Lan tỏa thương hiệu cam Xã Đoài
Qua khá nhiều khâu kết nối, cuối cùng tôi cũng liên hệ được với ông Trịnh Xuân Giáo, chủ trang trại cam Thiên Sơn - Xã Đoài rộng hơn 54 ha, chuyên trồng giống cam quý Xã Đoài tại Thung Bừng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An).
Cuộc điện thoại kéo dài chưa đầy 30 phút trong những ngày đầu năm mới 2024 chốc chốc lại bị ngắt quãng bởi khu trang trại cam Xã Đoài lớn nhất Việt Nam của ông Trịnh Xuân Giáo nằm lọt trong một thung lũng đá vôi hay bị rớt sóng điện thoại.
“Đang trong đợt thu hoạch rộ nên tôi rất bận, phải ở trang trại để trông coi, đến cuối tháng 1/2024 mới về Vinh, sau đó có thể ra Hà Nội. Cam năm nay được mùa, đẹp cả hình thức lẫn hương vị, lại được nhiều người biết đến sau khi Vietnam Airlines chọn làm món ăn tráng miệng nên rất hút khách mua để thưởng thức hoặc làm quà biếu Tết”, ông Trịnh Xuân Giáo mở đầu câu chuyện về hành trình đưa thức quả được mệnh danh là “đặc sản tiến vua” lên máy bay.
Không chỉ biết đến là người tâm huyết với một trong những thức quả nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, ông Giáo còn là người rất thú vị như chính hương vị cam Xã Đoài mà ông theo đuổi suốt 20 năm qua. Trước khi trở thành chủ hai trang trại cam Xã Đoài có diện tích lên tới 70 ha, ông là một doanh nhân khá nổi tiếng ở Nghệ An và nước bạn Lào, cũng là một người yêu văn chương, thơ phú.
Sau 6 năm làm ăn tại Công hòa Séc (quãng đời bôn ba nơi xứ người khá ly kỳ này đã được ông kể lại trong cuốn tiểu thuyết đầu tay dày dặn rất hấp dẫn mang tên “Cuộc chiến mưu sinh”), tích lũy được số vốn kha khá, ông Trịnh Xuân Giáo quyết định cùng vợ trở về quê tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) vào đầu năm 2001, khi tròn 34 tuổi.
Sau khi thành công trên cương vị là doanh nhân trong lĩnh vực công nghiệp và chế biến khoáng sản, vào cuối năm 2009, ông đột ngột “quay xe”, quyết định làm nông dân khi một lần được bạn mời ăn quả cam Xã Đoài chín mọng vừa hái từ trên cây. Vị ngọt, mùi thơm độc đáo của loại cam này khiến vị doanh nhân từng trải nhận thấy cơ hội, tiềm năng đưa đặc sản quê hương lên tầm cao mới.
Cần phải nói thêm rằng, cam Xã Đoài là một thức quả ngon nổi tiếng, nhưng do chỉ trồng trên một diện tích nhỏ tại xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc), nên nhiều người dân chưa có cơ hội thưởng thức, mà chỉ biết đến cam Xã Đoài qua bài thơ “Mùa cam” của nhà thơ Phạm Tiến Duật, từng được đưa vào sách giáo khoa bậc phổ thông: “Cam xã Đoài mọng nước/ Giọt vàng như mật ong/ Bổ cam ngoài cửa trước/ Hương bay vào nhà trong”.
Sau nhiều năm tìm tòi, khảo nghiệm và bỏ ra một gia sản lớn để làm ăn bài bản, vào năm 2013, trang trại cam Xã Đoài đầu tiên của ông Trịnh Xuân Giáo rộng 20 ha ở Đồng Thành cho lứa quả đầu tiên với chất lượng tương đương với cam Xã Đoài chính tông. Vườn cam ở Đồng Thành cũng là một trong những trang trại cam đầu tiên ở miền Bắc được nhận Chứng chỉ nông nghiệp tốt toàn cầu - Global GAP.
Nhờ hương vị đặc biệt, chất lượng ổn định, có sản lượng tương đối lớn, nhất là sở hữu trong tay chứng chỉ Global GAP, cam Xã Đoài của ông Trịnh Xuân Giáo đã được Tập đoàn AEON nhập, bán tại thị trường Nhật Bản, qua đó chính thức vươn ra thế giới.
“Làm nông nghiệp thời nào cũng vất vả, nhưng trồng cây đặc sản đỏng đảnh, khó tính như cam Xã Đoài nếu không dồn hết thời gian bám đồng đất, đau đáu với từng thân cây và làm một cách bài bản, khoa học theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ thì rất khó đi xa”, ông Trịnh Xuân Giáo chia sẻ.
Mong muốn đưa giống cam quý này tới đông đảo người dân trong nước với giá cả phải chăng, vào năm 2016, ông Trịnh Xuân Giáo quyết định lên Con Cuông thuê 54 ha đất khu vực núi đá vôi để trồng cam Xã Đoài, đồng thời chính thức gây dựng thương hiệu Cam Thiên Sơn Xã Đoài. Sau 3 năm cải tạo, chuẩn bị mặt bằng, trang trại cam Thiên Sơn Xã Đoài trồng đại trà 25.000 gốc cam Xã Đoài theo tiêu chuẩn Global GAP.
Mặc dù từng xuất khẩu được sang Nhật Bản, nhưng ông Trịnh Xuân Giáo vẫn canh cánh nỗi lo bởi cam Thiên Sơn Xã Đoài vẫn là một thương hiệu chưa được nhiều người nước ngoài biết đến, “vị cam” cũng mới chỉ bay quanh Thung Bừng. Chính vì vậy, việc nhận được lời đề nghị mua cam từ Vietnam Airlines để chế biến thành món tráng miệng phục vụ hành khách đã mang lại cơ hội quảng bá rất tốt cho cam Thiên Sơn Xã Đoài.
Sau một quá trình thẩm định nghiêm túc, đầu tháng 10/2023, Vietnam Airlines chính thức đồng ý mua mỗi ngày 2 tấn cam Xã Đoài để phục vụ hành khách, mang lại niềm vui lớn cho gia đình ông Trịnh Xuân Giáo.
“Cả gia đình tôi vỡ òa sau khi được Vietnam Airlines đồng ý hợp tác, bởi điều này có nghĩa là cam Xã Đoài sẽ được nhiều hành khách trong và ngoài nước biết đến bằng trải nghiệm thực tế, thay vì phải hình dung qua những câu thơ trong sách giáo khoa thời học trò”, ông Trịnh Xuân Giáo nói.
Đến ngày 12/12/2023, Vietnam Airlines triển khai phục vụ cam Xã Đoài - thức quả được mệnh danh là đặc sản “tiến vua” tới hành khách hạng phổ thông, thương gia trên tất cả các đường bay nội địa và quốc tế có phục vụ ăn trên khay và có món tráng miệng là trái cây.
Mặc dù chương trình này chỉ kéo dài 10 ngày, nhưng hình ảnh về những lát cam vàng óng, mọng nước trên khay ăn với một tấm thiếp trang nhã giới thiệu thức quà độc đáo này bằng tiếng Anh và tiếng Việt: Cam Thiên Sơn Xã Đoài - Sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Việc đưa được cam Xã Đoài lên máy bay, với ông Trịnh Xuân Giáo, không chỉ đơn thuần là bán thêm được vài chục tấn cam, mà còn có thêm một bảo chứng về chất lượng, đồng thời lan tỏa hương vị cam Xã Đoài bay xa.
Của một đồng, công nhiều nén
Quá trình đưa cam Xã Đoài lên máy bay xuất phát từ một khởi điểm khá tình cờ. Ông Nguyễn Cao Cường, Trưởng phòng Dịch vụ trên không, Ban Dịch vụ hành khách của Vietnam Airlines cho biết, Hãng hàng không Quốc gia đã biết đến cam Xã Đoài – giống quả quý của quê hương Nghệ An và đang tìm nguồn cung cấp để làm món tráng miệng phục vụ hành khách trên máy bay.
Sau khi biết đến trang trại Cam Thiên Sơn Xã Đoài, nhóm công tác của Vietnam Airlines trực tiếp về trang trại cam của ông Trịnh Xuân Giáo để tận mục sở thị về chất lượng, khả năng cung cấp số lượng lớn, ổn định và nhất là quy trình chăm bón hữu cơ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
“Quá trình thẩm định khá nhanh, bởi chúng tôi ngay lập tức bị mê hoặc bởi hương vị cam. Bên cạnh đó, trang trại cam Thiên Sơn Xã Đoài có chứng chỉ GlobalGAP và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản”, ông Cường kể. Quy trình đánh giá diễn ra nhanh gọn, nhưng để đưa được đặc sản này lên bàn ăn của hành khách trên máy bay của Hãng hàng không Quốc gia - Vietnam Airlines, trái cam còn phải trải qua rất nhiều công đoạn chế biến công phu.
Cụ thể, sản phẩm phải trải qua quy trình kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu thu hái, chuyển vào kho mát ở nhiệt độ 5-7 độ C, ngâm khử trùng và giữ lạnh cho đến khi được đưa lên máy bay. Qua bàn tay của các đầu bếp từ công ty suất ăn của Vietnam Airlines, trái cam tiếp tục được cắt múi, bỏ lõi, tránh dập và trình bày cẩn thận vào từng khay sứ nhỏ màu trắng trước khi đến với bàn ăn của hành khách.
“Để đảm bảo chất lượng cao nhất, một trái cam Xã Đoài sau khi chế biến có khi chỉ lấy được 4-5 miếng. Đó thực sự là của một đồng, công nhiều nén của cả hãng bay lẫn nhà cung cấp. Tuy nhiên, với những người làm dịch vụ của Vietnam Airlines, việc mang đến cho hành khách những thức quả quý hiếm, ít khi họ được thưởng thức là một điều hạnh phúc”, ông Cường chia sẻ.
Được biết, việc đưa cam Thiên Sơn Xã Đoài làm món ăn tráng miệng nằm trong Chương trình Con đường nông sản đang được Vietnam Airlines theo đuổi nhằm tiếp nối thành công của Chương trình Bốn mùa hoa trái, bốn mùa yêu thương, được Hãng khởi xướng từ năm 2015. Trước cam Xã Đoài, Vietnam Airlines cũng đưa nhiều trái cây đặc sản làm món tráng miệng như cam Canh, nhãn lồng Hưng Yên, vải Thanh Hà, vải Lục Ngạn, mận Hậu, xoài cát Hòa Lộc.
Theo ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, đây là chính là hoạt động nhằm quảng bá ẩm thực Việt một cách chân thực nhất qua từng điểm chạm trong trải nghiệm văn hóa, du lịch của khách hàng. Những hành khách của Vietnam Airlines sẽ được thưởng thức các đặc sản trứ danh như một lời chào từ mọi miền đất nước.
“Ẩm thực hàng không thêm một lần gắn kết với các giá trị văn hóa truyền thống, đưa các đặc sản Việt trở thành hương vị lưu giữ tấm lòng du khách và mở ra cơ hội cho một hệ sinh thái nông sản sạch của người Việt như trường hợp của cam Thiên Sơn Xã Đoài trong hành trình vươn xa của các hãng hàng không”, ông Đặng Anh Tuấn đánh giá.