Từ con đường độc đạo…
Đất trời nơi đây đón tôi với cái nắng hanh hao se se hơi lạnh của hơi đá núi thời khắc Tây Nguyên chuyển mùa. Tây Nguyên tháng 11, hoa dã quỳ bắt đầu nở rực, hoa bông lau cũng đã phủ trắng các triền núi. Từ ngã 3 Đăk Tả rẽ theo Tỉnh lộ 673, anh A Viếu - cán bộ Phòng Văn hoá Thông tin huyện Đăk Glei (Kon Tum) “thồ” tôi trên con xe Win gầm cao đi vào thung lũng Ngọc Linh thăm lại vùng đất cũ, nơi mà nhà văn Nguyên Ngọc từng miêu tả tường tận và gọi nó với cái tên làng Xô Man trong tác phẩm “Rừng xà nu”.
Trong ký ức của người dân 4 xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Đak Choong, Xốp và cả những ai từng công tác qua thung lũng Ngọc Linh cách đây hơn 25 năm, Tỉnh lộ 673 chỉ là một lối đi tắt mà người ta băng rừng để đi vào thung lũng. Sau này, huyện Đăk Glei và tỉnh Kon Tum đã đầu tư vật lực đào núi mở đường và lối đi cắt rừng ấy trở thành một con đường tỉnh lộ.
Đường liên thôn ở các xã dưới chân núi Ngọc Linh đã được bê tông hóa hoàn chỉnh phục vụ cho phát triển kinh tế |
Tuy nhiên ám ảnh của những người dân Đăk Glei và nhiều cán bộ làm việc ở địa phương vẫn còn y nguyên cho đến hôm nay, đó là cảnh tượng lội bộ suốt chặng đường vượt núi với tình cảnh bùn lầy ngập quá gối mỗi khi họ phải đi từ thị trấn Đăk Glei vào thung lũng trong những ngày Tây Nguyên giữa mùa mưa. Khi ấy, Tỉnh lộ 673 chỉ là con đường đất, chưa được “bê tông hoá”.
Đến cuối năm 2013, quá trình nâng cấp tỉnh lộ mới bắt đầu hoàn thiện. Cùng thời điểm này, Tỉnh lộ 673 đã được đầu tư xây dựng mở lối xuyên qua đỉnh Ngọc Linh để thông đến huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Tô đi thẳng xuống TP. Kon Tum. Cũng từ đây, thế cô lập của thung lũng “xà nu” đã chấm dứt.
Cụ Đinh Như Rươn lật những trang tài liệu cũ nói về cha mình - Anh hùng Lực lượng vũ trang Đinh Môn |
Nhờ tuyến tỉnh lộ ấy, kinh tế của 4 xã dưới chân núi Ngọc Linh trong mấy năm qua liên tục phát triển. Tại trung tâm xã Đăk Choong, giờ đã có cả những cửa hàng lớn bán vật liệu xây dựng, đầu máy kỹ thuật số, chảo ti vi, điện thoại, quần áo giày dép với các mẫu mã hiện đại không thua kém gì ở phố. Những nếp nhà gỗ nhỏ đơn sơ xưa kia dần dần được thay thế bằng những ngôi nhà xây kiên cố. Trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang hiện đại. Các loại xe đời mới của các hãng Honda, Yamaha, SYM… trở nên phổ biến.
…đến huyền thoại cụ Mết và rừng xà nu
Cây xà nu mà nhà văn Nguyên Ngọc miêu tả là đạn bắn vào nhựa rỉ ra trắng đục như chảy máu thực ra là cây thông ba lá. Từ hình ảnh “rừng xà nu kéo dài đến tận chân trời” trên trang sách, giờ ập vào trước mắt tôi chỉ là những thửa đồi với bạt ngàn cây cà phê, bời lời đan xen lẫn nhau. Xà nu giúp dân làng Xô Man trong tác phẩm “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyên Ngọc giữ đất giữ nước đang phải “nhường chỗ” cho cây cà phê, loài cây đưa bà con ở đây vươn lên thoát nghèo. Thông ba lá còn sót lại rất ít, hiện chỉ còn lác đác một vài nơi.
Cũng nhờ câu chuyện “Rừng xà nu”, thung lũng Ngọc Linh đã trở nên nổi tiếng, được cả nước biết đến với tinh thần anh dũng kiên cường trong chiến đấu của đồng bào dân tộc Giẻ Chiêng, mà đại diện tiêu biểu chính là cụ Mết. Cụ Mết trong câu chuyện ấy chính là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Môn. Sinh thời, cụ Đinh Môn cùng Anh hùng Núp là hai anh hùng tiêu biểu đại diện cho tinh thần bất khuất kiên cường của đông bào Tây Nguyên trong chiến đấu chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Địa danh Xô Man trong tác phẩm “Rừng xà nu” cũng chính là làng Xốp Dùi thuộc xã Xốp hiện nay.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Môn đã mất cách đây 15 năm. Nhưng hiện giờ, ngoại trừ người con trai cả là ông Đinh Như Rươn (SN 1953), nguyên Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Glei đang sinh sống tại thị trấn Đăk Glei, những người con còn lại của cụ Đinh Môn vẫn đang bám thung lũng, định cư ở làng Xốp Dùi, Xốp Nghét.
Và “giấc mơ tỷ đô” của người Giẻ Chiêng
Nói đến thung lũng Ngọc Linh, người ta không chỉ biết đến hình ảnh của rừng xà nu, cụ Mết và làng kháng chiến Xô Man, mà còn biết đến với địa danh “Ngục Tố Hữu”. Đây chính là nơi đã giam giữ người tù cộng sản nổi tiếng, nhà thơ Tố Hữu trong những ngày đầu xuân xanh khi ông hoạt động cách mạng. A Viếu kể, hàng năm, khách tham quan di tích Ngục Tố Hữu khá đông, con số lên đến cả ngàn lượt mặc dù di tích ở vị trí khá heo hút, chập chừng giữa mênh mông thung lũng.
Dẫn tôi đi vào tham quan di tích Ngục Tố Hữu cùng anh A Miêng, nhân viên trông coi tại di tích, anh A Viếu cứ xuýt xoa: “Cứ mỗi lần có đoàn công tác hay khách ở đâu đi ngang qua ngã ba Đăk Tả (đoạn giao giữa đường Hồ Chí Minh và Tỉnh lộ 673), trông thấy biển chỉ dẫn đường vào Ngục Tố Hữu thì kiểu gì họ cũng lại rẽ vào để tham quan. Tiếc là do chưa có đủ kinh phí, nên địa phương vẫn chưa thể tôn tạo, xây dựng hoàn thiện di tích cho bề thế như tầm vóc của cụ Tố Hữu”.
Trước hôm tôi vào thực địa thung lũng Ngọc Linh, ông Trịnh Xuân Lộc, Phó chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết, địa phương tâm huyết với Dự án tôn tạo Khu di tích lịch sử Ngục Tố Hữu lắm, cũng rất muốn tôn tạo để di tích trở thành điểm đến được người dân cả nước biết đến. Đến nay việc tôn tạo, trùng tu đã hoàn thành các gói thầu số 1, số 2, số 3 và sắp hoàn thiện gói thầu số 5 (hệ thống điện chiếu sáng).
“Về phần vốn, đến nay Dự án đã được bố trí 13 tỷ đồng, nhưng để tôn tạo hoàn chỉnh như mong muốn thì vẫn còn thiếu hơn 20 tỷ đồng nữa. Ngân sách khá khó khăn, nên địa phương rất mong có nhà đầu tư cùng chung tâm huyết có thể hỗ trợ địa phương tiếp tục đầu tư tôn tạo và sớm hoàn thiện di tích để đưa vào phục vụ khách tham quan”, ông Lộc nói.
Tin rằng, nếu được tôn tạo đồng bộ và bề thế, chắc chắn nay mai thôi, di tích Ngục Tố Hữu sẽ trở thành điểm đến tham quan du lịch lịch sử thu hút đông đảo du khách. Bởi trong quần thể di tích này, người ta không chỉ biết đến một nơi mà người tù cộng sản kiên trung là nhà thơ Tố Hữu từng “nằm gai nếm mật”, “nghe con tu hú gọi bầy” để rèn rũa lý tưởng cách mạng. Nơi đây cũng đã đi vào sách giáo khoa với hình tượng cây xà nu, cụ Mết và những trận đánh kinh hồn bạt vía kẻ thù của dân làng Xô Man.
Xa và rộng hơn nữa, đó chính là quần thể núi Ngọc Linh - ngọn núi cao thứ hai Việt Nam, nơi nổi tiếng với loài sâm quý là sâm Ngọc Linh cùng giấc mơ “tỷ đô” vươn ra thế giới của người dân đại ngàn thung lũng. Loại sâm này mọc tập trung ở xung quanh dãy núi Ngọc Linh, ở độ cao 1.200 đến 2.100 m, là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Sâm Ngọc Linh được đánh giá là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, thậm chí còn cao hơn cả nhân sâm Triều Tiên. Hiện nay, giá bán trên thị trường của sâm Ngọc Linh khá cao, dao động từ 25 đến 40 triệu đồng/kg, có loại lên đến gần 100 triệu đồng/kg.
Nếu Đề án Phát triển, sản xuất nhân rộng sâm Ngọc Linh được thực hiện thành công (Đề án đã được Chính phủ phê duyệt năm 2015), trong tương lai, thung lũng Ngọc Linh của huyện Đak Glei cùng với 2 huyện khác là Tu Mơ Rông (Kon Tum) và Nam Trà My (Quảng Nam) sẽ không chỉ là vùng đất gắn với những di tích lịch sử cách mạng, mà sẽ trở thành “thủ phủ sâm” mới của châu Á và thế giới.
Tuy nhiên, viễn cảnh ấy vẫn còn xa lắm! Nói như ông Trịnh Xuân Lộc, Phó chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, phải cần sự chung tay của các bộ, ban ngành và nhà đầu tư thì giấc mơ ấy mới có thể trở thành hiện thực...