| ||
Người dùng 3G chưa hài lòng với dịch vụ |
Đây là một trong những kết quả quan trọng của cuộc khảo sát về mức độ hài lòng của người dùng 3G tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM năm 2012, do Công ty Nielsen và Báo Bưu điện thực hiện thường niên. Theo đó, chỉ số hài lòng của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ 3G nói chung giảm từ 71 điểm năm 2011 xuống 64 điểm năm 2012.
Kết quả của cuộc khảo sát cũng cho thấy, khách hàng hài lòng với độ rộng của vùng phủ sóng (84 điểm), song vẫn chưa thực sự hài lòng về tốc độ đường truyền của các nhà mạng (55 điểm).
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Đức Thắng, Phó giám đốc VinaPhone cho rằng, việc việc nhiều người dùng không hài lòng với tốc độ đường truyền 3G còn do đòi hỏi của khách hàng ngày càng cao, không chỉ đơn thuần là những nội dung text (văn bản), mà còn là các đoạn video, các trò game đòi hỏi băng thông lớn.
“Chúng tôi đã cố gắng cân chỉnh mạng để làm sao phù hợp với khả năng của hệ thống, ưu tiên tập trung vào những nơi có nhu cầu lớn, đặc biệt ở các thành phố lớn. Và có thể, trong quá trình ấy, đã có những phát sinh không được như mong muốn”, ông Thắng lý giải và khẳng định, VinaPhone luôn cố gắng nâng cao chất lượng mạng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc chiến lược của Viettel Telecom cho rằng, việc số lượng khách hàng sử dụng 3G tăng gấp 5 lần trong năm 2012 là một thách thức rất lớn đối với nhà mạng. “Khi 3G trở thành dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống, thì trải nghiệm của người dùng càng ngày càng đòi hỏi cao hơn. Khi số lượng người dùng 3G tăng cao, thì những khiếm khuyết nhất định đã tồn tại từ lâu đến nay mới bộc lộ rõ”, ông Dũng nói và một lần nữa thừa nhận, việc đảm bảo chất lượng dịch vụ đang là một thách thức lớn đối với các nhà mạng.
“Theo khảo sát của Qualcomm, thì sự phát triển 3G tại Việt Nam không nằm ngoài xu hướng của các nước đang phát triển trên thế giới và khu vực. Từ nay đến năm 2016, tốc độ phát triển 3G sẽ tăng nhanh, với các nước ASEAN là 226%, còn trên toàn thế giới, tới thời điểm đó sẽ có 4 tỷ người dùng 3G, thay vì là 2 tỷ người như hiện nay. Trong đó, riêng khu vực ASEAN sẽ có gần nửa tỷ người dùng 3G”, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào của Qualcomm phát biểu.
Một khía cạnh quan trọng khác, theo ông Nam, trong thời gian tới, dữ liệu mạng có thể tăng gấp 1.000 lần, đòi hỏi các nhà mạng phải tập trung đầu tư công nghệ để đáp ứng yêu cầu. “Có 3 hướng đầu tư, là wifi, 3G - 4G và Small Cells. Sau 3 năm triển khai ở Việt Nam, 3G đã có tốc độ phát triển nhanh chóng. Các công nghệ 3,5G, 3,7G cũng sẽ giúp tăng nhiều băng thông. Nhưng Small Cells là giải pháp hiệu quả, giúp giải quyết bài toàn tăng dữ liệu mà Qualcomm đang giới thiệu cho các nhà mạng”, ông Nam cho biết.
Thực tế, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Nam Thắng, sự bùng nổ 3G ở Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội phát triển cho các nhà mạng, cũng như cho các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối. Thách thức lớn trong thời gian tới là nâng cao chất lượng dịch vụ mạng, cũng như khả năng chuyển đổi mạng.
“Về công nghệ, chắc chắn chúng ta sẽ triển khai 4G, nhưng phải có lộ trình phù hợp. Các doanh nghiệp Việt mới triển khai 3G được 3 năm, do đó, cần có thời gian khai thác hiệu quả hạ tầng đầu tư. Trong quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, sau năm 2015, Việt Nam mới xem xét triển khai cấp phép công nghệ 4G và các thế hệ tiếp theo trên cơ sở đấu giá, thi tuyển. Thiết bị 4G trên thị trường hiện chưa nhiều, còn đắt, đặc biệt là thiết bị đầu cuối”, Thứ trưởng Thắng nói.
Đồng tình quan điểm này, ông Nam cũng cho rằng, năm 2015 là thời điểm thích hợp để Việt Nam triển khai 4G, bởi thời điểm đó, giá thiết bị đầu cuối sẽ rẻ đi nhiều và phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Nhưng có lẽ, ngay từ bây giờ, các nhà mạng Việt Nam cũng cần có sự chuẩn bị.
Nhã Nam