Du lịch
Điện Biên tận dụng cơ hội phát triển ngành kinh tế xanh
Hạnh Phúc - 18/01/2024 06:33
Tỉnh Điện Biên đang tận dụng cơ hội đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ để bứt phá, trở thành trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.
TP. Điện Biên Phủ đã chuẩn bị sẵn sàng chào đón Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 Ảnh: Vũ Lợi

Năm ý nghĩa đặc biệt của Điện Biên

Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc giàu tiềm năng phát triển du lịch. Đây là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc với hơn 455 km; có đường giao thông đi các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc; có đường hàng không từ Điện Biên Phủ đi Hà Nội và Hải Phòng. Tỉnh có địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh, được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với độ cao biến đổi từ 200 m đến hơn 1.800 m. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông. Xen lẫn các dãy núi cao là các thung lũng, sông suối nhỏ hẹp và dốc, tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ.

Thế mạnh nổi bật của ngành kinh tế xanh Điện Biên là du lịch văn hóa, lịch sử. Nơi đây có hệ thống Di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ gồm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (Mường Phăng); các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập; các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm của Pháp (khu hầm De Castries). Cùng với đó là hệ thống hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước, tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú như rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại Pa Thơm (Điện Biên), Thẩm Púa (Tuần Giáo); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông... Ngoài ra, Điện Biên có nhiều tiềm năng để xây dựng và phát triển du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch văn hóa, sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và chăm sóc sức khỏe…

Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sẽ được tổ chức tại tỉnh Điện Biên trong Năm Du lịch quốc gia 2024 như: Lễ hội Đua thuyền đuôi én; Giải vô địch các câu lạc bộ dù lượn quốc gia năm 2024; các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ... Hiện tỉnh đã tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch tại TP.HCM, Hà Nội và nhiều địa phương lân cận; kết nối với các doanh nghiệp để đưa khách du lịch tới Điện Biên.

Bà Nguyễn Thị Thanh Chuyên, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên cho biết, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, với nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch lớn của tỉnh như: Lễ hội Hoa ban 2024, Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 115 năm thành lập tỉnh (28/6/1909 - 28/6/2024)...

“Với việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, ngay từ cuối năm 2023, tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình hấp dẫn cho sự kiện đặc biệt này. Dự kiến có gần 170 hoạt động, sự kiện cấp quốc gia, cấp tỉnh với sự tham gia của 33 tỉnh, thành phố. Theo kế hoạch, Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 và Lễ hội Hoa ban dự kiến diễn ra trong tháng 3/2024 tại TP. Điện Biên Phủ”, bà Chuyên thông tin.

 

Phấn đấu đón 1,3 triệu lượt khách

Mở màn cho chuỗi hoạt động, sự kiện hấp dẫn tại Điện Biên trong năm 2024, từ ngày 12 - 14/1/2024, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ hội Hoa anh đào - Điện Biên Phủ năm 2024, với chủ đề “Trải nghiệm Pá Khoang - ngắm hoa anh đào”. Đây là sự kiện văn hóa tiêu biểu của tỉnh Điện Biên, góp phần tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, theo tinh thần quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á; tăng cường quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước nói chung, với tỉnh Điện Biên nói riêng.

Ông Vừ A Bằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, Điện Biên là miền đất lịch sử giàu truyền thống yêu nước, là phên dậu biên cương Tổ quốc, nơi đây có 19 dân tộc cùng sinh sống với sắc màu văn hóa đặc sắc. Đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh sắc tươi đẹp, thơ mộng, hùng vỹ, khí hậu hài hòa, trong lành. 10 năm trước, năm 2014, Hội quán Đạo đức Nhật Bản trao tặng tỉnh Điện Biên 1.000 cây hoa anh đào - quốc hoa của Nhật Bản, để trồng trên địa bàn tỉnh.

“Cây hoa anh đào tương thích, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh. Đến nay, hoa anh đào Điện Biên Phủ trở thành thương hiệu, điểm đến hấp dẫn, thu hút khách trong và ngoài nước, làm phong phú thêm nguồn tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh”, ông Bằng nói.

Với nhiều hoạt động thi đấu thể thao, trải nghiệm các không gian văn hóa nghệ thuật, ẩm thực, các trò chơi dân gian truyền thống, Lễ hội Hoa anh đào - Điện Biên 2024 để lại trong lòng công chúng nhiều ấn tượng, cảm xúc khó quên.

Năm 2024 cũng là năm bứt phá trong việc thực hiện mục tiêu Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, tỉnh Điện Biên phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 10,5%; tổng sản lượng lương thực đạt khoảng 282.000 tấn; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 1.900 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22%. Đặc biệt, trong Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024, tỉnh phấn đấu đón trên 1,3 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 2.200 tỷ đồng.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên chia sẻ, để hoàn thành các mục tiêu trên, tỉnh xác định đẩy mạnh 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; trong đó, chú trọng nâng cao tính chủ động, đổi mới trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy mạnh mẽ sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Trong xây dựng cơ bản, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm như: Dự án Đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang giai đoạn I; Dự án Nâng cấp lối mở A Pa Chải - Long Phú thành cửa khẩu song phương. Cùng với đó, địa phương cũng sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách và hiện đại hóa nền hành chính để tạo thuận lợi nhất cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác