Ô nhiễm trầm trọng tại KCN Biên Hoà 1
Lý do để tỉnh Đồng Nai đề xuất chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 là khả năng tự làm sạch một cách tự nhiên của sông Đồng Nai đã và đang bị đe dọa bởi tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
| ||
Cống xả nước thải ở phía sau Công ty Nhựa Đồng Nai. (Ảnh: H.S) |
Theo báo cáo của ngành chức năng, mỗi ngày, 105 doanh nghiệp (DN) đóng tại KCN Biên Hòa 1 xả ra hơn 7.700 m3 nước thải.
Trong số này, chỉ có 1.100 m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý, lượng nước thải còn lại (khoảng 6.600 m3) được các DN tự xử lý, rồi xả thẳng ra sông Đồng Nai.
Trong chuyến đi thực tế mới đây, phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn đã trực tiếp đến tận nơi dẫn nguồn nước thải từ KCN Biên Hòa 1 (phường An Bình, TP. Biên Hòa) ra sông Đồng Nai.
Tại khu vực phía sau Công ty Nhựa Đồng Nai và kế đó là Xí nghiệp Chế biến nông sản An Bình có 2 đường thoát nước thải lớn, nước chảy xối xả, tung bọt đục ngầu, cùng lúc chảy ra kênh dẫn trực tiếp ra sông Đồng Nai.
Cách đó không xa, tại khu vực bến đò An Hảo là một kênh dẫn nước thải khác. Theo phản ánh của nhiều người ở đây, kênh nước thải này có thể là từ công ty giấy, công ty cao su và mấy nhà máy hóa chất ở gần đó.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, nước sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai (TP. Biên Hòa) có hàm lượng các chất hữu cơ, sắt và vi khuẩn gây bệnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Nhiều ưu đãi dành cho DN di chuyển
Ông Trần Văn Hải, Phó tổng giám đốc Sonadezi, đơn vị được tỉnh Đồng Nai giao xây dựng Dự án cho biết, dự kiến, KCN Giang Điền (thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), rộng 528 ha - cách KCN Biên Hòa 1 khoảng 20 km - được chọn làm nơi để di dời. Đồng thời, nếu các DN muốn di dời về các KCN Ông Kèo, Long Thành cũng được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất.
Đáng chú ý là, các DN đang hoạt động tại KCN Biên Hòa 1 sẽ được ưu tiên trở thành cổ đông của Công ty Quản lý Dự án khu đô thị - thương mại - dịch vụ sau khi chuyển đổi.
Ông Nguyễn Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, với tổng kinh phí khoảng 15.000 tỷ đồng, Dự án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 sẽ trở thành khu đô thị - dịch vụ - thương mại, đối tượng bị di dời là các nhà máy, xí nghiệp, chứ không phải là các hộ dân, vì thế, chi phí hỗ trợ di dời là rất lớn. Mới đây, đoàn công tác của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về Dự án này. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đoàn, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thiện Dự án Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 báo cáo các bộ, ngành chức năng để sớm trình Chính phủ trong thời gian tới.
Trong quá trình xây dựng dự án, Sonadezi đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến DN. Qua đó, hầu hết DN đồng ý với chủ trương di dời, nhưng vẫn băn khoăn, lo lắng.
Băn khoăn của DN “trong cuộc”
Đại diện Công ty cổ phần Nhất Nam, chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước nêu băn khoăn là khi di dời, nếu không muốn để mất khách hàng, thì DN vừa phải duy trì hoạt động, vừa phải xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc trước hai năm, nên cần lượng vốn không nhỏ…
Cũng chung lo lắng về vốn, lãnh đạo Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa (Sovi) cho rằng, việc di dời nhà máy khá tốn kém, tổng chi phí di dời ước tốn khoảng 120 tỷ đồng. Vốn tự có của Sovi cho việc này chắc chắn là không có, mà phải đi vay ngân hàng.
Ngoài nỗi lo về vốn, còn có e ngại khó tuyển lao động. Đại diện CTCP Cơ khí thực phẩm và xây lắp Biên Hòa cho biết, đặc thù của DN là cần thợ có tay nghề, nếu phải chuyển đến nơi quá xa sẽ rất khó khăn cho việc kiếm thợ. Hiện Phần lớn công nhân của Công ty đều có gia đình ổn định tại Biên Hòa, nên việc phải di chuyển xa sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Đến nay, ngoài 2 DN đã xây dựng một phần nhà xưởng tại địa điểm mới (nhà máy chính vẫn hoạt động ở KCN Biên Hòa 1 - PV) các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 vẫn chưa di dời, dù tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
Hồng Sơn