tôi làm việc với ngân hàng chính sách như VDB với hạn mức tín dụng, lãi suất phù hợp với lĩnh vực hạ tầng.
Đánh giá về tình hình giải ngân đầu tư công, và đối với riêng các dự án của Đèo Cả?
Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả: Các dự án đèo cả tham gia vai trò là nhà thầu đều là trọng điểm, có sự ưu tiên của Chính Phủ, cơ quan thẩm quyền – là yếu tố thuận lợi, nên tiến độ giải ngân đầu tư công thúc đẩy dự án rất được quan tâm.
Để giải ngân cần 2 yếu tố chính là sản lượng và các thủ tục thúc đẩy giải ngân. Với sản lượng, tập đoàn đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất là khâu giải phóng mặt bằng ở dự án Vành đai 2 và giải quyết được vấn đề giá cả nguyên vật liệu. Các dự án của công ty đều đang có sản lượng tốt.
Song song đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng thường xuyên có các phiên họp cùng các DN, để cập nhật tình hình, giám sát và thúc đẩy giải ngân định kì, nên các hoạt động giải ngân tại dự án Đèo Cả đều tốt.