Có 5 dự án FDI tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư mới hoặc tăng vốn trong năm 2015, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 8,2 tỷ USD. Chỉ riêng các dự án này đã đóng góp hơn 36% thành tích thu hút FDI vào Việt Nam trong năm qua.
Hãy cũng Báo Đầu tư điểm lại các dự án này.
1/ Dự án Samsung Display, tăng vốn thêm 3 tỷ USD
Đây là dự án tỷ USD có quy mô vốn đăng ký lớn nhất trong năm qua. Cuối tháng 4/2015, đã bắt đầu có những thông tin về việc Samsung Display dự kiến chuyển mảng sản xuất từ Hàn Quốc sang Trung Quốc và Việt Nam.
Dư luận cho rằng, khả năng lớn nhất sẽ là Việt Nam. Bởi sau khi chính thức vận hành nhà máy Samsung Display, vốn đầu tư 1 tỷ USD ở Bắc Ninh vào tháng 3/2015, thì nhà đầu tư này có thể đã quyết định tăng vốn đầu tư cho Dự án.
Con số đồn đoán lúc đó là 1 tỷ USD hoặc 2 tỷ USD. Cuối tháng 7/2015, hồ sơ Dự án được đệ trình lên Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam. Ngày 6,8/2015, Dự án chính thức được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh và con số là 3 tỷ USD chứ không phải là 1 tỷ USD hay 2 tỷ USD như đồn đoán.
Samsung Display tăng vốn để mở rộng nhà máy chuyên sản xuất các loại màn hình thế hệ mới, như OLED, AMOLED... dùng cho các thiết bị di động, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất của Samsung tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu.
Sự có mặt của Dự án ngoài việc khẳng định quyết tâm đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh Tập đoàn Samsung, thì dự án này vào thời điểm đó có ý nghĩa rất lớn tới thu hút FDI của Việt Nam.
7 tháng đầu năm, thiếu vắng các dự án quy mô lớn nên FDI vào Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ, khiến dư luận không khỏi quan ngại. Tuy nhiên với dự án này, vốn FDI vào Việt Nam đã có sự đảo chiều ngoạn mục.
Tính chung trong 8 tháng năm 2015, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 13,33 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2014.
2/ Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2, vốn đầu tư 2,4 tỷ USD
Dự án tỷ USD có quy mô lớn thứ hai vào Việt Nam trong năm qua là Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2, được xây dựng theo hình thức BOT tại tỉnh Trà Vinh và được cấp chứng nhận đầu tư vào tháng 9/2015.
Janakuasa (Malaysia) là nhà đầu tư của Dự án, với tổng vốn đầu tư cho Dự án là 2,4 tỷ USD, bao gồm cả 10% dự phòng.
Cũng giống như các dự án điện BOT khác, dự án này cũng phải mất nhiều năm mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Janakuasa được chấp thuận là nhà đầu tư cho Dự án vào năm 2009, nghĩa là phải 6 năm sau mới chính thức có trong tay “giấy thông hành” để triển khai Dự án.
Cuối tháng 12 vừa qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã ký chính thức Hợp đồng BOT, cam kết bảo lãnh của Chính phủ với Tập đoàn Janakuasa (Malaysia) để triển khai dự án này.
Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ có 1 năm, kể từ khi ký hợp đồng BOT để hoàn tất việc thu xếp tài chính trước khi chính thức khởi công xây dựng. Dẫu vậy, phía Tập đoàn Janakuasa đang rất kỳ vọng hoàn tất công việc này sớm nhất để có thể khởi công xây dựng vào quý II/2016.
Đồng hành với Janakuasa tại Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2 là Tập đoàn Alstom (Pháp) trong vai trò cung cấp thiết bị chính.
Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2 là một trong 4 nhà máy được đầu tư tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải có tổng công suất trên 4.200 MW. Ba dự án còn lại gồm Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng. Các dự án này đều được đầu tư bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Khi đi vào hoạt động, Trung tâm Điện lực Duyên Hải sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia khoảng 30 tỷ kWh điện hàng năm, giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm cấp điện cho khu vực miền Nam giai đoạn 2015 - 2020 và sau năm 2020.
3/ Dự án Thành phố Đế Vương, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD
Đây chính là dự án tỷ USD đầu tiên xuất hiện trong năm 2015. Tuy nhiên, chỉ với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, vào thời điểm được cấp chứng nhận đầu tư (cuối tháng 6/2015), Dự án không đủ để làm xoay chuyển dòng vốn FDI đang có xu hướng giảm vào Việt Nam.
Nhưng thực tế chỉ là không đủ xoay chuyển tổng vốn FDI cả cấp mới và tăng thêm. Vì được cấp chứng nhận đầu tư cuối tháng 6, nên thành tích được ghi sang tháng 7. Và nhờ dự án này, vốn đăng ký mới trong 7 tháng đã đạt 6,92%, tăng 1% so với cùng kỳ.
Dự án Thành phố Đế Vương (Empire City), do Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái liên doanh với nhà đầu tư Denver Power Ltd (Anh), đầu tư tại TP.HCM.
Theo quy hoạch được duyệt, Dự án có mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên khu đất diện tích khoảng 14,5 ha, nằm dọc theo trục đường Mai Chí Thọ và ven sông Sài Gòn, thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.
Cụ thể, Công ty Empire City sẽ xây dựng một khu phức hợp bao gồm trung tâm thương mại cao cấp, khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, căn hộ ở và căn hộ dịch vụ, bãi đậu xe ngầm… theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 730.000m2, trong đó có một tòa nhà chức năng cao 86 tầng với kiểu dáng kiến trúc độc đáo mang tính biểu tượng, là công trình điểm nhấn cao nhất Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây cũng được xem là dự án toà nhà cao nhất Việt Nam hiện nay (tính theo giấy phép).
4/ Dự án Giấy Cheng Loong, vốn đầu tư 1 tỷ USD
Dự án giấy bao bì công nghiệp Cheng Loong, do Tập đoàn Cheng Loong (Đài Loan) đầu tư tại Bình Dương chính là dự án tỷ USD thứ 4 được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm qua.
Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 4/12/2015, Dự án dự định được xây dựng tại KCN Singapore Ascendas-Protrade (Bến Cát, Bình Dương).
Dự án này trên thực tế đã được ông Tong Ho Tsai, Tổng giám đốc Tập đoàn Cheng Loong đề cập với ông Hồ Văn Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ cuối tháng 7/2014, khi lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sang xúc tiến đầu tư tại Đài Loan.
Ngay sau đó, tháng 9/2014, Cheng Loong cũng đã tới đây để tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án này. Tuy nhiên, cho đến nay, thì Cheng Loong lại quyết định đầu tư ở Bình Dương.
Cheng Loong hiện có 29 nhà máy sản xuất bao bì giấy trên thế giới và chuyên cung cấp cho các tập đoàn lớn như Apple, Nike… Tập đoàn này cũng đã có hai nhà máy tại Việt Nam và nay, mong muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, dự án ở Bình Dương là dự án có quy mô lớn nhất của Tập đoàn tại Việt Nam.
Việc Cheng Loong quyết định đầu tư một dự án giấy bao bì quy mô lớn ở Việt Nam cũng là để đón đầu các cơ hội do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại.
Ngoài dự án này, năm 2014, Cheng Loong cũng đã bày tỏ mong muốn đầu tư một nhà máy điện sử dụng năng lượng sinh khối từ than tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
5/ Dự án Tổ hợp Samsung TP.HCM, vốn tăng thêm 600 triệu USD
Tuy vốn tăng thêm chỉ là 600 triệu USD, nhưng dự án này cũng có thể được coi là dự án tỷ USD. Bởi lẽ, thêm khoản vốn này, tổng vốn đầu tư của Tổ hợp Samsung CE Complex (SEHC) được nâng lên từ 1,4 tỷ USD lên 2 tỷ USD.
Được Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh vào chiều ngày 29/12/2015, SEHC đã tạo một cái kết viên mãn cho thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2015.
Với dự án này, vốn FDI vào Việt Nam năm 2015 sẽ không chỉ dừng lại ở con số 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước nữa, mà chắc chắn sẽ vượt 23 tỷ USD. Trong khi đó, vốn giải ngân vẫn đang ước tính ở mức 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm ngoái và là mức cao nhất kể từ trước tới nay.
Cùng với việc tăng vốn, Samsung cũng đồng thời bổ sung nội dung thành lập Phòng thí nghiệm đo kiểm trong lĩnh vực điện tử, viễn thông và bổ sung hoạt động bảo hành, sửa chữa trong phạm vi nhà máy của Dự án.
Dự án SEHC được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào cuối tháng 9/2014 và bắt đầu khởi công xây dựng vào ngày 19/5/2015. Hiện, SEHC đang ở giai đoạn cuối của việc xây dựng và lắp đặt máy móc, thiết bị.
Theo kế hoạch, tháng 1/2016, Dự án sẽ vận hành thử và tháng 2/2016 sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Trong giai đoạn đầu, SEHC sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm TV cao cấp như SUHD TV, Smart TV, LED TV… Sau đó, giai đoạn 2018 - 2019 và 2019 - 2020 sẽ sản xuất các sản phẩm máy giặt, tủ lạnh, máy hút bụi và đồ điện gia dụng khác.