Sức khỏe doanh nghiệp
ĐHĐCĐ HBC: Có trong tay 9.300 tỷ đồng giá trị trúng thầu, kế hoạch lãi 350 tỷ đồng
Phan Hằng - 26/04/2022 07:56
Kế hoạch chiến lược năm 2022 là bản lề cho chiến lược phát triển dân dụng, công nghiệp và hạ tầng, là năm khởi đầu cho kế hoạch chiến lược 10 năm (2022 – 2032).

Mục tiêu tổng giá trị trúng thầu 20.000 tỷ đồng, kế hoạch lãi tăng 261%

Chia sẻ trong Đại hội cổ đông diễn ra ngày 25/4/2022, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hoà Bình (mã: HBC) cho biết, mục tiêu thách thức đến năm 2032, doanh thu đạt 437.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 21.875 tỷ đồng, tương đương 5% doanh thu. 

Cho riêng năm 2022, Hội đồng quản trị trình cổ đông kế hoạch doanh thu 17.500 tỷ đồng, tăng 54% so với thực hiện năm trước, lợi nhuận hợp nhất 350 tỷ đồng, tăng 261%. 

Cơ sở cho kế hoạch này một phần đến từ việc thoái vốn 2 dự án bất động sản (đã bán, chưa hoàn tất thủ tục để ghi nhận lợi nhuận), theo ông Lê Viết Hiếu, Tổng giám đốc.

Hoà Bình cũng đặt mục tiêu tổng giá trị trúng thầu năm nay là 20.000 tỷ đồng, trong đó 15.000 tỷ đồng dân dụng và 5.000 tỷ đồng công nghiệp. Ông Lê Viết Hiếu cho biết, tập đoàn đã đạt gần 50% chỉ tiêu trúng thầu năm nay. Giá trị hợp đồng chuyển tiếp (Backlog) năm 2021 chuyển qua năm 2022 là 16.000 tỷ đồng, có thể ghi nhận 11.000 tỷ đồng doanh thu. 

Ông Hiếu khẳng định kế hoạch trúng thầu năm nay hoàn toàn đạt được, tính đến tháng 4 đã đạt 9.300 tỷ đồng.

Đối với mảng dân dụng, bất động sản nhà ở sẽ phát triển trở lại do chính sách phá băng bất động sản và nguồn vốn FDI cho phân khúc hạng sang đến siêu sang rất lớn. Ngoài ra, một số tỉnh thành đã mở lại các đường bay nội địa quốc tế nên lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang dần phục hồi, tạo những cú hích cho bất động sản nghỉ dưỡng vốn là những đối tác tiềm năng của Tập đoàn. 

Về mảng công nghiệp, Hoà Bình tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển giá trị trong thị trường công nghiệp chế biến, chế tạo theo làn sóng dịch chuyển đầu tư đến Việt Nam. Tập đoàn tiếp tục là đối tác tin cậy của các nhà phát triển bất động sản công nghiệp – logistic với tiềm năng thị phần tăng 300 lần trong 10 năm tới.

Năm 2022, Tập đoàn đặt mục tiêu quay lại với các mảng công nghiệp nặng như nhà máy chế tạo gang thép - tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án Hòa Phát Dung Quất quy mô gấp đôi giai đoạn đầu, năng lượng sạch với các nhà máy nhiệt điện, điện khí hóa lỏng như nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), nhà máy khí GAS tự nhiên T&T 1 2 3,… Đây sẽ là bước đi tiền đề để phát triển doanh thu trong 10 năm tới.

Tiếp tục kế hoạch vươn ra thị trường quốc tế

Dự kiến trong quý II, các văn phòng công ty thành viên của Hòa Bình tại Sydney và Brisbane sẽ mở cửa để bắt đầu các hoạt động tại australia. Theo đó, vào quý IV, tập đoàn sẽ triển khai xây dựng dự án tại khu vực Great Sydney và New South Wales, đồng thời tham gia công tác xây dựng tại Brisbane và Gold Coast nhằm chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Brisbane sẽ diễn ra vào năm 2032.

Cũng trong quý II, công ty thành viên của tập đoàn và cũng là công ty đầu tiên của Hòa Bình tại Mỹ sẽ bắt đầu đi vào hoạt động tại Texas. Ban lãnh đạo đánh giá Texas là bang có sự tăng trưởng kinh tế đáng kể và thị trường xây dựng tại đây rất sôi động. Các điều kiện và chính sách thuế của bang cũng rất thuận lợi cho các công ty nước ngoài hoạt động. Đặc biệt, cảng quốc tế Houston đầy sôi động là một điều thuận lợi để vận chuyển vật liệu xây dựng.

Hội đồng quản trị Hoà Bình xác định cách tiếp cận với các quốc gia mới sẽ theo hướng tăng trưởng tự nhiên, hoặc M&A. Theo kế hoạch dự kiến, Tập đoàn sẽ có lợi nhuận ở thị trường nước ngoài từ 2023.

Theo ông Hải, chi phí ngành xây dựng nước ngoài gấp 3 thị trường trong nước. Nếu biết khai thác, Hòa Bình sẽ có lợi nhuận không dưới 5%, khả năng khai thác 10 - 20% doanh thu không phải là không thể.

Phát hành 12,5 triệu cổ phiếu ESOP và 74 triệu cổ phiếu riêng lẻ

Trong năm 2022, Hoà Bình lên kế hoạch phát hành 12,55 triệu cổ phiếu ESOP  với giá chào bán bằng mệnh giá. Số cổ phiếu ESOP dự kiến phát hành bao gồm 1,3 triệu cổ phiếu theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2016; 2,5 triệu cổ phiếu theo Nghị quyết ĐHĐCĐ 2017; 3,75 triệu cổ phiếu theo Nghị quyết ĐHCĐ 2019; và 5 triệu cổ phiếu dự kiến được thông qua tại ĐHĐCĐ 2022.

Bên cạnh đó, Hoà Bình cũng sẽ phát hành riêng lẻ 74 triệu cổ phiếu cho đối tượng là nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong năm nay hoặc năm 2023. Với số tiền thu được từ đợt phát hành, Công ty sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thanh toán các khoản nợ vay, làm giảm áp lực tài chính.

Giá phát hành sẽ được HĐQT quyết định sau. Cổ phiếu từ đợt phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Trong năm 2021, tổng giá trị trúng thầu của Hoà Bình 16.471 tỷ đồng, vượt 18% so với kế hoạch đề ra, cao hơn 68% so với năm 2020. Giá trị hợp đồng ký mới trong năm 2021 tại khu vực miền Nam đạt 8.334 tỷ đồng, khu vực miền Bắc 6.069 tỷ đồng, khu vực miền Trung 634 tỷ đồng và Phú Quốc đạt 1.433 tỷ đồng.

Giá trị trúng thầu các dự án công nghiệp đạt 641.5 tỷ đồng, đạt 18% so với chỉ tiêu đề ra trong năm 2021.

Đặc biệt trong năm 2021, Tập đoàn đã ký kết hợp tác chiến lược với các tập đoàn và công ty phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam. Top 10 các chủ đầu tư Tập đoàn trúng thầu/được chỉ định thầu nhiều nhất trong năm bao gồm: Sơn Kim land, Tập đoàn Ecopark, Capitaland, Sun Group, Becamex Tokyu, Novaland, Gotecland, Geleximco, BW Group và MB Land.

Kết quả năm 2021, Hoà Bình ghi nhận doanh thu 11.355 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 102,9 tỷ, tăng 19% so với năm 2020. Tập đoàn trình cổ đông chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% (3% bằng tiền mặt) trong năm 2021.

Thảo luận:

Phát triển thị trường nước ngoài, tại sao không đi từng bước?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Trong 2 năm đại dịch qua, HBC cũng có những khó khăn về biến động tình hình tài chính, các chủ đầu tư ngưng triển khai dự án. Vì vậy, HBC ngưng việc góp vốn cho các dự án để đảm bảo các dự án đang vận hành trong nước.

Cũng vì vậy các dự án góp vốn ở nước ngoài không thể triển khai. Việc chậm triển khai cũng làm cho giấy phép triển khai hết hạn, đến giờ thì đang xin lại giấy phép và việc này cũng là thách thức.

Tôi xin khẳng định sự quyết tâm, ý chí của nội bộ Tập đoàn đối với quyết định đầu tư ra thị trường nước ngoài. Mục tiêu chiến lược mà HĐQT đề ra là sau 10 năm phải đạt được doanh thu 437.000 tỷ đồng, lãi 21.800 tỷ đồng.

Con số này là căn cứ vào doanh thu năm 2022 nhân lên 25 lần (quá khứ 5 năm tăng 5 lần). Trong quá khứ đã như vậy thì tại sao trong tương lai không phát triển được như vậy. Sau khi mổ sẻ kỹ thì chúng tôi thấy đây là một kế hoạch khả thi.

Ba lợi thế mà HBC thành công ra nước ngoài:

Thứ nhất, sự cạnh tranh cao chuỗi cung ứng dịch vụ vật liệu xây dựng. Năm 2015 là nước thứ 2 nhập khẩu xi măng nhưng 2017 trở thành nước xuất khẩu lớn nhất.

Thứ hai, chi phí sản xuất rất cạnh tranh do có hệ thống sử dụng chi phí nguyên liệu thấp, hệ thống logistics,…

Bên cạnh đó, các sản phẩm trang trí nội thất hiện vươn lên hàng thứ 3 thế giới. Tại Mỹ, chúng ta đã trở thành nước xuất khẩu nội thất lớn nhất, vượt qua Trung Quốc.

Thứ hai, năng lực nội tại của HBC là nhà thầu xây dựng hàng đầu tại Việt Nam, sử dụng công nghệ tiên tiến, có cơ hội làm việc cọ xát với các nhà thầu hàng đầu trên thế giới.

Thứ ba, trong khi các nước khó khăn tìm kiếm nguồn nhân lực thì chúng ta có lợi thế lao động dân số vàng.

Bên cạnh mục doanh thu thì lợi nhuận chiếm tỷ lệ 5% cũng khó có được nếu không phát triển ra thị trường nước ngoài. Nếu chỉ thị trường trong nước thì không thể vì có rất nhiều nhà thầu mới tham gia thị trường sẵn sàng bỏ giá thầu thấp.

Tiến ra nước ngoài cũng giúp HBC tranh nguy cơ tụt hậu về công nghệ do thiếu cơ hội cọ xát, không cập nhật được kỹ thuật công nghệ mới. 

Hiện nay đã có nhà đầu tư nào quan tâm đến đợt phát hành riêng lẻ?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Hiện đã có 1 nhà đầu tư Nhật có thỏa thuận (MOU) trong việc mua cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với giá 32.500 đồng/cổ phiếu, số lượng 5 triệu cổ phiếu. Có vài nhà đầu tư trong nước (chủ đầu tư dự án) cũng muốn mua số lượng cao nhưng chưa có thỏa thuận điều kiện về giá, thời gian nắm giữ.

Một vài nhà thầu lớn trên thế giới cũng bày tỏ hợp tác với HBC để phát triển thị trường trong nước và cả đồng hành ở nước ngoài.

Tình hình kinh doanh quý I/2022?

Tổng giám đốc Lê Viết Hiếu: Doanh thu quý I ước đạt 2.900 - 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận 10-20 tỷ đồng. Quý I thường là mùa thấp điểm.

Kế hoạch 350 tỷ đồng có quá cao không?

Tổng giám đốc Lê Viết Hiếu: Lợi nhuận kế hoạch là một con số khá tham vọng, nhất là trong bối cảnh vật tư đều tăng. Ngoài mảng xây dựng thì có một số dự án bất động sản thực hiện thoái vốn cũng đóp góp vào lợi nhuận.

Công tác quản lý chi phí sản xuất khi giá nguyên vật liệu tăng cao?

Đối với nhà cung cấp nhà thầu phụ, HBC chủ động đặt hàng mua trước khi nhận thấy giá vật liệu xây dựng tăng. HBC cũng có mối quan hệ tốt với nhà cung cấp thép, nhưng vẫn còn 1 số mặt hàng khó mua trước như xi măng, inox... Khi đó, HBC sẽ chủ động trao đổi lại với chủ đầu tư để hỗ trợ khoản trượt giá, giống như cách HBC từng hỗ trợ họ cho những năm trước.

Thị trường siết phát hành trái phiếu có ảnh hưởng đến kế hoạch huy động vốn của Công ty?

Phó giám đốc Tài chính: HBC phát hành trái phiếu mới lần đầu và làm rất bài bản. Trong tháng 5, HBC sẽ ký hợp tác toàn diện với BIDV để đồng hành tất cả các dự án của Tập đoàn.

Để đáp ứng kế hoạch vốn cho trung dài hạn, HBC có kế hoạch phát hành 74 triệu cổ phiếu. Tập đoàn cũng có mối quan hệ tín dụng rất tốt với các ngân hàng hiện nay. Các ngân hàng sẵn sàng cam kết tăng gói quy mô tín dụng để tài trợ vốn cho HBC.

Kế hoạch doanh thu 19 tỷ USD có quá tham vọng?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Đúng là mục tiêu “gây choáng”. Tập đoàn đã tổ chức một tháng hội nghị liên quan đến giải pháp đạt được mục tiêu đó.

Thị trường xây dựng có giá trị tổng sản lượng 12.000 tỷ USD năm 2019, dự báo năm 2030 là 19.000 tỷ USD. Mục tiêu HBC chỉ khoảng 19 tỷ USD là một con số rất nhỏ so với thị trường.

Tin liên quan
Tin khác