Đại diện Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa cho biết, chủ trương di dời KCN Biên Hòa 1 theo đề xuất của tỉnh Đồng Nai là cần thiết, nhưng chưa có tiền lệ.
Trên thực tế, việc di dời mới thực hiện ở một nhà máy, hoặc cơ sở sản xuất chứ chưa di dời cả một KCN, nhất là nơi có tới 107 DN như KCN Biên Hòa 1. Vì vậy, cần có sự tính toán cẩn trọng hơn với lộ trình hợp lý và quyết tâm cao.
Mặt khác, số lượng công nhân ở KCN Biên Hòa 1 hiện là 26.000 người (nếu tính cả gia đình thì lên tới 100.000 người), nên khi di dời cũng phải có các phương án để không ảnh hưởng quá lớn đến người lao động và gia đình họ.
Nơi mà tỉnh dự kiến di dời đến là KCN Giang Điền, cách KCN Biên Hòa 1 khoảng 20 km. Ngoài ra, các KCN khác trong tỉnh cũng sẵn sàng đón các DN di dời khỏi KCN Biên Hòa 1.
Như Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn đã thông tin, lý do để tỉnh Đồng Nai đề xuất chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 là khả năng tự làm sạch một cách tự nhiên của sông Đồng Nai đã và đang bị đe dọa bởi tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Theo báo cáo của ngành chức năng, mỗi ngày, 105 doanh nghiệp (DN) đóng tại KCN Biên Hòa 1 xả ra hơn 7.700 m3 nước thải.
Trong số này, chỉ có 1.100 m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý, lượng nước thải còn lại (khoảng 6.600 m3) được các DN tự xử lý, rồi xả thẳng ra sông Đồng Nai.
Ông Trần Văn Hải, Phó tổng giám đốc Sonadezi, đơn vị được tỉnh Đồng Nai giao xây dựng Dự án cho biết, dự kiến, KCN Giang Điền (thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), rộng 528 ha - cách KCN Biên Hòa 1 khoảng 20 km - được chọn làm nơi để di dời. Đồng thời, nếu các DN muốn di dời về các KCN Ông Kèo, Long Thành cũng được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất.
Các DN đang hoạt động tại KCN Biên Hòa 1 sẽ được ưu tiên trở thành cổ đông của Công ty Quản lý Dự án khu đô thị - thương mại - dịch vụ sau khi chuyển đổi.
Dù vậy, các doanh nghiệp ở KCN Biên Hòa 1 đang rất băn khoăn về chi phí phục vụ di dời cũng như khả năng tuyển dụng lao động khi phải thay đổi địa điểm hoạt động.
T.H