- Đà Nẵng lên phương án di dời 17 khu tập thể xuống cấp
- Vì sao hàng ngàn hộ dân TP.HCM phập phồng trong chung cư chờ… sập - Bài 1: Không biết áp dụng luật nào
- Vì sao hàng ngàn hộ dân TP.HCM phập phồng trong chung cư chờ… sập - Bài 2: Được cơ chế lại đụng quy định, doanh nghiệp tháo chạy khỏi đất vàng
- Vì sao hàng ngàn hộ dân TP.HCM phập phồng trong chung cư chờ… sập - Bài 3: Không đột phá thì mãi vòng luẩn quẩn
Khu tập thể tại 346 - 348 - Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) đã không còn phần mái. |
Những ngôi nhà không nóc
Khu tập thể số 158B - đường Lê Lợi, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu là dãy nhà cấp 4 từng có 10 hộ dân sinh sống, nhưng nay chỉ có 8 căn nhà “lành lặn”, 2 căn đã sập phần mái.
Người dân ở đây cho biết, một căn mới sập phần mái trong năm ngoái, một căn đã sập từ 3 - 4 năm trước. Bên trong 2 căn nhà này là 3 bức tường trơ trọi dưới nắng mưa, nền còn ngổn ngang ngói vỡ, cột kèo…
Tại khu tập thể này, tháng 4/2022, UBND TP. Đà Nẵng thông tin, căn hộ của bà Võ Lục Hà đã bị đổ sập phần mái. Bà Hà đã không ở căn hộ này từ 4 năm. 5 căn hộ kề cận, các hộ không còn ở và cũng trong trình trạng hư hỏng, có nguy cơ sụp đổ, cần phải thu hồi để tháo dỡ.
Trước đó, vào ngày 27/3/2017, UBND TP. Đà Nẵng cũng từng ban hành Quyết định số 1567/QĐ-UBND để thu hồi toàn bộ nhà, đất để xây dựng công trình theo quy hoạch của UBND Thành phố; đồng thời triển khai giải tỏa, di dời khu tập thể này.
Bà Thanh, một người dân sống tại khu tập thể này bức xúc, kế hoạch di dời “đắp chiếu” đã mấy năm rồi. “Năm vừa rồi, tôi đọc báo mới biết Thành phố có kế hoạch di dời trong năm 2022, chứ người ta không thông báo gì hết. Thấy có kế hoạch, nhưng rồi có thấy động tĩnh gì đâu”.
Trong khi đó, người dân tại khu tập thể số 346 - 348 - đường Phan Châu Trinh phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu, khi 2 ngôi nhà 3 tầng nằm cạnh nhau không còn phần mái.
Khu tập thể 158B - Lê Lợi và 346 - 348 - Phan Châu Trinh là 2 trong số rất nhiều khu tập thể thuộc sở hữu nhà nước xuống cấp đã được TP. Đà Nẵng đưa vào diện di dời, giải tỏa từ nhiều năm qua, nhưng đến vẫn chưa rõ ngày “về đích”.
Mới đây nhất, ngày 10/6/2022, UBND TP. Đà Nẵng lên kế hoạch thực hiện di dời, giải tỏa 16 khu tập thể xuống cấp mức độ D và C thuộc sở hữu nhà nước (mốc thời gian thực hiện trong năm 2022); một khu tập thể mức độ B tại 25 - Hùng Vương (dự kiến di dời 10 hộ), thực hiện giải tỏa trong năm 2023.
Hai khu tập thể mức độ nguy hiểm cấp D gồm số 5 đường Nguyễn Thái Học thực hiện giải tỏa trong quý II/2022, số 50 - 52 đường Lê Lai giải tỏa trong tháng 8/2022, với tổng số 11 hộ dân. Theo ghi nhận của phóng viên, người dân 2 khu tập thể này đã chủ động di dời đến nơi khác sinh sống.
Còn lại, 14 khu tập thể mức độ nguy hiểm cấp C, UBND TP. Đà Nẵng đặt mốc hoàn thành giải tỏa trong năm 2022, với tổng số 84 hộ.
Tuy nhiên, theo số liệu từ Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, đến hết tháng 2/2023, Thành phố còn 13 khu tập thể chưa di dời, gồm một khu cấp D, 11 khu cấp C, một khu cấp B, với tổng cộng 89 hộ.
Trong 3 khu tập thể cấp C đã di dời, quận Thanh Khê có 2 khu tập thể đã di dời và bàn giao nhà cho Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà (thuộc Sở Xây dựng) tại số 22 và 48 - Lý Thái Tổ (để niêm phong và quản lý chặt chẽ, tránh để các hộ khác chiếm ở). Tuy nhiên, tại số 48 - Lý Thái Tổ, sau khi được bàn giao, một hộ dân đã tận dụng làm nơi kinh doanh quán cà phê, trên cửa chính còn niêm phong, nhưng đã bị xé.
Ngoài ra, tại Khu tập thể số 110 - Lý Thái Tổ, người dân đã di dời đến nơi khác sinh sống, nhưng vẫn còn một người dân tận dụng mặt bằng để bán quán ăn.
Một căn nhà tại khu tập thể số 158B - Lê Lợi sập phần mái trong năm 2022 |
“Trôi lụt” vì nhiều khó khăn, vướng mắc
Các khu tập thể xuống cấp trên địa bàn TP. Đà Nẵng hầu hết được xây dựng trước năm 1975. Sau năm 1975, Nhà nước tiếp quản, giao cho các cơ quan, đơn vị quản lý, bố trí cho cán bộ, công nhân viên ở.
Theo Sở Xây dựng, qua quá trình sử dụng, các khu tập thể này có dấu hiệu xuống cấp, nên UBND TP. Đà Nẵng đã giao Sở Xây dựng tổ chức kiểm định chất lượng công trình và ban hành kết quả kiểm định đối với 25 khu tập thể thuộc sở hữu nhà nước.
“Căn cứ quy định pháp luật về nhà ở, các khu tập thể trên thuộc diện phải phá dỡ. UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo thực hiện chấm dứt hợp đồng thuê nhà, thu hồi nhà và di dời các hộ dân đang ở tại các khu tập thể trên để đảm bảo an toàn cho người dân”, Sở Xây dựng thông tin.
Tuy vậy, thời gian qua, việc giải tỏa, di dời các khu tập thể xuống cấp thuộc sở hữu nhà nước còn chậm, do gặp hàng loạt khó khăn, vướng mắc.
Bà Võ Thị Báu (số 42 - Trần Kế Xương) cho rằng, mức hỗ trợ di dời của Thành phố quá thấp, trong khi đến nơi ở mới, bà phải tự trả tiền thuê chung cư, nên không kham nổi. Chưa kể, ở chỗ cũ, bà buôn bán nên có thu nhập đều đặn, nhưng đến chỗ mới thì hết nguồn thu nhập.
Tương tự, bà Hiền, chủ cửa hàng kinh doanh thiết bị điện tại số 104 - Lý Thái Tổ cho rằng, phương án di dời đến ở chung cư của chính quyền địa phương có phần bất tiện, vì không thể buôn bán được, trong khi số tiền đền bù theo phương án thì không đủ để mua đất làm nhà.
Việc người dân chưa đồng thuận với chính sách đền bù được ông Nguyễn Đình Phương, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Khê thừa nhận là nguyên nhân dẫn đến việc chậm di dời các khu tập thể xuống cấp trên địa bàn
hiện nay.
Theo ông Phương, nhiều người dân vẫn yêu cầu bố trí lại đất tái định cư, nhưng hiện tại, chính sách này đã được hủy bỏ do không còn đúng quy định pháp luật. TP. Đà nẵng hiện chỉ có 2 phương án là thuê lại căn hộ chung cư hoặc đền bù đất 60% và hỗ trợ vật kiến trúc (nếu người dân có làm thêm).
Được biết, phương án di dời, giải tỏa các hộ đang ở tại các khu tập thể xuống cấp thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn quận Hải Châu và quận Thanh Khê đang được áp dụng theo Quyết định số 5703/QĐ-UBND ngày 16/12/2019 của UBND TP. Đà Nẵng. Theo đó, các hộ dân được chọn một trong 2 phương án di dời giải tỏa.
Trong đó, người dân được Nhà nước bố trí cho thuê một căn hộ chung cư thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Thành phố, diện tích được bố trí thuê bằng hoặc lớn hơn diện tích bị thu hồi; nhận hỗ trợ phần nhà, vật kiến trúc chủ hộ tự xây dựng thêm ngoài diện tích nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và hỗ trợ di chuyển và các hỗ trợ khác (nếu có) theo quy định.
Trường hợp hộ dân không có nhu cầu thuê chung cư, thì xem xét hỗ trợ bằng tiền để tự lo chỗ ở mới. Mức hỗ trợ bằng 60% giá trị đất và 60% giá trị nhà đang thuê, nhận hỗ trợ phần nhà, vật kiến trúc mà chủ hộ tự xây dựng thêm ngoài diện tích nhà thuộc sở hữu nhà nước và hỗ trợ di chuyển, cùng các hỗ trợ khác theo quy định.
Ông Phương cũng cho biết, quận Thanh Khê đã di dời xong 4 khu tập thể, còn lại 2 khu là 104 - Lý Thái Tổ (còn 1 hộ) và 324 - Hùng Vương (còn 12 hộ).
Về giải pháp, theo ông Phương, các khu tập thể tại quận Thanh Khê ở mức độ nguy hiểm cấp C, nên chưa đến mức độ phải cưỡng chế di dời gấp. “Thời gian tới, quận Thanh Khê sẽ cố gắng hết sức để giải tỏa và vận động hỗ trợ các chính sách cho người dân”, ông Phương nói.
Liên quan chính sách đền bù trên, ông Trần Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, việc vận động các hộ dân chấp thuận phương án hỗ trợ bằng tiền để di dời, giải tỏa các khu tập thể xuống cấp gặp khó khăn do có điểm còn chưa hợp lý tại điểm c, khoản 3, Điều 26, Thông tư số 19/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng.
Theo đó, hệ số phân bổ các tầng khi xác định giá trị hỗ trợ về đất đối với các hộ thuộc diện di dời, giải tỏa các khu tập thể xuống cấp thuộc sở hữu nhà nước giữa hệ số tầng 1 có sự chênh lệch rất lớn so với các tầng còn lại, trong khi tầng 2, 3, 4 có tính chất sử dụng khá tương đồng.
Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cũng ghi nhận thực tế, hầu hết các khu tập thể đều ở vị trí trung tâm, thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, kinh doanh (đặc biệt là các hộ ở tầng 1). “Việc thu hồi nhà ở và bố trí thuê chung cư hoặc hỗ trợ bằng tiền để tự lo chỗ ở mới đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống, sinh hoạt, nên một số hộ dân chưa chấp hành”, ông Hoàng chia sẻ.
Ngoài ra, một số khu tập thể có hồ sơ pháp lý phức tạp, cần rà soát, hoàn thiện hồ sơ trước khi thực hiện các thủ tục kiểm điếm, xác định kinh phí hỗ trợ.
Xem xét điều chỉnh kế hoạch thực hiện
Với những khó khăn, vướng mắc trên, Sở Xây dựng cho biết, cơ quan đang phối hợp với UBND quận Hải Châu, UBND quận Thanh Khê rà soát để tham mưu UBND TP. Đà Nẵng xem xét, điều chỉnh kế hoạch thực hiện cho phù hợp tình hình thực tế. Trong đó, dự kiến tập trung giải tỏa, di dời một khu cấp D còn lại và một số khu cấp C trong năm 2023; các khu cấp C, B còn lại sẽ tập trung hoàn thành trong năm 2024.
Trước đó, tại Chương trình HĐND TP. Đà Nẵng với cử tri diễn ra vào tháng 5/2022, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng đã thẳng thắn phê phán: “Chính sách thì bất cập, vận dụng điều này, điều kia thì không sở nào tham mưu ý kiến cho dứt điểm. Nhà thì xuống cấp và sập không biết lúc nào. Câu chuyện này cứ nhắc đi, nhắc lại hết kỳ họp này đến kỳ họp khác. 7 nghị quyết của HĐND, 3 thông báo kết luận của Thường trực HĐND…, nhưng đến nay, nhà tập thể vẫn đang càng ngày càng xuống cấp”.
Còn ông Nguyễn Cửu Loan, Tổng thư ký Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng cho rằng, trong năm 2022, chủ trương của TP. Đà Nẵng về di dời, giải tỏa các khu tập thể nhà nước xuống cấp rất quyết liệt, song việc thực hiện vẫn chậm tiến độ, do chủ trương, chính sách chưa thống nhất, có nhiều vướng mắc, nhiều điều thiếu rõ ràng, bất cập, nên người dân dựa vào đó mà chây ỳ, đòi hỏi quyền lợi, dẫn đến kéo dài việc xử lý, di dời.
Tuy nhiên, theo ông Loan, dù nguyên nhân gì đi nữa, đối với những khu tập thể, chung cư xuống cấp nghiêm trọng, phải có kế hoạch bố trí di dời ngay, nhằm tránh xảy ra những điều đáng tiếc.
UBND TP. Đà Nẵng dù đã vạch ra lộ trình rõ ràng trong việc thực hiện di dời, giải tỏa các khu tập thể, chung cư xuống cấp với mốc thực hiện trong năm 2022, thế nhưng với những gì đang diễn ra, thời gian ấn định này đã bị “trôi lụt”.