Nguồn cung ổn định
Dự án tổ hợp căn hộ, khách sạn Terra Royal do Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà (Intresco) làm chủ đầu tư đã chính thức tung 7.712 m2 ra thị trường trong năm 2020. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2.700 tỷ đồng, tọa lạc trên quỹ đất đẹp tại trung tâm TP.HCM khi sở hữu hai mặt tiền đường Lý Chính Thắng và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3). Giữa lúc quỹ đất trung tâm hạn chế, vị trí đẹp giúp gia tăng giá trị cho Terra Royal trong mắt các khách thuê ngoại.
Terra Royal cùng với 7 dự án khác cung cấp cho phân khúc bất động sản bán lẻ khoảng 50.000 m2. Phần lớn các dự án này hiện diện tại khu vực phía Đông TP.HCM, gồm quận 2, quận 9, Bình Thạnh và Thủ Đức.
Đáng chú ý, sau quãng thời gian dài sửa chữa, Parkson đã cho vận hành một trung tâm mua sắm tại quận 1 với diện tích khoảng 1.700 m2. Tại trung tâm này, bên cạnh Uniqlo, một thương hiệu Nhật Bản khác là MUJI cũng đã khai trương cửa hàng gia dụng và dự kiến tăng tổng diện tích sàn lên khoảng 2.000 m2 trong thời gian tới.
Trong khi nguồn cung mới của bất động sản bán lẻ tại TP.HCM cho thấy một diện mạo đầy tươi mới trong quý cuối của năm 2020, thì ở Hà Nội lại không có nhiều biến động. Điểm sáng duy nhất đến từ Vincom Mega Mall Ocean Park tại Gia Lâm, hoạt động đầu tháng 12/2020. Trung tâm thương mại này cung cấp cho thị trường khoảng 56.000 m2.
Thời gian tới, khoảng 20 dự án mới sẽ hoàn thành, giúp thị trường có thêm 302.000 m2. Đáng chú ý trong số này là Vincom Mega Smart City và Lotte Ciputra Mall. Ngoài ra cũng phải kể đến Aeon Mall Hoàng Mai Giáp Bát đang trong giai đoạn lên kế hoạch.
Còn ở thị trường TP.HCM, Colliers International Việt Nam cho rằng, sẽ có 5 dự án hạ tầng lớn được hoàn thành trong năm 2021, cung cấp thêm 216.000 m2. Đáng chú ý là việc Trung tâm thương mại Socar Shopping Mall tại TP. Thủ Đức đang gấp rút hoàn thành vào quý I/2021.
Các dự án khác cũng được kỳ vọng sẽ hoàn thành là Vincom Megamall Grand Park (TP. Thủ Đức) và Elite Mall (quận 8), giúp thị trường bán lẻ có thêm 430.000 m2 mặt bằng.
Phụ thuộc khách ngoại
Diễn biến đáng chú ý về nguồn cung bất động sản bán lẻ hiện tập trung nhiều tại các khu vực xa trung tâm, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh khiến giá thuê mặt bằng của toàn thị trường hạ nhiệt đôi chút.
Giá chào thuê trung bình ở thị trường Hà Nội, TP.HCM hiện khoảng ở mức 40 USD/m2/tháng, thấp hơn 10 USD so với quý III/2020. Tuy nhiên, đây vẫn là mức giá cao so với mặt bằng chung của thị trường bán lẻ cả nước. Đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 đang có xu hướng tăng trở lại tại các nước châu Á, giá chào thuê trung bình tại TP.HCM được xem là ổn định và ít biến động nhất. Cụ thể, Singapore đã ghi nhận mức sụt giảm vào khoảng 10%, hay tại Hồng Kông, giá chào thuê trung bình đã giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù vậy, tỷ lệ lấp đầy vẫn duy trì ở mức cao tương đương so với cùng kỳ năm 2019, trong khoảng từ 93 đến 94%.
Colliers International Việt Nam dự báo, trong năm 2021, cả giá trị thuê và tỷ lệ lấp đầy đều có thể đạt đến mức tăng trưởng cao hơn nữa do kinh tế dần hồi phục.
Những tín hiệu hồi phục và tăng trưởng tích cực thể hiện qua tỷ lệ lấp đầy, nguồn cung mới, hay việc nhiều hãng bán lẻ quốc tế vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động, cho thấy Việt Nam là thị trường hấp dẫn trong dài hạn.
Hai thương hiệu hàng xa xỉ Louis Vuitton và Christian Dior cam kết gắn bó với Việt Nam bằng việc thuê mới phần mặt bằng diện tích 1.500 m2 tại tòa nhà International Centre Hà Nội. Đây cũng là nơi mà nhiều thương hiệu hàng cao cấp khác như Prada, Hermes, Gucci hay Patek Philippe cũng hiện diện.
Nhiều hãng bán lẻ vẫn tiếp tục thuê các trung tâm thương mại ở vị trí đất vàng và mở rộng hoạt động của mình như Uniqlo, Giordano, ACE, Watson. Các tên tuổi này muốn đón đầu cơ hội chinh phục Gen Z (những người sinh từ khoảng giữa thập niên 1990 đến đầu những năm 2000) có phong cách cởi mở và cá tính hơn, được dự đoán sớm trở thành lực lượng tiêu dùng chính yếu của xã hội.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, sự quan tâm lớn của các nhãn hàng tới thị trường Việt Nam và một trong vài vấn đề chính của họ là xác định mặt bằng phù hợp.
Quá trình tìm kiếm mặt bằng được đánh giá là một thách thức vì các nhãn hàng cao cấp luôn có nhiều yêu cầu trong việc xác định địa điểm phù hợp. Họ cần địa điểm nằm trong khu vực có đối tượng khách hàng tiềm năng, có lưu lượng khách qua lại lớn. Đặc biệt, mặt bằng phải đáp ứng được các chỉ số về độ cao, độ sâu, độ rộng... phù hợp tiêu chí của nhãn hàng. Vậy nên, những mặt bằng có vị trí đắt giá và đáp ứng được các tiêu chí đó thì luôn được săn tìm với mức giá thuê cao.